Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp tái sinh của 21.000 hộ trồng cà phê bền vững
14 | 04 | 2022
Từ những mô hình liên kết, những khái niệm nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã không còn xa lạ với người nông dân ở Tây Nguyên.

Nguồn: nongnghiep.vn

Một cuộc cách mạng

Giữa những rẫy cà phê bạt ngàn của huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, một nhóm nông dân trồng cà phê lưng ướt đẫm mồ hôi đang ngồi… nói chuyện thế giới. Ngoài những câu chuyện về thị trường, giá cả, họ nói về Hội nghị thượng đỉnh COP26, nói về cam kết tăng trưởng xanh, cam kết Net Zero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, nói về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tái sinh....

Họ là những người nông dân nằm trong số 21.000 nông hộ trồng cà phê bền vững theo Chương trình Nescafe Plan do Công ty TNHH Nestle Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức. Lẽ tất nhiên, so với con số khoảng 600.000 nông hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên, cộng đồng Nescafe Plan mới chỉ chiếm số lượng còn khiêm tốn, nhưng sau hơn 10 năm triển khai, những câu chuyện của người nông dân trong chương trình này đã mang lại những giá trị không còn viển vông, xa xôi nữa.

Gia đình ông Hoàng Văn Son (ngụ xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) sống chủ yếu dựa vào khoảng 1ha cà phê. Một ngày chưa xa lắm, nó thực sự là vấn nạn khiến ông mất ăn mất ngủ. Nhiều năm canh tác theo kiểu truyền thống khiến diện tích cà phê của gia đình già cỗi, năng suất thấp, chỉ đạt khoảng tầm 2 tấn/ha/năm. Cộng với vấn nạn chung của nông dân trồng cà phê như ông nói là lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học khiến đất đai ngày càng bị thoái hóa, bạc màu, cây trồng dần bị nhiễm bệnh tật rồi chết. Gần cả cuộc đời gắn bó với cây cà phê, giữa thủ phủ đất đỏ bazan bạt ngàn như Cư Kuin mà năm được năm mất, gần như chưa có năm nào cây cà phê giúp gia đình ông Son ổn định.

Năm 2014, tham gia Chương trình Nescafe Plan ông Son được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật để trồng cà phê bền vững. Đó là một bước ngoặt rất lớn. Lần đầu tiên ông biết lựa chọn giống cà phê như thế nào là tốt, kỹ thuật canh tác, cải tạo đất ra sao để giảm thiếu chi phí đầu vào mà vẫn có thể đạt năng suất cao. Những lớp học, tập huấn theo từng chủ đề tưới nước tiết kiệm, làm phân vi sinh, xử lý cỏ dại, bảo quản chất lượng cà phê sau thu hoạch… đã giúp ông Son nhận ra rằng hóa ra phương pháp canh tác bấy lâu nay vừa tốn kém vừa độc hại mà hiệu quả mang lại chẳng đáng bao nhiêu.

“Chương trình Nescafe Plan đã giúp nông dân chúng tôi tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, cải tạo đất, từ đó tiết kiệm được từ 20 - 25% chi phí đầu tư so với trước. Ngay từ vụ đầu tiên tham gia, sản lượng cà phê của gia đình đã tăng lên 3 tấn/ha, đó là những hiệu quả rất rõ mà nông dân chúng tôi có thể thấy ngay được”, ông Son nói.

Từ “hiệu quả thấy ngay được” đó, chỉ trong thời gian ngắn vùng cà phê Ea Ktur đã có 74 hộ tham gia Nescafe Plan với diện tích gần 100ha.

Nếu tính chung cả khu vực Tây Nguyên, thành quả của Nescafe Plan là gần 25.000 khóa đào tạo cho hơn 300.000 nông hộ, hơn 53 triệu cây giống cà phê được hỗ trợ, hơn 34.000ha cà phê già cỗi được tái sinh, 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C…

Điều quan trọng nhất có lẽ là khái niệm nông nghiệp tái sinh trong cộng đồng cà phê bền vững Tây Nguyên ngày càng hiện hữu rõ nét. Không còn một gia đình nào sử dụng đến thuốc diệt cỏ để canh tác, đất đai được cải tạo nhờ giải pháp bồi bổ và kỹ thuật trồng xen canh, người nông dân có nhật ký nông hộ, quản lý vườn cây bằng công cụ số FARMS… Đó là cách làm nông nghiệp mà từ khâu giống, Nestle đã hỗ trợ nhập nội những giống có tính trạng tốt để nghiên cứu, đưa ra những bộ giống phục vụ cho việc tái canh cà phê. Hỗ trợ hệ thống nhân giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô, xây dựng nhà lưới, nhà kính để nghiên cứu, nhân giống cây cà phê… Những thứ trước đây tưởng chừng bỏ đi như vỏ cà phê được ủ thành phân bón vi sinh, từ đất đai đến cỏ dại đều được quản lý, theo dõi...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình cà phê bền vững ở Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quý. 

Ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công bằng Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), nơi có 58 thành viên và các hộ nông dân liên kết trồng cà phê bền vững theo chương trình Nescafe Plan từ những ngày đầu tiên chia sẻ: Sự thay đổi không khác gì một cuộc cách mạng.

Trước năm 2010, đất trồng cà phê của các thành viên HTX Thuận An chủ yếu là đất bạc màu. Vẫn là nguyên do người nông dân quá lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. “Từ thực trạng người dân có thói quen canh tác khi phát hiện một cây bị bệnh sẽ phun thuốc cho cả vườn đến canh tác hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế chính xác là một cuộc cách mạng chứ còn gì nữa”, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công bằng Thuận An cảm khái.

Bàn về “cuộc cách mạng” mà ông Quyết nói, tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng WASI chia sẻ, thực ra thay đổi tập quán canh tác của người nông dân không phải là quá khó nếu chúng ta có mô hình thực sự hiệu quả. Những mô hình mà WASI và Công ty TNHH Nestle Việt Nam liên kết xây dựng nhanh chóng trở thành điểm tham quan, học tập cho người dân tại Tây Nguyên để phát triển cà phê bền vững.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng WASI. Ảnh: Hoàng Anh.

Hãy khoan nói đến những giá trị mềm, những vấn đề vĩ mô mà hãy bắt đầu từ những điều đơn giản. Các mô hình trồng cà phê xen canh hợp lý với tiêu, bơ, sầu riêng và một số cây ăn trái khác đã giúp nông dân tăng thu nhập 30 - 100% so với phương pháp trồng thuần cà phê trước đây. Khi người nông dân nhìn thấy lợi ích kinh tế được đảm bảo họ sẵn sàng tuân thủ các quy trình, giải pháp mới và những giá trị khác của nông nghiệp sẽ hình thành. Ví dụ kỹ thuật trồng xen vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần giữ lượng carbon lại trong đất cao hơn từ đó giảm lượng phát thải so với canh tác truyền thống. Cây che bóng cũng là cây chắn gió trong mùa khô, giúp cải thiện điều kiện sinh thái vườn cây, làm giảm nhiệt độ và độ bốc hơi trong vườn và đồng thời là cây cố định đạm nên cải thiện cầu trúc đất và có thêm dưỡng chất cho cả cây trồng xen và cây cà phê.

Những mô hình quản lý cây trồng cà phê, nông nghiệp tái tạo được lập ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk)... Các mô hình này được WASI và Nestle Việt Nam áp dụng tất cả những kỹ thuật mới nhất theo hướng nông nghiệp bền vững để người dân đến học hỏi. Ở đó, ngoài việc áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp thì bà con nông dân có thể có những biện pháp canh tác hướng tới việc đầu tư đầu vào một cách chính xác nhất. Nông nghiệp tái tạo là tầm nhìn dài hạn, cũng là ý nghĩa về lâu dài trong liên kết giữa WASI và Nestle Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Việt Hà

Triết lý ai nhiều tiền hơn sẽ thắng

Những thành tựu mà Nescafe Plan mang lại sau hơn 10 năm là không phải bàn cãi. Không ngoa khi nói rằng một diện tích lớn đất trồng cà phê và cả số phận hàng vạn hộ nông dân trên mảnh đất đó đã được hồi sinh. Và tham vọng của Nestle Việt Nam cũng như của WASI còn lớn hơn như thế.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Chương trình Nescafe Plan khu vực Tây Nguyên nói: Sở dĩ chương trình Nescafe Plan bước đầu thành công là đã nhìn ra được “nút thắt” của cộng đồng trồng cà phê ở Tây Nguyên. Nút thắt đó không hẳn là bóc lột đất đai, lạm dụng vật tư đầu vào hay những lô hàng cà phê bị quốc tế trả về mà chính là lợi nhuận của chính người nông dân.

“Người nông dân chúng ta đa số thiếu kiến thức khoa học. Nescafe Plan đã thay đổi họ, cung cấp kiến thức cho họ để thay vì tập trung vì số lượng sẽ tập trung về giá trị. Người nông dân mình luôn hỏi, thay đổi có tiền không, vậy thì tiêu chuẩn lớn nhất là làm ra nhiều tiền hơn sẽ thắng chứ không phải sản xuất ra sản lượng nhiều. Sau 12 năm triển khai, Nescafe Plan đã giải quyết được vấn đề đó. Liên kết sản xuất ngày càng mở rộng vì người nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí có nhiều mô hình thu nhập rất cao. Đất đai sẽ hồi sinh từ đó”, ông Ngọc nói.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Chương trình Nescafe Plan khu vực Tây Nguyên.Ảnh: Hoàng Anh.

“Lợi nhuận của người nông dân”, gần như là một kim chỉ nam và giá trị cốt lõi của Nescafe Plan. Ngay từ khi triển khai, Nescafe Plan đã xác định vấn đề lớn nhất của người trồng cà phê là giống. Năng suất thấp thì lấy đâu ra lợi nhuận? Một chương trình nghiên cứu giữa Nestle Việt Nam và WASI đã cho ra đời các loại giống cà phê tốt nhất, đạt được những tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng để phục vụ người nông dân. Đến nay, mỗi năm chương trình đã phân phối 10 triệu cây giống cung cấp cho người dân với mục đích giúp cho người dân cải tạo những vườn cà phê già cỗi.

Thứ hai là sử dụng hiệu quả phân bón và nước tưới. Khi bắt đầu chương trình Nescafe Plan, những nghiên cứu của WASI và Nestle Việt Nam cho thấy đa số người trồng cà phê ở Tây Nguyên đều bón phân dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng quả cà phê. Một mô hình sử dụng phân bón hiệu quả được xây dựng nhằm chứng minh việc sử dụng quá nhiều phân bón vừa không tốt cho cà phê vừa gây lãng phí. Mô hình đó đã thành công từ năm 2014, đến nay đã giúp nông dân tiết kiệm được 20 - 30% lượng phân bón so với trước. Tương tự, các khuyến cáo và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, sử dụng chai nước và lon sữa để theo dõi độ ẩm và lượng nước tưới cũng giúp người dân tiết kiệm được 40%…

Để cải tạo đất bị thoái hóa thì Nestle phối hợp cùng WASI xây dựng mô hình ủ phân vi sinh hữu cơ từ tất cả các phế phẩm của cây phê và đưa ra những quy trình quản lý cây trồng tổng hợp; quy trình nông nghiệp tái tạo để phục vụ cho phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên... Trong thời gian tới, Nescafe Plan sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để hỗ trợ, mở rộng ra thêm 300.000ha cà phê đạt chuẩn 4C trên địa bàn Tây Nguyên.

Nông dân mình luôn có quan điểm phải thấy lợi ích rõ ràng mới theo. Vì vậy, mỗi hộ dân trồng cà phê phải là một mô hình thay đổi. Nông dân chuyển giao cho nông dân. Đến nay Nescafe Plan đã xây dựng được gần 300 trưởng nhóm nông dân, đó là một mạng lưới được đào tạo bài bản. Khát vọng của chúng tôi là từ những “hạt nhân” đó nông nghiệp tái tạo trên cây cà phê Tây Nguyên sẽ ngày càng lan tỏa. Đất mẹ Tây Nguyên, nguồn sống của hàng vạn hộ nông dân trồng cà phê chắc chắn sẽ hồi sinh. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Giám đốc Chương trình Nescafe Plan khu vực Tây Nguyên

Vườn trải nghiệm cà phê bền vững. Ảnh: Hoàng Anh.

Xa hơn nữa, ông Ngọc nói Nescafe Plan sẽ đẩy mạnh việc áp dụng những cải tiến khoa học công nghệ trong việc canh tác và thu hoạch cà phê, giúp hạt cà phê Việt Nam đạt những tiêu chuẩn cao ở các thị trường phát triển. Từ chỗ 60% sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất đi các nước bị trả về do tồn dư thuốc BVTV, đến hiện tại chỉ còn dưới 3% và chắn ngày cà phê Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới sẽ không còn xa.

 



Báo cáo phân tích thị trường