Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh: Doanh nghiệp lưu ý gì?
12 | 04 | 2022
Từng bước siết chặt hơn các quy định về môi trường, sớm đưa vào chương trình kiểm tra AND đối với gỗ, và có thể thị trường Anh sẽ chuyển sang sử dụng 100% gỗ có chứng nhận FSC... Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý trong thời gian tới để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Nguồn: trungtamwto.vn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong năm 2021 đạt 254,44 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Tiếp nối thành công trong năm 2021, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh tiếp tục tăng mạnh, đạt 30,7 triệu USD, tăng 11,6% so với tháng 12/2021, tăng 47,7% so với tháng 1/2021. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Anh đang dần phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đóng vai trò quan trọng, ngành gỗ cũng hưởng lợi khi nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%), giúp cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường Anh.

Bên cạnh đó, Hiệp định UKVFTA cũng giúp cân bằng lợi thế trong sân chơi thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Anh, đồng thời gia tăng tính minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng. Từ đây, thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn Anh quốc sẽ giúp hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường khác.

Ngoài ra, UKVFTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam khai thác và mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng tại thị trường này.

Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt đó là cước tàu tăng 30 - 40%. Theo đại diện thu mua sản phẩm gỗ Công ty Gallery Direct của Anh tại Việt Nam, hiện, công ty buộc phải hủy các đơn hàng nhỏ xuất đi trong tháng 3 và tháng 4 này để ký hợp đồng vận chuyển thẳng với các hãng tàu chứ không thông qua các đại lý tàu biển nhằm giảm bớt một phần giá cước. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các đơn hàng lớn, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp phải xuất đi 50-60 container.

Trong khi các nhà mua bên Anh có điều chỉnh tăng giá bán đồ gỗ, nhưng mức tăng không cao, cùng với giá logistics tăng liên tục và doanh nghiệp cung cấp cũng đề nghị tăng giá khiến các nhà đơn vị thu mua như Gallery Direct gặp khó và thu nhỏ lợi nhuận.

Mặt khác, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Thủ tục xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Anh ngày càng khó hơn. Đáng chú ý, kể từ tháng 1/2020 Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU. Điều này có nghĩa rằng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh trong tương lai cần phải tuân thủ với các quy định của Chính phủ Anh.

Cụ thể, mặc dù hiện Chính phủ Anh vẫn áp dụng cơ bản Quy định về gỗ của EU (EUTR), nhưng đang từng bước siết chặt hơn các quy định về môi trường. Ngày 25/3 là hạn chót, các nhà nhập khẩu phải kê khai nguyên liệu sử dụng chèn lót đồ gỗ. Theo quy định này, nhà nhập khẩu phải sử dụng nguyên liệu giấy để chèn lót đồ gỗ, thay vì nhựa như trước đây. Chính phủ Anh cũng khuyến khích sử dụng các nguyên liệu tái chế có chứng nhận quốc tế về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, một vấn đề mà doanh nghiệp lo lắng đó là Chính phủ Anh đang đẩy nhanh việc triển khai chương trình xét nghiệm (test) AND sản phẩm gỗ nhằm chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Anh sẽ đảm nhiệm việc này. Việc này không mới và đã được cảnh báo từ cách đây mấy năm. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần cảnh báo cho các doanh nghiệp.

Tại Anh, 6 tháng trước, các bên đã bàn về một bộ luật mới UKTR, tương tự EUTR, nhưng sẽ áp các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn. Khả năng cao, phía Anh sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu sử dụng nguyên liệu gỗ đầu vào phải có chứng nhận FSC (tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu).

Theo các chuyên gia trong ngành, việc sử dụng 100% gỗ FSC không dễ, bởi trên thực tế có những loại gỗ không phù hợp với có chứng nhận FSC. Hiện có những thị trường vẫn cho phép sử dụng kết hợp, nghĩa là gỗ FSC kết hợp với các nguồn gỗ khác, miễn là rừng trồng. Do đó, rất có thể, thị trường Anh sẽ áp quy định chứng nhận FSC theo vùng cụ thể.

Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành và chiếm tới 43% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang cả khối EU (597,76 triệu USD).

Để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Các quy định mới liên quan đến nhập khẩu gỗ của thị trường Anh có thể chưa ban hành trong năm 2022, do Chính phủ Anh đang bận rộn với các hoạt động thay đổi chính sách độc lập sau khi rời EU. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu trong nước cần chuẩn bị để duy trì, phát triển quy mô xuất khẩu sang thị trường này. “Gỗ có chứng chỉ FSC là 1 trong các yếu tố mà thị trường Anh đang xem xét. Mặc dù vẫn còn thời gian chuẩn bị nhưng doanh nghiệp cần luôn trong tâm thế sẵn sàng, bởi khi thị trường này áp dụng thì sẽ trở tay không kịp”, đại diện thu mua sản phẩm gỗ Công ty Gallery Direct khuyến nghị.

 



Báo cáo phân tích thị trường