Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà vườn Tây Nguyên khát nhân công hái cà phê
24 | 11 | 2021

tuoitre.vn_Do ảnh hưởng của COVID-19, các nhà vườn ở Tây Nguyên vô cùng khó khăn khi tìm kiếm người hái cà phê, cần hàng trăm ngàn lao động cho công việc này.

Nhà vườn Tây Nguyên khát nhân công hái cà phê - Ảnh 1.

Các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu hàng chục triệu công hái cà phê - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ngày 15-11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tỉnh này cần tới hơn 13 triệu công lao động trong vụ thu hoạch cà phê năm nay. 

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông với tổng diện tích trên 130.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch vào khoảng 120.000ha, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 330.000 tấn. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, tổng giá trị ước đạt trên 13.200 tỉ đồng.

Trong 2 tháng cao điểm thu hoạch cuối năm 2021, Đắk Nông cần trên 230.000 lao động. Trong khi lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%, số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác.

Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên số lao động thu hoạch này rất hạn chế, dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 115.000 lao động so với các năm trước.

Tại Đắk Lắk, thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết tỉnh này có hơn 200.000ha cà phê, với sản lượng gần 500.000 tấn. Với số lượng cà phê như trên, tỉnh này cần gần 15 triệu ngày công lao động để thu hái.

Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện cũng có hơn 114.000ha cà phê. Hằng năm lực lượng lao động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng lần lượt khoảng 60% và 40%, còn lại là lao động thời vụ từ các tỉnh miền Trung đến.

Còn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 162.129ha cà phê, cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 518.603 tấn nhân. Dự kiến, lượng công cần thiết phục vụ cho nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ năm nay khoảng gần 8 triệu ngày công lao động. Hiện lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế.

Anh Trịnh Văn Thuận (ngụ thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) có 1,6ha cà phê. Năm nay do không tìm được người hái, anh chỉ tận dụng các thành viên trong nhà hái dần trong 2-3 tháng tới.

"Mọi năm có lao động ở các tỉnh miền Trung, miền Tây lên thì công hái không khó khăn lắm, giá hái khoán cũng chỉ 1.000 đồng/kg. Năm nay, giá hái phải 1.400 đồng/kg nhưng cũng không đủ người", anh Thuận nói.

Để khắc phục tạm thời tình trạng trên, các tỉnh đã có văn bản khuyến cáo các địa phương rà soát, tận dụng lao động tại chỗ, huy động các tổ chức đoàn thể, thành lập các tổ, nhóm liên kết giữa các hộ theo khu vực, thực hiện đổi công. Ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước để hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.

Trong trường hợp dịch lây lan rộng và phức tạp, các địa phương có thể phải làm việc trực tiếp với cơ quan quân sự địa phương để thống nhất, có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh, cơ quan quân sự cấp tỉnh xem xét huy động các lực lượng vũ trang tham gia hỗ trợ người dân thu hái cà phê.

Nhộn nhịp tuyển người hái cà phê online

capture

Trên các trang mạng xã hội, nhiều nông dân tìm người hái cà phê - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Trên các trang mạng xã hội ở Đắk Nông, các bài viết tìm công hái cà phê luôn nhiều tương tác. Có đến hàng trăm bình luận thỏa thuận giá công ngay trên mạng. Nhiều nhà vườn tích cực đăng tìm nhân công đã chủ động được lao động từ đầu mùa, tận dụng được khoảng thời gian giá cà phê đang ở mức trên 40.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Hải Hậu (ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) cho biết hiện nay rất nhiều người trẻ tìm việc trong thời gian ở quê tránh dịch. Những người này thường dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội. Nhiều tháng qua đã hình thành các "chợ" việc làm online để người tìm và người lao động dễ dàng thỏa thuận.

"Thay vì phải tự đi tìm nhân công, chúng tôi chỉ cần một bài đăng có đầy đủ thông tin như địa điểm, diện tích, giá cả thì sẽ nhận được rất nhiều phản hồi của người dùng mạng xã hội. Ai có nhu cầu việc làm, họ sẽ trao đổi với chủ vườn để thỏa thuận công hái", anh Hậu chia sẻ.

 



Báo cáo phân tích thị trường