Nguồn: Haiquanonline.com
5 tháng năm 2022, trong khi xuất khẩu hầu hết các mặt hàng rau quả sang Trung Quốc đều giảm thì xuất khẩu chuối lại tăng mạnh. Nguồn: Internet
Trị giá xuất khẩu giảm 17%
Phát biểu tại Diễn đàn “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/6, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là bởi thị phần rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc giảm sâu.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, song riêng mặt hàng chuối lại ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Trong 5 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chuối Việt Nam chiếm thị phần 43%, vượt qua Philippines với thị phần 28%.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Lý do là bởi Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng.
Về bối cảnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nửa cuối năm, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại.
Khẳng định Trung Quốc là thị trường quan trọng với rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh: “Thời gian tới, nếu Trung Quốc không còn duy trì chính sách “Zero Covid”, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần tại thị trường này, các mặt hàng của Việt Nam cần cải thiện chất lượng”.
Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu đánh giá: thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ nông sản.
“Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc”, bà Tường Vy nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng, rau quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thiếu thông tin để định hướng thị trường.
Trong bối cảnh công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện đã được triển khai khá tốt, theo ông Lương Phước Vinh, nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng với nông sản Việt, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra. “Điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, đại diện Tập đoàn Tentamus khẳng định.
Tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia
Dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề kiếm tìm vùng nguyên liệu rau quả được cấp mã số vùng trồng để thu mua, chế biến, xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nêu rõ: việc này gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận. Điều này làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.
Liên quan tới vấn đề tham gia các hội chợ quốc tế để quảng bá rộng rãi hàng hoá, ông Tùng cho rằng nên xây dựng một “ngôi nhà chung” cho trái cây Việt Nam khi tham gia các hội chợ quốc tế thay vì chia nhỏ thành các gian hàng cho các doanh nghiệp như hiện nay.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp được chọn phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo bà Ngô Tường Vy, qua các hội chợ quốc tế, điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.
Bà Vy đưa ra ví dụ: đối với sầu riêng, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự tự tin cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.
“Cụ thể là xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng; tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, cần giúp hợp tác xã, người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng”, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.