Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ
01 | 08 | 2022
Diễn đàn chủ đề khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết SX, chế biến, tiêu thụ nông sản diễn ra theo hình thức trực tiếp, trực tuyến lúc 8h30 ngày 28/7.

Nguồn nongnghiep.vn

Nhằm kết nối thông tin giữa các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tổ chức tín dụng; đồng thời nắm bắt, hiểu rõ hơn về những quy định của Nhà nước để dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19 hiện nay, Bộ NN-PTNT, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 chủ trì tổ chức diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX”.

Diễn đàn được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; Văn phòng Bộ phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, các điểm cầu tại Sở NN-PTNT tỉnh, thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở chế biến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết trong tất cả các số của Diễn đàn 970, đây là lần đầu tiên một chủ đề thuộc phạm vi về khơi thông nguồn lực, trực diện về vấn đề tín dụng vi mô, tín dụng nội bộ, tín dụng cơ sở cho các thực thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX được tổ chức.

Diễn đàn diễn ra trùng với thời điểm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang chủ trì sửa đổi Luật Hợp tác xã kiểu mới năm 2012 và bối cảnh Hội nghị TW5 đã đưa ra những chủ trương, chính sách rất quan trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế tập thể cũng như vấn đề đất đai, chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định của Chính phủ; hay gần đây nhất là Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.

Trong 200 điểm cầu sáng nay có đến 70% là các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên còn thiếu đối tượng các doanh nghiệp bảo hiểm để cùng đồng hành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Trong những năm qua, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được khẳng định. Nhu cầu tín dụng, giải quyết các vấn đề liên quan đến thể chế, nông dân, nông thôn là nhu cầu bức thiết. Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 12,77% và tín dụng nông sản phục vụ xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, rau quả, cà phê.. chiếm 40%), có 80 tổ chức tín dụng, 1.200 quỹ tín dụng nhân dân đã vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân trong những năm qua, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp.

Trong đó, cho vay nông nghiệp, tập trung sản xuất là 60% dư nợ, cho vay vào thu mua tiêu thụ khoảng 17%, cho vay vào chế biến khoảng 13%. Tỷ lệ này trong thời kỳ mới theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới tập trung vào khâu giá trị gia tăng.

Ông Toản đưa ra kiến nghị về việc cần thay đổi về mặt kết cấu để đáp ứng trực diện hơn vào các khu vực trọng yếu tạo giá trị; cần đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn so với quy mô của các HTX; tiếp cận vốn vay ưu đãi do số lượng giải ngân hiện nay chỉ ở mức khiêm tốn 12,68%.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cũng chỉ ra những vấn đề từ phía HTX cần tập trung giải quyết, tháo gỡ là phương pháp đánh giá định, giá tài sản thế chấp của HTX, đây là vấn đề lớn.

Ông Toản đề nghị đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư khi rà soát Nghị định 116 cần rà soát kỹ hơn với vấn đề này; cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tín dụng nội bộ; triển khai mạnh mẽ có hiệu quả Nghị định 45 về nâng cao hiệu quả quỹ tín dụng HTX và nâng cao năng lực về quản trị về tài chính, vốn của HTX để xây dựng kế hoạch đào tạo năng lực quản trị, vốn, tài chính cho Giám đốc các HTX.

Ông Toản đề xuất xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngân hàng Nhà nước… từ đó có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX.

Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Toản cho rằng cần có phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các ngân hàng cần thay đổi "khẩu vị tín dụng" đối với lĩnh vực nông nghiệp vì đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế, xác hội cho địa phương trong chính lĩnh vực hoạt động; cần hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần dược xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm (Bank assurance) đối với nông nghiệp.

Ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thông tin: Có thể khẳng định rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; HTX; phát triển nông nghiệp, nông thôn... là một trong những vấn đề được Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Để các đối tượng này tiếp cận được nguồn vốn, bên cạnh các chính sách, nguồn vốn của ngành ngân hàng thì Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ cũng thành lập nhiều loại hình quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.

Về phía ngân hàng, luôn xác định các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX là một trong những đối tượng được ưu tiên. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền đã trình ban hành, ban hành các văn bản giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, theo thẩm quyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng cho các đối tượng này tối đa là 4,5%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay với người sử dụng lao động dùng trả lương cho người lao động.

Về những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp, HTX kiến nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh đã có những giải đáp.

Về tín dụng nội bộ của HTX, trước năm 2012, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ hướng dẫn tín dụng nội bộ cho các HTX. Tuy nhiên, khi luật HTX 2012 ra đời, ngân hàng Nhà nước không được giao nhiệm vụ này nữa. Do đó, theo thẩm quyền Thống đốc ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư về hết hiệu lực của thông tư hướng dẫn tín dụng nội bộ HTX. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những kiến nghị, điều chỉnh liên quan tới vấn đề này.

Về Nghị định 116/2018/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.

Ông Tuấn Anh thông tin thêm: Hiện nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% dư nợ toàn nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm chiếm 22,3% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Về quy trình thủ tục, ông Tuấn Anh tán thành với các HTX về việc sẽ mở các lớp đào tạo, tập huấn cho HTX về tài chính, kế toán để có phương án xây dựng kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành sớm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đi vào thực tiễn.

Doanh nghiệp, HTX cần lưu ý các điều kiện để được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Trước các ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp và HTX, ông Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây là một tổ chức tín dụng đặc thù bởi các đối tượng và chính sách tín dụng theo chỉ định của Chính phủ, chủ yếu là hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, học sinh sinh viên, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số. Với dư nợ hiện nay là 273.000 tỷ đồng, nhưng với đối tượng doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX, trong gần 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay rất hạn chế.

Theo ông Hải, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các doanh nghiệp và hợp tác xã có thể tham gia để phát triển sản xuất theo chuỗi và phát triển vùng dược liệu quý. Tuy nhiên, 2 chính sách này hiện mới dừng lại ở Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

"Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan cũng như Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện cơ chế hướng dẫn cho vay", ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh, không phải tất cả doanh nghiệp hoặc HTX đều được tiếp cận với chính sách này. Bởi đây là chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Ví dụ, để được vay vốn phát triển theo chuỗi giá trị thì các doanh nghiệp, HTX phải sử dụng tối thiểu từ 70% lao động là người dân tộc thiểu số. Thứ hai, nếu vay vốn để phát triển vùng dược liệu quý thì doanh nghiệp, HTX phải sử dụng tối thiểu 50% lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và tham gia dự án phát triển vùng dược liệu quý hoặc dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn, phát triển dược liệu quý.

Ngân hàng Nam Á mạnh dạn phối hợp xây dựng chuỗi giá trị, hướng tới tín dụng xanh

Ông Hà Huy Cường , Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á chi nhánh TP. HCM cho biết đối với lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, tín dụng xanh đang là định hướng của Ngân hàng Nam Á.

Ngân hàng đang xây dựng chiến lược theo hướng ngân hàng xanh, lấy tín dụng xanh làm nền tảng phát triển. Trong thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp với quỹ GCF và đã triển khai được gần 50 triệu USD đối với quỹ trong mảng cho vay với các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Trong danh mục tín dụng của Nam Á Bank dành cho mảng nông nghiệp, cho đến bây giờ đã chiếm tỷ trọng khoảng 8%, thể hiện sự quan tâm của Nam Á tới các ngành nông nghiệp, nông sản. Đầu năm vừa rồi Nam Á đã ký kết với Tập đoàn Nam Miền Trung để triển khai các chuỗi giá trị liên quan đến ngành tôm Việt Nam. Ngân hàng và Tập đoàn Nam Miền Trung đang phối hợp với các doanh nghiệp khác trong ngành để xây dựng chuỗi giá trị, tài trợ từ người nuôi trồng cho đến khâu xuất khẩu.

Ông Hà Huy Cường cho rằng đối với kinh nghiệm triển khai, việc cho vay đối với ngành nông nghiệp nông thôn cần phải đi theo chuỗi, từ đó ngành ngân hàng mới có thể mạnh dạn tham gia vốn vào. Những khó khăn hai chiều giữa ngành ngân hàng và các HTX không dễ giải quyết. Cần đánh giá lại chất lượng HTX và tính chỉn chu trong các hoạt động để ngân hàng có thể nâng cao tỷ lệ tài sản đảm bảo hoặc tín chấp một phần.

Phía Ngân hàng Nam Á đưa ra một số đề nghị: Cần có đầu mối từ liên minh HTX, từ Bộ hoặc Đề án 970 để lựa chọn và phân loại các HTX theo một số tiêu chí nhất định để ngân hàng có thể xác định tham gia với tài sản đảm bảo hoàn toàn hoặc tài sản và tín chấp một phần. Ngân hàng sẽ hỗ trợ xây dựng tiêu chí để có thể mạnh dạn xây dựng hạn mức tín dụng, từ đó hỗ trợ cho HTX; Bộ NN-PTNT và Đề án cần xây dựng các nguồn vốn ví dụ như BIDV từng chủ trì Dự án Hạt gạo vàng.

Ngân hàng Nam Á luôn sẵn sàng tham gia xây dựng các đề án và triển khai nguồn vốn tới khách hàng; Ngân hàng Nam Á hoàn toàn ủng hộ đào tạo cán bộ tín dụng, nâng cao năng lực thẩm định trong mảng nông nghiệp.

Đưa nhà màng, trạm bơm nông nghiệp thành tài sản thế chấp

Bà Bùi Thu Thủy , Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) chia sẻ khó khăn với các HTX và doanh nghiệp và thừa nhận con đường tiếp cận đến hỗ trợ tín dụng cho các HTX vẫn còn nhiều khó khăn.

Với nhiệm vụ là một trong những đơn vị soạn thảo, bà Thủy cũng đại diện cục làm rõ một số ý kiến về cho rằng quy trình, thủ tục vay vốn theo Nghị định 31/2022 về hỗ trợ 2% cắt bù lãi suất cho doanh nghiệp chưa phù hợp.

Bà Thủy cho biết, theo Nghị định, mặt quy trình, thủ tục cơ bản cho các doanh nghiệp và HTX tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng không thêm mới mà được xây dựng theo quy định, thủ tục hiện có của Ngân hàng thương mại. Nghị định chỉ bổ sung đối tượng được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ là những đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh và có tiềm năm khôi phục sau đại dịch Covid-19. Bà Thủy cũng đồng tình với ý kiến của ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II về vấn đề thế chấp hợp đồng liên kết, bảo lãnh của doanh nghiệp để vay vốn.

“Tín chấp là cách thức để hỗ trợ các doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm nhưng khó khăn để đảm bảo khả năng thu hồi vốn của cả ngân hàng và nợ xấu. Trong bối cảnh này, áp dụng thế chấp bằng hợp đồng liên kế và hợp đồng bảo lãnh cần được bổ sung”, bà Thủy cho biết.

Đại diện Cục phát triển Doanh nghiệp cho biết., đối với các nhà màng, trạm bơm có giá trị tài sản lớn nhưng hiện vẫn đang gặp vướng mắc để trở thành tài sản thế chấp, cần phải khẩn trương tháo gỡ sớm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận khoản vay, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cần thay đổi cách thẩm định tài sản để HTX tiếp cận với vốn ngân hàng

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp) chia sẻ kinh nghiệm và nêu những kiến nghị về các vấn đề xoay quanh hoạt động của HTX.

Theo ông Đời, nếu theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì HTX sẽ khó tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng. Bởi lẽ, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, trong khi năng lực của HTX để viết được một dự án cho khả thi còn hạn chế. Do đó, ông Đời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứ, xem xét lại một số điểm trong Nghị định 116 vì HTX không có tài sản thế chấp, đơn vị chủ quản...

Thứ hai, Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, quy định hỗ trợ 2%/năm lãi suất cho đơn vị doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay một số ngân hàng chưa đưa vào thực hiện. Vì vậy, ông Đời kiến nghị các ngân hàng sớm triển khai và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thứ ba, tín dụng nội bộ là hoạt động rất bức thiết với HTX, luật cho phép HTX làm những dịch vụ mà Nhà nước không cấm, trong đó có tín dụng nội bộ. Trước đây HTX thực hiện theo thông tư 15/VBHN-NHNN hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX, tuy nhiên, đến nay thông tư này không còn giá trị pháp lý, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn, nếu không có văn bản hướng dẫn thì HTX rất dễ sẽ làm sai. Ông Đời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn để HTX thực hiện. Việc giải quyết được tín dụng nội bộ cho HTX sẽ góp phần giảm thiểu tín dụng đen.

Thứ tư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền, tổ 970 có ý kiến kiến nghị với Chính phủ sớm triển khai Nghị định 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đơn giản hóa thủ tục để các HTX dễ tiếp cận.

Ông Đời kiến nghị thêm: Ngân hàng rất muốn cho vay vốn nhưng HTX không có cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn giúp đỡ HTX trong việc thẩm định tài sản vay vốn. Có thể lấy ví dụ từ chính HTX Bình Thành kinh doanh điện nông thôn, tài sản của HTX khoảng 10 tỷ đồng nhưng không thể thế chấp được với lý do cán bộ ngân hàng không thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm. Do đó, phải có một đơn vị đứng ra để xác lập chủ sở hữu để có thể thế chấp với ngân hàng.

Nếu thời gian tới, các HTX tiếp tục phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngân hàng mới cho vay vốn thì không bền vững. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của HTX. Bên cạnh đó, có chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hoạt động này để HTX sẽ sớm được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần đơn giản hóa thủ tục

Ông Lâm Quốc Tuấn – Giám đốc HTX Vĩnh Tiến – Hưng Hội (Bạc Liêu) kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội để khi các HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã được Agribank và Ngân hàng Chính sách duyệt vay vốn được thụ hưởng hỗ trợ 2% lãi suất.

Bởi, để được hưởng hỗ trợ này, các HTX, hộ kinh doanh phải tiếp tục bổ sung các thủ tục, chứng từ, hóa đơn để ngân hàng thẩm định. Đối với các đơn vị có Ban Giám đốc, kế toán thì không có gì khó khăn, nhưng đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thì không thể đủ khả năng làm việc đó, nhất là bà con mua vật tư nông nghiệp, hàng hóa từ các đại lý trong vùng thì không thể cung cấp được hóa đơn thuế giá trị gia tăng.

"Mong Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét lại để đơn giản hóa các thủ tục", ông Tuấn đề xuất.

Mong có các lớp đào tạo cho Giám đốc HTX

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ, Phú Yên cho biết HTX An Mỹ thường thông qua hộ nông dân cung cấp giống, phân, kỹ thuật để hướng dẫn bà con nông dân sản xuất dựa trên nông nghiệp hữu cơ. Bà Thủy đề xuất tổ chức các lớp học đào tạo cho Giám đốc HTX nắm rõ về vấn đề tài chính kế toán tại đơn vị để xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả.

“Nếu không hiểu rõ vấn đề tài chính thì HTX sẽ không thể hoàn thành bộ hồ sơ tiếp cận vốn. Như vậy, rất mong Bộ NN-PTNT, các liên doanh HTX tổ chức các lớp học để HTX có thể hiểu rõ hơn về vấn đề hoạch định, lên kế hoạch tài chính ở đơn vị mình”, bà Thủy kiến nghị.

Mô hình tín dụng tại Thái Lan tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp

Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II cho biết các HTX nông nghiệp Hàn Quốc và một số các quốc gia cũng phát triển theo mô hình của Thái Lan. Thực trạng cho thấy HTX tại Việt Nam không tiếp cận được tín dụng. 70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các HTX, hoặc các HTX có làm tín dụng cũng là tự phát, căn cứ vào văn bản pháp luật thì còn nhiều thiếu sót, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho HTX (do ban hành không chặt chẽ, bỏ qua mảng tín dụng trong HTX).

Theo ông Trần Minh Hải, về nguyên tắc không thể nào cho HTX vay tín chấp mà phải thế chấp. Các nước sử dụng thế chấp nhưng sẽ hỗ trợ 50% lãi suất so với ngân hàng thương mại. Các HTX phải tìm nguồn tài sản để thế chấp. Các HTX tại Thái Lan huy động tiền gửi từ các thành viên để dịch vụ tín dụng quy mô nhỏ với số lượng cho vay nhỏ, sau khi vay phải gửi lại một phần vào quỹ tín dụng.

Các ngân hàng phát triển nông nghiệp và HTX tại Thái Lan hưởng chính sách từ Chính phủ với mức lãi suất cho vay từ HTX và ngân hàng là 5.05%/năm so với lãi suất bình thường 10,5%/năm. Tuy nhiên họ cũng quy định khoản vay chỉ được sử dụng cho tiêu thụ, sơ chế, chế biển, dịch vụ tín dụng nội bộ chứ không được dùng để xây hạ tầng.

Về một số đề xuất, ông Trần Minh Hải đề nghị Nhà nước ban hành quy định liên quan đến tín dụng nội bộ của HTX. Các ngân hàng thương mại cổ phần có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với HTX, ví dụ như mô hình của Ngân hàng Nam Á kết hợp với Công ty Nam Miền Trung thực hiện chuỗi nuôi tôm.

TS. Trần Minh Hải đề xuất mô hình hiện nay các tỉnh phía Nam và một số ngân hàng ở TP. HCM đang thực hiện: tập huấn cho các lực lượng cán bộ tín dụng ngân hàng hiểu hơn về các mô hình và hoạt động của HTX, từ đó xây dựng cho các HTX các phương án kinh doanh khả thi. Khi các HTX đã có phương án khả thi, khả năng thu hồi vốn sẽ lớn hơn.

Định giá đất nông nghiệp không phù hợp gây khó khăn cho HTX trong tiếp cận vốn tín dụng

Ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc HTX DV NN Số Bình Phước chia sẻ về những vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Theo ông Hòa, đối với việc vay vốn tại các ngân hàng chính sách, ngân hàng TMCP, hiện tại các ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế. “Ví dụ, một số ngân hàng chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 cho 1 mét vuông đất. Với mức định giá thế này, nhiều nông dân và HTX không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng”, ông Hòa cho biết.

Ông kêu gọi các ngân hàng, đơn vị thẩm định cần làm việc để thực hiện định giá đúng cho đất nông nghiệp. Do doanh nghiệp đầu tư cho HTX còn ít nên ông Hòa đề xuất ưu tiên việc cấp mã vùng trồng nên cho HTX thay vì cho các doanh nghiệp. Như vậy có thể kích thích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho HTX, hạn chế tình trạng nếu doanh nghiệp làm không tốt khiến vùng trồng bị cấm mã số vùng trồng gây ảnh hưởng tới nông dân và HTX.

Thực tế hiện tại các doanh nghiệp lớn luôn được tiếp cận với lãi suất ưu đãi nhưng các doanh nghiệp nhỏ lại bị hạn chế. Như vậy, ông Hòa mong muốn Ngân hàng nhà nước có chính sách phù hợp để cấp hạn ngạch lãi suất phù hợp hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Mong có chính sách phù hợp cho HTX vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất

Ông Cần Hoài Anh – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tâm Tính cho biết: “HTX chúng tôi là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm từ 2022 – 2027, chúng tôi có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000ha. Nhưng vì nguồn vốn của HTX có hạn nên trong năm 2022, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ được bà con cho nợ cây giống để trồng được 50ha. Chúng tôi kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho HTX là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Và chúng tôi cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi theo Nghị quyết 28 của Ủy ban Dân tộc.

 

Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được vốn?

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm, có chính sách kịp thời hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh Covid-19 để gia hạn, giảm, giãn thuế phí. Điển hình là Nghị quyết 105, Nghị quyết 43 của Quốc hội hay Nghị quyết 11 của Chính phủ mới đây. Trong đó có một chính sách rất quan trọng, đó là ngân sách Trung ương dành 40.000 tỷ đồng để cấp bù 2% lãi suất cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong nền kinh tế.

Năm 2017, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và trong luật này cũng có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng; hình thành Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư và quỹ này có cơ chế hỗ trợ khoản cho vay với lãi suất thấp hơn 2% so với mặt bằng lãi suất thị trường. “Trong bối cảnh Covid-19, quỹ này thông báo lãi suất chỉ hơn 4% cho các doanh nghiệp tham gia liên kết…”, bà Thủy nhấn mạnh. Cũng có thể kể đến mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương. Đây là những cơ chế tín dụng mà rất nhiều nước đã áp dụng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Và ở nhiều dự án của Hoa Kỳ, một số nhà tài trợ đã có các cấu phần để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 762.000 doanh nghiệp thành lập, tăng 13,6% và khoảng 2.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, sự khôi phục của doanh nghiệp chưa thực sự bền vững. Doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng rút lui cũng nhiều, hoặc chuyển sang lĩnh vực phù hợp hơn với yêu cầu mới sau đại dịch.

Qua theo dõi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Đây là hạn chế rất lớn, mà nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực thay đổi công nghệ để bứt phá được.

“Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được vốn?”, bà Thủy đặt câu hỏi và giải đáp: Ngân hàng nói rằng chúng tôi cũng là doanh nghiệp và chúng tôi cố gắng đảm bảo tín dụng cũng phải hiệu quả, không xảy ra nợ xấu và bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh. Và họ cũng nói rằng “doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa đủ độ tin cậy”.

Ngoài việc chưa minh bạch tài chính, đa số doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng tăng trưởng tốt, công nghệ tốt… thì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "nhảy vào" hỗ trợ.

Quan tâm hơn tới hoạt động tín dụng nội bộ

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An (Bình Định) cho biết: HTX Ngọc An được chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang. Trong HTX có nhiều dịch vụ cho các thành viên như trồng trọt, vật tư nông nghiệp..., trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ hoạt động từ năm 1997 đến nay. Hiện nay, HTX hoạt động tín dụng nội bộ theo cách thức huy động nguồn vốn góp từ các thành viên, chưa tiếp cận được với nguồn vốn nào từ ngân hàng. HTX mới xây dựng quy chế hoạt động tín dụng nội bộ, chưa có thông tư hướng dẫn nào từ phía Nhà nước, ngân hàng.

Theo ông Nghiệp, tín dụng nội bộ rất phù hợp, gần gũi, thực tiễn với các thành viên, đặc biệt là thành viên ở nông thôn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay qua HTX tuy nhỏ nhưng nhanh gọn so với tín dụng từ ngân hàng.

Ông Nghiệp bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các HTX, trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ.

Vướng bẫy tín dụng đen do hạn chế tiếp cận tín dụng thương mại

Tại bài tham luận mở đầu về vai trò của tín dụng trong phát triển HTX, ông Nguyễn Tiến Định (ảnh), đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về thực trạng tín dụng cho chuỗi HTX, vướng mắc và giải pháp tín dụng hiện nay.

Ông Định thông tin, đến tháng 6/2020, cả nước có tất cả 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình HTX cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân cho mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng. Có khoảng 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hơn 10%), hơn 1.000 HTX là chủ thể OCOP, 37% tham gia liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Có thể thấy rằng với những yêu cầu, vị trí quan trọng, hiệu quả và số lượng của HTX cần phát triển mạnh hơn nữa cả về số lượng, thành viên và doanh thu.

Theo ông Định, thực tế ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể HTX còn khá hạn chế. Trong khi đó tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thâm chí là không góp vốn dù trong luật HTX có quy định. Khoảng 1.200 HTX có tín dụng nội bộ và huy động từ quỹ nhân dân chủ yếu để giải quyết các hoạt động phi nông nghiệp.

“Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển”.

Ông Định cũng chỉ ra một số hạn chế trong chính sách tín dụng cho HTX như thiếu quy định về số vốn bắt buộc phải đóng góp đối với các thành viên của HTX, có nhiều thành viên có tiềm lực kinh tế lại bị hạn chế góp vốn không quá 20% theo Luật HTX năm 2012, tiếp cận chính sách tín dụng thương mại khó khăn do HTX không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế…

Theo ông Định, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Từ đó, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất một số kiến nghị như cần hỗ trợ từ Nhà nước về vốn, tài sản cho HTX tham gia chuỗi để hình thành tài sản và thông qua tài sản này có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn.

Bộ NN-PTNT đang có phương án chỉ đạo đầu tư các trung tâm logistics, sơ chế, bảo quản bãi tập kết cho các HTX, đề án hỗ trợ vùng nguyên liệu hoặc cơ giới hóa, thúc đẩy tăng tài sản đầu tư cho HTX; cần sửa đổi nghị định luật tín dụng nội bộ (Thông tư 15 đã hết hạn), quy định góp vốn tối thiểu của thành viên HTX; khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho HTX, cần gói tín dụng để giúp nông dân phát triển tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình GAP… rời bỏ các bẫy tín dụng đen; khuyến khích đầu tư cho HTX mở rộng thành viên, hợp tác liên kết, sáp nhập các HTX để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX chưa phát huy được hết tiềm năng

Mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 chia sẻ: Được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX”.

Theo ông Thạch, trong những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã (HTX) đã từng bước được khẳng định với những đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là các HTX vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như sự kỳ vọng vào sứ mệnh của khu vực kinh tế này.

Có rất nhiều nguyên nhân đã được nhận diện, đề cập, phân tích, trong đó một nguyên nhân được nhấn mạnh là thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX. Trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 16/6 đã chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức, trong đó có thách thức về nguồn vốn và tín dụng. Nghị quyết nêu rõ, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu đến 2030 có 140.000 tổ hợp tác, trên 60% tổ chức này có lãi khá, ít nhất 50% tổ chức tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, Nghị quyết 20 cũng đã giành một mục về chính sách tài chính và chính sách tín dụng, trong đó nhấn mạnh việc nâng cấp khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và năng lực thực hiện tín dụng nội bộ của các HTX, các chuỗi liên kết.

Với tinh thần đó, nhằm kết nối thông tin giữa các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức tín dụng. Đồng thời nắm bắt, hiểu rõ hơn những quy định của nhà nước để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính.

Trên cơ sở đó, ông Thạch bày tỏ mong muốn những tham luận, thảo luận, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, diễn đàn sẽ là kênh đối thoại, cầu nối cho các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức tín dụng. Mặt khác, thông qua diễn đàn sẽ nhìn nhận được những tồn tại, vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong câu chuyện chính sách tín dụng trong khu vực kinh tế này. Từ đó, góp thêm tiếng nói hoàn thiện khung chính sách.

 
 

 



Báo cáo phân tích thị trường