Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau quả Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong khi xuất khẩu vẫn dậm chân tại chỗ
22 | 02 | 2022
Trong khi rau quả từ Trung Quốc vẫn đang ồ ạt vào Việt Nam thì ở chiều ngược lại xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lại sụt giảm mạnh 18,5% trong tháng đầu năm 2022.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Nhập khẩu tăng cao, xuất khẩu kém vui

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước đã chi 166,7 triệu USD nhập khẩu rau quả trong tháng đầu năm 2022, tăng 26,4% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 12% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc trong tháng đầu năm đạt kỷ lục 72,8 triệu USD, tăng mạnh 60,8% so với cùng kỳ năm 2021 và đến chiếm 30% tổng rau quả nhập khẩu của cả nước.

Trong khi rau quả từ Trung Quốc vẫn ồ ạt vào Việt Nam thì ở chiều ngược lại xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lại sụt giảm mạnh 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3% so với tháng 12/2021, chỉ đạt 148,9 triệu USD trong tháng đầu năm 2022.

Trước đó, năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 3,7% trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng tới 28,4%.

Rau quả Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong khi xuất khẩu vẫn dậm chân tại chỗ - Ảnh 1.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Mặc dù các doanh nghiệp đã tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ (tăng 69,8% so với cùng kỳ), Hàn Quốc (tăng 31,6%), Nhật Bản (tăng 12,2%) nhưng cũng không thể bù đắp được sự sụt giảm đến từ thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu.

Do đó, tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong tháng đầu năm 2022 đã giảm 2,1% so với tháng 12 năm ngoái và giảm 5,2% so với cùng kỳ, đạt 293,2 triệu USD.

Bế tắc trước chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc

Không chỉ tháng đầu năm nay mà thực tế xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong những tháng trước đó đã gặp khá nhiều khó khăn do chính sách "Zero COVID" của nước này.

Đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm ngoái và đầu năm nay, đã có hàng nghìn container nông sản, chủ yếu là trái cây dễ hư hỏng ùn ứ ở cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch ở các cửa khẩu bằng cách khử khuẩn xe và hàng, phải trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... khiến thời gian thông quan kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, rau quả chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Nhờ các biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các bộ, ban ngành, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc sau Tết Nguyên Đán có nhiều chuyển biến tích cực.

Lượng xe tồn giảm so với trước Tết, nhiều mặt hàng được thông quan ngay từ những ngày đầu tiên của năm Nhâm Dần sau khi Trung Quốc hạn chế thông quan trước đó.

Tuy nhiên, tình hình thông quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mới đây, ngày 17/2, qua đường dây nóng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai nhận được thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm thời ngừng hoạt động nhập khẩu.

Nguyên nhân là phía Hà Khẩu (Trung Quốc) phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới từ nội địa, dự kiến sẽ phong tỏa huyện Hà Khẩu và tiến hành xét nghiệm COVID-19 toàn dân.

Trước đó, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng trái cây tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 đến hết ngày 25/2.

Lý do được đưa ra là những ngày qua, xe chở hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là trái cây tươi lên các cửa khẩu của tỉnh liên tục tăng, nguy cơ xảy ra tình trạng ùn ứ như trước Tết.

Rau quả Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong khi xuất khẩu vẫn dậm chân tại chỗ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Theo báo Nhân Dân, Dù biết tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chuyển hàng lên cửa khẩu vì chưa tìm ra hướng tiêu thụ khác hiệu quả hơn.

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết đối với mặt hàng thanh long, dù mở rộng thị trường nội địa thì số lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Trong khi, các thị trường khác như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... cũng chiếm lượng nhỏ, chủ yếu xuất đi từ các công ty lớn.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển nhưng cước vận chuyển đường biển sang Trung Quốc hiện rất cao, khoảng 5.000 USD/container, gấp 5-6 lần so với trước đây. Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi phương thức này.

Ông Huỳnh Cảnh cũng cho biết thêm, hiện tỉnh cũng chưa tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất để tiêu thụ thanh long cho bà con khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì thị trường này tiêu thụ tới 80% sản lượng thanh long hằng năm của tỉnh. Hiện, giá thanh long trên địa bàn hiện đang giảm rất sâu, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đang vấp phải nhiều rào cản.

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của phía hải quan Trung Quốc. Mặt khác nhiều doanh nghiệp cũng còn tâm lý ngại chuyển đổi khi đang có sẵn mối xuất hàng tiểu ngạch.

Ngoài ra, cũng có tình trạng đối tác phía Trung Quốc chủ động chọn hình thức nhập khẩu tiểu ngạch để duy trì mức giá rẻ. Ông Trịnh cảnh báo nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động tìm cách chuyển đổi hình thức xuất khẩu thì sẽ còn gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước. Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi.

Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

 



Báo cáo phân tích thị trường