Nguồn: vietnambiz.vn
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 đạt 79,30 tỷ USD, giảm 11,8% so với quý I/2022.
7 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu (gồm TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai) có tổng trị giá xuất khẩu là 48,55 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Xuất khẩu của 6/7 trung tâm sản xuất đều sụt giảm
Trong Top 7 địa phương xuất khẩu, có đến 6 địa phương có trị giá xuất khẩu giảm trong quý đầu năm, riêng Bắc Giang ghi nhận mức tăng hơn 21% so với cùng kỳ.
Bình Dương - tỉnh đứng thứ 3 cả nước về xuất khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất (giảm 23,21% so với quý I/2022). Trong quý I năm ngoái, trị giá xuất khẩu của tỉnh đạt 8,96 tỷ USD, trong khi quý I năm nay chỉ đạt 6,88 tỷ USD.
TP HCM - đầu tàu xuất khẩu và Đồng Nai cũng ghi nhận mức giảm tương đương Bình Dương. Thái Nguyên và Bắc Ninh lần lượt giảm 17,8% và 14,17%.
Nói thêm về Bình Dương, số liệu mới nhất từ Cục Thống kê tỉnh Bình Dương cho thấy trong quý I đầu năm xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm, ngoại trừ sang Nhật Bản tăng nhẹ 1,7%.
Cụ thể, Mỹ - thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất giảm 27,3%; Hàn Quốc giảm 12,2%; thị trường EU giảm 24,4%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 26,4%; Hong Kong giảm 30,5%.
Về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, sản phẩm gỗ ghi nhận mức giảm sâu nhất (giảm 41,5% so với quý I/2022); hàng dệt may giảm 17,4% và hàng giày da giảm 12,5%.
Xét trong giai đoạn 2016-2023, quý I năm nay là quý đầu tiên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương tăng trưởng âm và với mức sụt giảm sâu đến như vậy.
Theo cơ quan thống kê của tỉnh, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn, các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh tiếp tục giảm nhu cầu do những ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng thấp. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, hạ cấp độ phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 8/1 đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Về tăng trưởng GRDP, trong các tỉnh, thành nói trên, có Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai thuộc nhóm thấp nhất cả nước trong quý I. Riêng Bắc Ninh có tăng trưởng GRDP giảm sâu nhất (giảm 11,85%). Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước về tăng trưởng với mức tăng 9,65%. Thái Nguyên đạt mức 6,53%
Bắc Giang - tỉnh đứng thứ 6 cả nước về xuất khẩu và là địa phương duy nhất trong top 7 nói trên không giảm về trị giá xuất khẩu có tăng trưởng GRDP quý I đạt 8,4% - đứng thứ 8 cả nước.
Các tỉnh, thành mới đạt 18-20% kế hoạch xuất khẩu năm 2023
Theo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của 7 tỉnh, thành phố nói trên, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 8-10%.
Hải Phòng đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD và Bắc Giang đặt mục tiêu 27 tỷ USD. Tính toán từ số liệu thực hiện trong quý I do Tổng cục Hải quan công bố, 7 tỉnh, thành này mới chỉ đạt 18-20% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Tuy nhiên, thông thường, xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào hai quý cuối năm. Vì vậy, việc các tỉnh, thành trên mới chỉ đạt dưới 20% kế hoạch xuất khẩu cả năm không có quá nhiều ý nghĩa.
Xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng các nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu đặc biệt ở nhu cầu tiêu dùng. Theo Tổng cục Hải quan, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất có kim ngạch ước tính đạt 20,76 tỷ USD trong quý I (giảm 21% so với cùng kỳ), tiếp theo là Trung Quốc với 11,92 tỷ USD (giảm 13,8%).
Mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã hạ dự báo tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2023. Cụ thể ở kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm 2,2% và nhập khẩu giảm 2,4% Trong kịch bản tích cực, xuất khẩu và nhập khẩu có thể tăng lần lượt 3,9% và 2,9%.
Với mức dự báo ở cả hai kịch bản trên, tăng trưởng xuất, nhập khẩu có thể sụt giảm mạnh lần đầu sau nhiều năm.