Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương mại nông sản, thực phẩm Việt Nam - EU rộng mở nhờ EVFTA
11 | 07 | 2022
Thương mại nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và EU đang có những bước tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.

Nguồn: Nongnghiep.vn

 

Thu hoạch tôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch tôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều mặt hàng đẩy mạnh xuất khẩu sang EU

Nông sản, thực phẩm Việt Nam và EU không cạnh tranh nhau mà mang tính bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA đang mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ cả 2 phía.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương), cho biết, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng.

Có thể nói, đây là một kết quả tích cực trong năm đầu tiên Việt Nam thực thi EVFTA, các doanh nghiệp đã tận dụng được tốt các điều kiện ưu đãi do Hiệp định này mang lại. Con số này thậm chí có thể cao hơn nữa nếu như quý III/2021, sản xuất thủy sản của Việt Nam không bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang EU trong nửa đầu năm nay tăng trưởng rất mạnh. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang khu vực thị trường này đạt 562 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm là có sự tác động không nhỏ từ Hiệp định EVFTA. Từ khi Hiệp định này có hiệu lực, nhiều dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào EU đã bị xóa bỏ, giúp cho thủy sản Việt Nam có sự cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn cung khác.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành điều. Năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.

Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU trong năm qua cũng có tác động từ EVFTA khi mà thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều Việt Nam nhập khẩu vào EU giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%.

Xuất khẩu gạo sang EU cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, trị giá 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước trong 2 tháng đầu năm giảm 12,1% xuống còn bình quân 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn.

 

Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy tăng mạnh, nhưng nhờ có EVFTA, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ…



Báo cáo phân tích thị trường