Nguồn: nongnghiep.vn
Ngày 19/11, UBND tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp”.
Đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Mô hình hội quán được thành lập ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua là ý tưởng rất đặc biệt của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan - nay là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm qua, nông nghiệp giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,5%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Cuối năm nay, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến sẽ có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới - về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Đạt được những thành quả quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định có vai trò đóng góp quan trọng của hội quán.
“Đây được xem là nỗ lực lớn trong thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản. Hội quán đã phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đến công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường...”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, xét cho cùng, diện mạo và sức sống của nông thôn đều phải phục vụ người dân và do người dân tạo dựng, đó mới là hướng phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam, là đích hướng đến của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Để làm được điều đó, xây dựng nông thôn mới rất cần sự chủ động, sáng tạo của người dân, cộng đồng để xây dựng không gian nông thôn đặc trưng cho mỗi địa phương. Đó cũng là cách để xây dựng những “miền quê đáng sống”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị về cảnh quan, văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê Việt Nam. Đó cũng là sứ mệnh, là vai trò của hội quán trong thời gian tới. Ông Ngô Trường Sơn hi vọng rằng, hội quán sẽ là mô hình được lan tỏa mạnh mẽ hơn, không chỉ ở Đồng Tháp.
“Đến nay, có thể khẳng định hội quán là một mô hình phù hợp. Thực tiễn cho thấy, mô hình hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp”, ông Sơn nhận xét.
Nông dân mở con đường mới cho chính
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và góp ý để mô hình hội quán của Đồng Tháp ngày càng hoàn thiện, đưa sức mạnh cộng đồng ngày càng lan tỏa trong xã hội.
Ông Chang Dong Hee, Chủ tịch Quỹ toàn cầu Saemaul (SGF) nhận xét, tinh thần của mô hình hội quán tỉnh Đồng Tháp rất giống phong trào làng mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, đó là “cần cù, hợp tác và tự lực”. Ông đánh giá đây là mô hình khá độc đáo, được lên kế hoạch và quản lý rất tốt, là công cụ để tạo cuộc cách mạng thay đổi nông thôn. Để hội quán có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ông cho rằng cần có sự hỗ trợ đồng hành, định hướng của chính quyền địa phương.
Chủ tịch Quỹ toàn cầu Saemaul góp ý, hội quán nên xây dựng những bảng tiêu chuẩn, quy chế để đánh giá cụ thể mức độ thành công. Đây cũng là một trong những định hướng để các mô hình cộng đồng khác học tập. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo tập huấn không chỉ cho lãnh đạo của hội quán mà còn cho một số cán bộ nhà nước, những người trực tiếp tham gia cùng bà con trong chương trình phát triển nông thôn này.
Ngoài ra, ông Chang Dong Hee cho rằng, cần duy trì, phát huy tốt hơn nữa tinh thần hợp tác của bà con. Tinh thần này không chỉ được tạo ra bằng cách đơn giản là tuyên truyền vận động mà còn thông qua tạo việc làm để bà con cùng làm với nhau, từ đó gắn kết, xây dựng tinh thần đoàn kết. Những hoạt động này nên gắn với việc nâng cao thu nhập cho bà con. Cùng với đó, nên áp dụng một số công nghệ khoa học phù hợp với từng hoàn cảnh của các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP/GEF SGP) đánh giá: 145 hội quán là một tài sản quý và cần được giữ gìn phát huy. Bà cũng gợi mở cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp hãy sử dụng tài sản quý này để tiếp cận, thu hút thêm nhiều nguồn lực quốc tế về cho địa phương. Bởi tất cả các chương trình quốc tế đều hướng về nông dân, những người yếu thế. Bà cũng nhắn nhủ các hội quán hãy mở rộng cửa đón các bạn trẻ vào để có một thế hệ kế cận trong thời gian tới.
Ông Trương Công Cứ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) - Tập đàn PAN cho hay, VFC có chương trình tiếp sức cùng nông dân ở Đồng Tháp và ĐBSCL hơn 10 năm qua. Gần đây, chương trình này được nâng tầm lên thành “Cánh đồng hội nhập” để hỗ trợ bà con nông dân cải thiện sản xuất, trong đó có bà con nông dân tham gia hội quán.
Theo ông Cứ, hiện nay, ngành nông nghiệp thế giới đã đạt đến trình độ sản xuất rất cao, cạnh tranh rất dữ dội, đặc biệt là chất lượng, an toàn thực phẩm, phát thải khí nhà kính, nếu Việt Nam chậm thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Để đồng hành cùng bà con, Tập đoàn PAN vừa ký kết với UBND tỉnh Đồng Tháp bản ghi nhớ hợp tác triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa”.
Tập đoàn đã có các giải pháp để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, mà trước mắt là nông dân trong các hội quán thông qua cung ứng vật tư với giá hợp lý nhất và giảm lượng giống, phân bón, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con…
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã chia sẻ về ý tưởng thành lập hội quán và đặc điểm của các mô hình cộng đồng như hội quán, nông hội, cà phê khuyến nông, ngôi nhà trí tuệ...
Theo Bộ trưởng, điểm chung của những mô hình này đều là những thiết chế cộng đồng, hướng tới sự hòa hợp, hướng thành viên hiểu và chia sẻ với nhau để từ đó làm nghề nông tốt hơn, tạo nên những cộng đồng vững mạnh, đủ sức chống chịu những biến động lớn của quy luật kinh tế thị trường ngày nay...
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thiết chế cộng đồng. Đầu tiên là cộng đồng đồng thuận quản lý nguồn lợi thủy sản, cộng đồng quản lý rừng, rồi đến mã vùng trồng, mã vùng nuôi…, tất cả đều chuyển về cho cộng đồng quản lý.
Bởi theo Bộ trưởng, chỉ có bà con ngồi lại với nhau mới hiểu được từng “ngõ ngách”, cốt lõi của vấn đề. “Bình quân diện tích sản xuất chỉ 0,26ha/người là quá nhỏ để chúng ta mưu cầu chuyện lớn, muốn vươn ra biển lớn phải tập hợp lại với nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi khởi xướng thành lập hội quán đầu tiên, ông nói rằng đây là một cuộc cách mạng tạo nên sự thay đổi lớn trong cách sống, cách làm, cách suy nghĩ của nông dân trên nền một tổ chức thiết chế mới.
Bộ trưởng cho rằng thông qua tham gia hội quán, người dân đã mở ra con đường mới cho chính mình.
“Hội quán là tập hợp cộng đồng không chỉ làm lợi ích kinh tế, quan trọng là không gian cộng đồng để cùng sống hạnh phúc bên nhau. Đời sống tinh thần, không gian, sự hài hòa từ trong từng ngôi nhà đến làng xóm, ra cộng đồng mới quan trọng. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của hội quán hay một thiết chế cộng đồng nào đó”, Bộ trưởng nhắn gửi.