Còn gian nan trước mắt
Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa tái phục hồi dẫn tới chi phí logistic vẫn tăng đáng kể. Song song đó, việc cung ứng hàng hóa không kịp thời do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá cả biến động và xu thế đầu vào trong lĩnh vực nuôi tôm lẫn chế biến tôm đều tăng. Tất cả tạo nên một hợp lực nâng mức khó khăn của ngành tôm và nhiều ngành kinh tế khác trong tương lai gần. Chi phí tăng, cạnh tranh mạnh từ quốc tế… khiến bức tranh ngành tôm khởi đầu năm sau có vẻ không sáng sủa.
Nếu tình huống kiểm soát tốt dịch bệnh từ năm 2022 thì sẽ là điều an ủi, động viên lớn lao để người nuôi tôm, nhà chế biến còn phấn khởi với công việc của mình. Tuy còn khó khăn nhưng cảm thấy an lòng, cảm thấy an toàn trong hoạt động. Chiều ngược lại, dịch bệnh chưa kiểm soát tốt, sẽ là bức tranh màu tối của không ít ngành kinh tế…
Quý 4/2021 này, miền Tây đang oằn mình chống dịch. Chính quyền cơ sơ các địa phương mệt nhoài vì bị dịch “hành hạ”. Các cơ sở sản xuất đau đầu vì số ca nhiễm phát hiện ra hàng ngày. Ngoài chuyện xử lý từng vụ việc, số người lao động bị vơi dần vì dính dáng các ca nhiễm xảy ra. Như các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng từ đầu tháng 10 đến nay đã giảm trên 4.000 lao động với lý do nêu trên.
Tin nổi bật thời điểm này là đang vào mùa lạnh ở bắc bán cầu, môi trường ưa thích của dịch bệnh. Cụ thể hơn là một số nước Tây Âu có số ca nhiễm tăng đột biến. Còn trong nước là nhiều địa phương, tập trung ở miền Tây, có số ca nhiễm tăng từng ngày, đến nỗi phải báo động về quá tải năng lực điều trị; một số địa phương buộc lòng phải nâng cấp độ dịch, thắt chặt kiểm soát nhằm hạn chế lây lan. Tất cả tạo nên bầu không khí khá khẩn trương, đậm nét âu lo, nhất là khi sắp năm hết tết đến, cần chi xài nhiều trong khi công việc lại bấp bênh, lệ thuộc tình hình diễn biến vô chừng của dịch bệnh.
“Ngắn sào dễ trở” – Tôm Việt sẽ sớm hồi phục
Trên đây là một góc nhìn rõ ràng trước mắt. Nhưng nếu nhìn ở góc độ chiều dài, chiều sâu sẽ có những điều gây dựng lại lòng tin vào ngành tôm Việt Nam.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nghĩa là từ năm 2019 trở về trước, ngành tôm của chúng ta cũng gặp bất lợi không nhỏ. Đó là dịch bệnh khiến tỉ lệ thành công thấp, đó là vật tư đầu vào cao hơn sản phẩm tương đồng các nước khác. Hệ quả là giá thành tôm nuôi của ta cao hơn đối thủ hơn 1 USD, làm giảm sức cạnh tranh không nhỏ. Nhưng tôm Việt Nam mấy chục năm qua đâu có cảnh dội chợ, tồn kho, tồn dưới ao nuôi. Đó là nhờ trình độ chế biến tôm của chúng ta ở ngưỡng cao của thế giới, chiếm lĩnh khúc thị phần cấp cao, đó là cách làm ăn lâu bền, coi trọng chữ tình và uy tín của đa số doanh nghiệp. Và đó cũng nhờ các hiệp định tự do thương mại mà Chính phủ dốc tâm chăm lo, khiến sản phẩm tôm miễn, giảm thuế khi xuất vào hầu hết các thị trường lớn, tăng sức cạnh tranh.
Bây giờ, diễn biến tình hình Covid-19, có lúc làm tăng cơ hội cho ngành tôm nhưng rồi cơ hội đó cũng đã đi qua! Như vậy, diễn biến trên bàn cờ tranh đua thị trường giữa các cường quốc tôm trở lại bình thường, nhất là ở quốc gia mà Covid-19 đang sắp đi qua.
Tóm gọn lại, nếu lấy tình hình Covid-19 thời điểm này làm bối cảnh và hậu cảnh thì ngành tôm ta có phần bất lợi. Nhưng ở góc nhìn lạc quan, có những điểm lưu ý:
Thứ nhất là, ngành tôm và các ngành thủy sản khác của Việt Nam có truyền thống không đầu hàng nghịch cảnh. Khó khăn nhất là cá tra, lúc khó khăn cao điểm vẫn duy trì mức tiêu thụ sản lượng cao, xoay quanh 1,5 triệu tấn cá hàng năm. Còn các mốc khó khăn như các lần khủng hoảng tài chính kinh tế khu vực (1998) hay thế giới (2008), ngành tôm nói riêng, thủy sản nói chung luôn kiên trì vượt qua.
Nay trước mắt tuy có phần bất lợi, nhưng những tháng qua cho thấy các doanh nghiệp tôm luôn bền bỉ tổ chức sản xuất trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Thành quả cao nhất là không có cảnh ao tôm nào bị bỏ quên, gây thiệt hại. Thành quả đáng nêu nữa là khả năng năm nay kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ đạt kế hoạch đề ra, dù tăng trưởng chỉ một con số khiêm tốn. Với năng lực vượt khó đó, chúng ta có nền tảng tin tưởng tình hình dịch bệnh sẽ không làm chùn bước được ngành tôm sau khi đã phủ vaccine.
Thứ hai là, Chính phủ và Bộ ngành liên quan đã có thêm kinh nghiệm, đủ bản lĩnh để xử lý dịch bệnh linh hoạt và thích ứng trong khoảng thời gian ngắn sắp tới. Qua các thông tin, bây giờ đã có nhiều bài học, kinh nghiệm phòng chống dịch có hiệu quả từ nhiều nước. Các địa phương cũng “quen tay” nên xử lý công việc phòng chống dịch sẽ hiệu quả và ổn thỏa hơn. Các doanh nghiệp cũng không còn than vất vả như những ngày đầu, tập trung giữ vững thành trì, giữ nhịp độ hoạt động. Người dân, trải qua nhiều lần đương đầu khó khăn, sẽ nâng cao ý thức phòng chống dịch, sẽ giảm lây lan hơn.
Tóm lại, nhận định tình hình của ngành đang hoạt động sẽ giúp các nhà quản lý và doanh nghiệp có sách lược ứng phó phù hợp và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình chuyển biến nhanh do tác động của dịch bệnh, nên việc cập nhật thông tin, nhận định, xu hướng là điều mỗi doanh nghiệp quan tâm, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.
Bức tranh chung ngành tôm thời điểm này tuy không phải là sáng sủa gì nhưng chúng ta có lòng tin vào sự điều hành quốc gia và nhất là bản lĩnh, ý chí người trong ngành. Từ đó, chúng ta tin tưởng ngành tôm chúng ta sẽ vững bước đi lên và nhanh chóng hồi phục.