Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm sạch của Việt Nam
10 | 03 | 2023
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản theo chỉ tiêu Chính phủ giao.

Nguồn: VOV.vn

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng. Thực tế xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản qua 2 tháng đầu năm giảm sâu (giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt khoảng 6,28 tỷ USD). Điều này cho thấy, mục tiêu 55 tỷ USD năm 2023 là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam và nhu cầu thực phẩm hưu cơ, thực phẩm sạch ngày càng gia tăng ở nhiều thị trường là cơ hội cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu các sản phẩm cho giá trị cao.

Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều mặt hàng đã đạt giá trị “tỷ đô”, thậm chí cả “chục tỷ đô”, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới là rất lớn, nhất là tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, đó là khẳng định của đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thuộc ngành Công Thương tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới đây.

Theo ông Nguyễn Phú Hoà - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia, Australia là quốc gia có ngành sản xuất và chế biến thực phẩm rất phát triển, đồng thời, cũng có sự hỗ trợ rất lớn đối với ngành hàng này, đặc biệt là hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường và coi trong sức khoẻ của người tiêu dùng. Thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường Australia như tôm, cá tra, ba sa... Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vào Australia trong năm 2022 đạt hơn 744 triệu USD, tăng 30% so với năm trước.

Tuy nhiên, Australia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với các mặt hàng thực phẩm chế biến; bao bì sản phẩm chú trọng đến yếu tố môi trường; xuất xứ hàng hoá cũng phải được ghi rõ ràng và nổi bật trên bao bì sản phẩm...

Để hỗ trợ tăng xuất khẩu hàng hoá nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại đã đang và tiếp tục giới thiệu các sản phẩm cụ thể, theo từng khu vực, ngành hàng…

Ông Nguyễn Phú Hoà - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin: “Chúng tôi sẽ thực hiện 1 số chương trình nhằm tăng lượng người dùng. Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi phối hợp với chuỗi siêu thị lớn tặng gạo cho khách hàng, khoảng 10.000 người dùng từ sản phẩm gạo của Việt Nam, qua đó thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay rất nổi tiếng tại Úc. Trước đây, khi mà đi khảo sát các khu người Việt hoặc các khu người châu Á tại Úc, chúng tôi thấy thương hiệu gạo của các quốc gia khác tiêu thụ rất chạy”.

Việt Nam có nhiều cơ hội cho thực phẩm chế biến của Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Malaysia do thị trường này thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nông nghiệp nội địa, đặc biệt là thực phẩm Halal - là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Đó là khẳng định của ông Lê Phú Cường - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia.

“Các sản phẩm mà có chứng chỉ Halal sẽ dễ dàng tiếp cận đa số người dân Malaysia. Hiện nay, các lĩnh vực bán lẻ hàng chế biến thực phẩm của Malaysia cũng đang rất phát triển. Thứ hai, thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng và thúc đẩy nhu cầu cao đối với sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Thứ ba, người dân Việt Nam sinh sống làm việc ở Malaysia khá lớn, đo đó, các nhà hàng, quán ăn Việt Nam mở ra khá nhiều. Đây là một kênh để giới thiệu quảng bá văn hóa, sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đối với cộng đồng dân sở tại ở đây” - ông Lê Phú Cường

Đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều khẳng định tiềm năng, cơ hội đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam là rất lớn, song, đi cùng với đó là các yêu cầu phải tuân thủ được chính sách, quy định của thị trường đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây, trong đó, phải đặc biệt chú trọng các yếu tố “xanh”, thân thiện với môi trường.

Ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2022, Phú Thọ đã đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 tỷ USD (đóng góp vào kim ngạch xuất siêu 1,3 tỷ USD). Ngoài các sản phẩm công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…  địa phương có diện tích và sản lượng chè và chuối phục vụ xuất khẩu lớn. Đây cũng là mặt hàng gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 được tỉnh chú trọng xuất khẩu trong năm 2023, rất cần tìm thị trường thông qua sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

“Từ kinh nghiệm năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã đăng cai hội nghị về xuất khẩu, chế biến gỗ thì cũng đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn cho ngành gỗ của tỉnh Phú Thọ nói riêng và trong khu vực nói chung xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thì năm 2023 tỉnh Phú Thọ sẽ đăng cai một hội nghị là Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu chè vào ngày 24/04/2023, tỉnh Phú Thọ cũng có đề xuất là rất mong hệ thống Thương vụ và Tham tán quan tâm để giới thiệu sản phẩm chè của Phú Thọ nói riêng và các tỉnh khu vực vùng Đông Bắc nói chung” - ông Đặng Việt Phương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên - Đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Bộ Công Thương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm và thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam.

“Chúng tôi nghĩ là thương hiệu cho nông sản Việt Nam cần phải được chú ý hơn nữa khi mà làm xúc tiến thương mại cũng như về truyền thông xây dựng thương hiệu thì nên chú ý đến những sản phẩm mang tính chất đặc trưng riêng của Việt Nam. Những đặc sản vùng miền hoặc những sản phẩm nó có thế mạnh cho Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm hữu cơ của Việt Nam. Tôi nghĩ là gia vị hữu cơ Việt Nam là một thương hiệu rất đáng để xây dựng thành thương hiệu quốc gia, làm sao để cho những thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài mà gọi tên là người ta biết ngay đây là gia vị Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Thu Liên nói.

Trước các kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp và địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tiềm năng thế mạnh. Đồng thời, phải nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp./.



Báo cáo phân tích thị trường