Theo Báo Thái Nguyên
Để chè Tân Cương “vừa nhọn, vừa sắc”
Chè được khẳng định là cây trồng mũi nhọn ở T.P Thái Nguyên. Đặc biệt, vùng chè đặc sản Tân Cương (gồm các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà) hiện có tổng diện tích lên đến trên 1.400ha, trong đó, gần 1.350ha đang cho thu hoạch. Do được chăm sóc, thu hái đúng quy trình kỹ thuật, năng suất chè tăng từ 140 tạ/ha (năm 2015) lên 150,7 tạ/ha vào năm 2021. Theo đó, sản lượng tăng từ 18.000 tấn (năm 2015) lên 20.300 tấn (năm 2021), tương đương số tiền 1.300 tỷ đồng.
Chè Tân Cương được bày bán ở các siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên cả nước, với giá bán ổn định và luôn cao hơn so với sản phầm của các vùng chè khác. Qua khảo sát thị trường tại thời điểm cuối năm 2021, chè Tân Cương có giá thấp nhất từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg; chè tôm nõn đặc sản từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg; chè tôm nõn cao cấp từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg; chè đinh cao cấp từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/kg.
Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã chủ động chế biến, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Một số cơ sở đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và tạo được sản phẩm riêng biệt, ví như HTX chè Tân Hương có Tâm phúc trà, Bạch Ngọc trà; HTX chè Hảo Đạt có sản phẩm chè tôm nõn; HTX Tân Trà Thái có sản phẩm Nhất đinh trà; HTX chè Thủy Thuật có sản phẩm Lộc đinh trà. Đặc biệt Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình có gần 100 sản phẩm khác nhau, trong đó, sản phẩm chè Đinh Vương Phẩm tham dự Cuộc thi Chè đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ năm 2017 được Ban tổ chức trao giải Đặc biệt.
Sản phẩm Đinh Vương Phẩm của Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi Chè đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ năm 2017 và hiện có giá bán 3,5 triệu đồng/kg.
Nguồn lợi kinh tế do cây chè mang lại đã làm thay đổi diện mạo của vùng đất phía Tây thành phố. Nhiều nông hộ đạt thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ làm chè, bao tiêu sản phẩm chè, hoặc kinh doanh các dịch vụ cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị máy móc phục vụ cho nông dân trong vùng. Bằng 2 phương pháp chế biến thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, nông dân vùng chè Tân Cương đã tạo được các sản phẩm chính là chè xanh và chè xanh cao cấp, với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Kết quả lao động sáng tạo của các thế hệ nông dân vùng chè Tân Cương đã nâng được tầm thương hiệu, “chắp cánh” cho hương chè bay xa. Nhưng theo đánh giá thực tế, để “vừa nhọn, vừa sắc”, nông dân vùng chè Tân Cương cần có thái độ tích cực hơn với cây chè trung du lá nhỏ. Bởi đây là giống chè mang lại sự khác biệt, tạo nên hồn cốt, để ở khắp mọi miền trên cả nước, khi nói đến Thái Nguyên là nhắc ngay đến chè Tân Cương.
Giữ gìn cốt xưa
Kể từ độ cụ Đội Năm mang giống chè trung du lá nhỏ về trồng trên vùng đất Tân Cương (năm 1921) đến nay vừa tròn trăm năm. Từ số hạt giống ít ỏi lúc bấy giờ, nay đã phát triển thành vùng chè bạt ngàn, nức tiếng gần xa. Nhưng nỗi lo mới nảy sinh khi các giống chè lai ngoại ngày càng được quan tâm mở rộng diện tích, trong khi giống chè bản địa dần bị thu hẹp với “tốc độ chóng mặt”.
Tháng 9-2017, vùng chè Tân Cương được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè Tân Cương. Nhưng phía sau vinh dự cho một sản phẩm là nỗi lo đang lớn dần ở chính mảnh đất này. Bởi, theo con số thống kê sát thực thì vùng chè Tân Cương chỉ có 20% diện tích là chè bản địa (chè trung du lá nhỏ), 80% còn lại là chè lai ngoại. Nên trong cùng thời gian, tại vùng chè này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên và địa phương cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ: Tuyên truyền cho người dân sử dụng hiệu quả Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, đồng thời triển khai Dự án “Bảo tồn và phát triển giống chè trung du nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè của Thái Nguyên”.
Sau 3 năm (từ tháng 9-2017 đến tháng 9-2020), vùng chè Tân Cương có 3ha chè trung du lá nhỏ được trồng mới theo Dự án trên. Toàn bộ giống chè được Dự án tuyển chọn tại 68 hộ trong vùng. Đặc biệt có 7 cây chè giống được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp Giấy chứng nhận cây chè trung du đầu dòng. Hiện nay, toàn bộ diện tích chè trồng mới theo Dự án phát triển tốt và đang cho thu hoạch.
Năm 2021, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng chè ở T.P Thái Nguyên ước đạt 800 triệu đồng. Trong ảnh: Chế biến chè tại HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Tuy nhiên, nguy cơ mất Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” còn tiềm ẩn. Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng T.P Thái Nguyên: Diện tích chè trung du bản địa còn lại ở vùng chè Tân Cương hiện chỉ chiếm hơn 10%, gần 90% còn lại là chè lai. Tốc độ lai hóa diễn ra rất nhanh, trong thời gian 10 năm (2005-2015) vùng chè Tân Cương được “xã hội hóa” bằng chè lai. Trong 3 năm gần đây, diện tích chè trung du bản địa tiếp tục giảm thêm gần 10%.
Trước nguy cơ đánh mất Chỉ dẫn địa lý cho một vùng chè đặc sản, T.P Thái Nguyên đã tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021-2025” với kinh phí khái toán thực hiện hơn 27 tỷ đồng. Trên cơ sở chuyển quỹ đất được chuyển đổi từ đất lúa xen kẹp với đất màu, đất đồi rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng mới 300ha chè trung du, thành phố đặt mục tiêu nâng tổng diện tích chè giống trung du từ 210ha năm 2021 lên 510ha vào năm 2025. Theo đó, tổng diện tích chè của các xã trong vùng Tân Cương sẽ đạt 1.700ha, trong đó cơ cấu giống chè trung du chiếm 30%, chè lai ngoại chiếm 70%…
Thành phố có định hướng đúng, các cơ quan chuyên môn vào cuộc quyết liệt, cùng với đó là sự đồng thuận của bà con nông dân, đây chính là các “chân kiềng” quan trọng để giống chè trung du bản địa tiếp tục trụ vững và phát triển ở vùng chè Tân Cương, ngày càng tỏa hương trên thương trường trong nước và quốc tế.