Trong tháng 10 năm nay, trong số các thị trường NK chính, XK tôm sang các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng; XK sang Trung Quốc tiếp tục giảm.
Về sản phẩm XK, tính tới tháng 10 năm nay, giá trị XK tôm chân trắng của Việt Nam (chiếm 77% tổng các sản phẩm tôm XK) tăng 9% trong khi giá trị XK tôm sú (chiếm tỷ trọng 16%) tăng 1,8%, giá trị XK tôm biển giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về sản lượng, tháng 10/2021, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 85,3 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tôm sú ước đạt 33,6 nghìn tấn, giảm 0,9%. Giá tôm chân trắng nguyên liệu tăng ở tất cả kích cỡ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thị trường Mỹ
Tháng 10/2021, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 117,7 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 892,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại Việt Nam, XK tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.
Nhu cầu tôm cỡ lớn của Mỹ đang hồi phục, Mỹ cũng có nhu cầu cao với sản phẩm tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ NK 74.040 tấn tôm trong tháng 9/2021, giảm 1% so với tháng 9/2020.Giá trị NK tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 9, với giá trị đạt 683,06 triệu USD, tăng 5% so với tháng 9/2020.
Thị trường EU
Tháng 10/2021, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt gần 74 triệu USD, tăng 13% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt gần 482 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Nhu cầu NK tôm của EU trong những tháng cuối năm nay vẫn tiếp tục tăng.
Ba thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 10/2021, XK tôm sang Đức và Hà Lan tăng lần lượt 17% và 0,6%, XK sang Bỉ tăng 7%.
Kinh tế EU đang trên đà hồi phục và được dự báo trở lại bình thường ngay từ năm 2022. Để khôi phục kinh tế hậu COVID-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU.
Thị trường Trung Quốc
Tháng 10 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 43,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 341,5 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm liên tục từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân là do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ virus corona trên thủy sản NK khiến thông quan tại các cảng ở Trung Quốc bị ách tắc.
Ngoài ra, ngành sản xuất và XK thủy sản Trung Quốc bị ảnh hưởng giảm bởi dịch Covid nên dường như nước này cũng muốn bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản nội địa, nên tìm cách hạn chế NK. Trung Quốc cũng đã và đang tăng cường truyền thông mạnh người dân sử dụng sản phẩm của Trung Quốc.
Sau khi nới lỏng giãn cách để phòng dịch từ giữa tháng 9, DN đang từng bước phục hồi sản xuất tuy vậy còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cần thiết nhất lúc này là người lao động được tiêm đầy đủ vaccine, cùng với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, để DN có thể khôi phục tối đa công suất hoạt động, tận dụng cơ hội từ phía các thị trường nhập khẩu. Dự kiến, XK tôm Việt Nam cả năm 2021 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.