Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả tháng 9 tăng hơn 9%, cắt đứt chuỗi các tháng sụt giảm trong 5 tháng qua
11 | 10 | 2021
Giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9 đạt 250 triệu USD, tăng 9,2% so với tháng 8 và tăng 5,2% so với tháng 9/2020.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan cho biết trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 250 triệu USD, tăng 9,2% so với tháng 8 và tăng 5,2% so với tháng 9/2020. 

Đây có thể là tín hiệu lạc quan cho thấy sự phục hồi của mặt hàng này sau khi ghi nhận sự giảm mạnh trong tháng trước đó. Đặc biệt cũng đã cắt đứt chuỗi các tháng sụt giảm trong 5 tháng qua.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

 
Xuất khẩu rau quả tháng 9 tăng hơn 9%, cắt đứt chuỗi các tháng sụt giảm trong 5 tháng qua - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan/Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh nhất làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là lý do chính khiến xuất khẩu hàng rau quả giảm liên tiếp kể từ tháng 4/2021. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ váo báo Công Thương rằng: "Nếu như trước đây xe xe lạnh thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ 2-3 ngày, nay kéo dài hơn một tuần làm chí phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu/ xe tăng lên hơn 100 triệu) gây thiếu xe để quay đầu chở hàng, làm tăng thêm giá thành hàng hóa khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác".

Đáng chú ý, trong tháng 8 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Do Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), làm thanh long trong nước giảm giá mạnh. Nguyên nhân phía Trung Quốc đưa ra là do hàng hóa Việt Nam bị nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Các mặt hàng khác như chuối, xoài, nhãn… hiện nay gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc do trùng thời vụ với hàng nội địa Trung Quốc với sản lượng càng ngày càng tăng do nông dân Trung Quốc gia tăng diện tích trồng rất nhanh (nhất là thanh long ruột đỏ, nhãn), giá bán ra giảm. Hiện, việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ rất yếu do Trung Quốc trồng rất nhiều loại này và chất lượng ngày càng ngon.

Mặt khác, nhiều công ty Trung Quốc đầu tư trồng trọt sản phẩm cùng loại nhiều tại Thái Lan, Campuchia, Lào… nên họ ưu tiên đem sản lượng đã đầu tư về Trung Quốc tiêu thụ tạo sự cạnh tranh với hàng Việt Nam.

Ngoài ra, rau quả Việt còn chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng và mẫu mã với hàng cùng loại của Thái Lan, Campuchia… Chính vì vậy, các thương gia Trung Quốc không có hoặc lãi ít khi nhập và bán hàng từ Việt Nam (nhất là giá cước xe vận chuyển tăng cao như hiện nay, thời gian thông quan hàng lâu, phẩm chất bị giảm sút…).

 
Xuất khẩu rau quả tháng 9 tăng hơn 9%, cắt đứt chuỗi các tháng sụt giảm trong 5 tháng qua - Ảnh 2.

Thị trường xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Tổng cục Hải quan/Bộ Công Thương)

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xu hướng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc giảm tốc nhanh nhất so với các thị trường khác, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả của chính của Việt Nam. Do đó, việc tăng mạnh sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Nga, Australia…cũng chưa bù đắp được mức giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc trong tháng 8/2021.

"Tuy nhiên, việc đa dang hoá thị trường xuất khẩu hàng rau quả, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.



Báo cáo phân tích thị trường