Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đàm phán mở thêm cửa khẩu xuất nhập khẩu chính ngạch với Trung Quốc
11 | 03 | 2022
Về định hướng và lộ trình chuyển xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang chính ngạch, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành tăng cường đàm phán về mở thêm các cửa khẩu thực hiện thông quan, xuất nhập khẩu chính ngạch.

Nguồn: Haiquanonline.com.vn

Đàm phán mở thêm cửa khẩu xuất nhập khẩu chính ngạch với Trung Quốc
Toàn cảnh buổi làm việc

Hàng loạt thách thức xuất khẩu tiểu ngạch

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4%; nhập khẩu đạt 515 triệu USD, tăng 16,6%.

Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,39 % so với năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về tình hình xuất nhập khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc chiều ngày 9/3, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang đối diện không ít thách thức.

Việc nhập khẩu các mặt hàng ngoài danh mục được xuất khẩu chính ngạch bị coi là buôn lậu và áp dụng các chế tài tịch thu hàng, bắt giữ người, phạt tiền và có thể truy cứu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên mậu ưu đãi 8.000 tệ/người/ngày cho cư dân biên giới được quản lý chặt chẽ hơn về chủng loại hàng, số lượng mỗi lượt giao hàng. Trung Quốc kiểm soát chặt cửa khẩu, lối mở, đã triển khai rào dây thép gai cao 2,5m và gắn camera theo dõi tại nhiều nơi.

“Do đó, thời gian qua một số mặt hàng (như sầu riêng, chanh leo) vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nay cũng không thể nhập khẩu vào Trung Quốc”, ông Toản nói.

Đáng chú ý, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh: Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam.

Một số loại nông sản của Việt Nam như: bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu.

Đặc biệt vừa qua, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid-19”, thặt chặt kiểm soát, phòng chống dịch covid-19 trên cả bao bì hàng nông sản, hạn chế lượng thông quan. Điều này gây ra ùn tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, có thời điểm ngừng thông quan tại một số cửa khẩu do phát hiện Covid-19 đối với người và cả trên hàng hóa khi thông quan.

Mở thêm xuất khẩu chính ngạch qua đường biển

Dễ thấy, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản hàng đầu của Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường này, dần “xoá sổ” tình trạng hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là điều không thể trì hoãn thêm nữa.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Công ty CP Chuỗi nông sản thực phẩm Việt phân tích, muốn chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu.

5210-img-4319
Trung Quốc đã, đang và sẽ còn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản Việt trong nhiều năm tới. Ảnh: N.H

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả ngay 100% tiền nhưng họ đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt. Doanh nghiệp Việt Nam phải có chuỗi liên kết, nguồn cung ổn định. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải có ký kết hợp đồng liên kết với nông dân trong bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nữa là đẩy mạnh chế biến sâu. Hàng nông sản tươi, đặc biệt như trái cây tươi đưa lên cửa khẩu chỉ nằm chờ 5-10 ngày, xuất khẩu theo lối tiểu ngạch sẽ bị dìm giá hoặc thậm chí không bán được. Trong khi đó, nếu đẩy mạnh được chế biến sâu sẽ bớt bị động khá nhiều.

“Ví dụ, Trung Quốc là thị trường ưa chuộng trái vải khô. Nếu Việt Nam có đủ doanh nghiệp chế biến sâu triển khai và xuất khẩu vải khô thay vì xuất khẩu tươi sang Trung Quốc, áp lực tiêu thụ sẽ giảm đi rất nhiều”, bà Ngọc dẫn chứng thêm.

Về định hướng và lộ trình chuyển xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang chính ngạch thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành tăng cường đàm phán về mở thêm các cửa khẩu thực hiện thông quan, xuất nhập khẩu chính ngạch.

Mở thêm các hình thức xuất khẩu chính ngạch qua đường sắt, đường biển; hợp tác hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kết nối giữa các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương biên giới hiện đại hóa, điện tử hóa hệ thống thông tin thị trường để kịp thời cung cấp tới các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về nhu cầu, giá cả, thay đổi chính sách… của thị trường Trung Quốc; phát triển các sàn giao dịch, hình thức thương mại điện tử đối với hàng nông sản, xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành đàm phán mở rộng danh mục hàng hóa nông sản, danh sách doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; xây dựng “Đề án xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc" trong bối cảnh hiện nay”, đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ.

Xuất nhập khẩu tiểu ngạch là một trong những hình thức trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người dân sinh sống ở gần biên giới giữa hai nước có đường biên giới liền kề nhau tại các vùng cửa khẩu ở một số tỉnh giáp biên với các nước láng giềng, điển hình như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai…

Xuất khẩu chính ngạch là một hình thức buôn bán mang tính quốc tế cao, được nhiều thương lái, doanh nghiệp lựa chọn để giao dịch và thông thương với các nước có đường biên giới sát Việt Nam như: Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Theo đó, các công ty, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam ký những những hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài theo hiệp định đã được ký kết (hoặc cam kết) giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa quốc gia với các khu vực, tổ chức, hiệp hội kinh tế trên thế giới theo thông lệ quốc tế.

 



Báo cáo phân tích thị trường