Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trong gian khó, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng nhẹ sản lượng
04 | 05 | 2023
Toàn cảnh sản xuất nông lâm nghiệp trong tháng 4/2023 ít có “đột biến” so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản, nông sản và lâm sản tăng nhẹ. Hai điểm màu xám là: chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn đang lao đao, diện tích rừng bị thiệt hại tăng cao…

Nguồn: vneconomy.vn

Sản xuất nông nghiệp vẫn vững vàng trong gian khó

Sản xuất nông nghiệp vẫn vững vàng trong gian khó

Trong tháng 4/2023, sản xuất lâm nghiệp, trồng trọt và thủy sản tương đối ổn định, trong khi lĩnh vực chăn nuôi đang còn rất long đong. Chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn chìm sâu trong khó khăn do giá gà thịt vào lợn thịt đang ở mức rất thấp khiến người nuôi thua lỗ. Giá ngũ cốc trên thế giới vẫn đang cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi cao.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, một số trang trại nuôi gà thịt, lợn thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần vượt qua khó khăn để thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.

 SẢN LƯỢNG HẢI SẢN GIẢM DO SIẾT CHẶT KIỂM SOÁT ĐÁNH BẮT

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy sản lượng thủy sản tháng 4/2023 ước đạt 747,8 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 538 nghìn tấn (tăng 0,7%); tôm đạt 101 nghìn tấn (tăng 1,3%); thủy sản khác đạt 108,8 nghìn tấn (tăng 0,2%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 396,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 263,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 89,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng 4 tăng so với cùng kỳ năm trước do giá bán cá tra duy trì ổn định ở mức khá, đạt 134 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, độ mặn thích hợp để thả nuôi. Sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch trong tháng 4/2023 ước đạt 61,8 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 23,3 nghìn tấn, tăng 1,1%.

Trong tháng 4/2023, khai thác thủy sản ước đạt 351 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: Cá đạt 274,1 nghìn tấn (giảm 0,8%); tôm đạt 11,8 nghìn tấn (giảm 7,1%); thủy sản khác đạt 65,1 nghìn tấn (giảm 2,4%). Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,4 nghìn tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước do chi phí nhiên liệu tăng.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.637 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.942,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 285,5 nghìn tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 408,9 nghìn tấn, tăng 0,6%.

Mặt khác, việc đẩy mạnh thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu khai thác thủy sản biển cùng với việc chính quyền các cấp vận động người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt cũng đã khiến sản lượng đánh bắt giảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết dự kiến từ 24-31/5/2023, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định lần thứ 4. Theo kế hoạch, chiều 23/5, Đoàn thanh tra EC sẽ tới Việt Nam. Ngay sau đó, từ ngày 24-28/5, đoàn sẽ chọn và làm việc với các tỉnh. Ngày 29-30/5, đoàn sẽ làm việc với Tổng cục Thủy sản. Ngày 31/5 sẽ diễn ra cuộc đối thoại cấp cao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ Việt Nam.

Do thời gian Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam đúng vào thời điểm các cảng lên cá nhiều, vì vậy, đoàn sẽ chú tâm đến việc giám sát sản lượng hải sản đánh bắt qua cảng như thế nào, có đảm bảo độ tin cậy hay không.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023, Việt Nam đã giảm đến 9.665 tàu cá. “Hiện chỉ còn gần một tháng nữa EC sẽ qua kiểm tra, trong khi chúng ta còn nhiều việc chưa làm được, chúng ta cần phải quyết tâm cao độ hơn nữa. Công điện 265 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện cần phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU”, ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thông tin thêm rằng Chính phủ Việt Nam nỗ lực trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".

NĂNG SUẤT LÚA TĂNG, SẢN LƯỢNG GỖ RỪNG TRỒNG TĂNG

Tính đến ngày 15/4/2023, cả nước gieo cấy được 2.949,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển sang đất xây dựng, trồng rau màu, trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản.

Tại các địa phương phía Bắc đã cơ bản hoàn tất công tác gieo cấy lúa đông xuân. Do thực hiện tốt công tác chăm sóc ngay từ khi gieo cấy cùng với thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.568,4 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 83,3% diện tích gieo cấy và bằng 102,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.415,7 nghìn ha, chiếm 95,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,1% cùng kỳ năm 2022. Theo kết quả sơ bộ, năng suất lúa đông xuân ước đạt 72 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm trước do thời tiết tương đối thuận lợi và ứng dụng các mô hình trồng lúa công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn, giảm 30,3 nghìn tấn do diện tích giảm 28,2 nghìn ha.

Tính đến 15/4, các địa phương phía Nam gieo cấy được 446,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 111,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 440,3 nghìn ha, bằng 112,6%. Tiến độ gieo cấy lúa hè thu nhanh hơn cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do thời tiết thuận lợi, ít ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 4/2023 lên đến 279,3 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, Trong đó rừng bị chặt, phá là 168,2 ha, tăng 47,1%; diện tích rừng bị cháy là 111 ha, cao gấp 26 lần so với tháng 4/2022.

Hiện nay, lúa hè thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, vụ hè thu thường chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, có thể xảy ra tình trạng thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Do vậy, các địa phương cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ mùa tiếp theo.

Đối với ngành lâm nghiệp, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 4/2023 ước đạt 31,6 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,6 triệu cây, tăng 7,4%.

Trong tháng 4, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.294,6 nghìn m3, tăng 2,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 69,8 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 35 triệu cây, tăng 6,3%. Sản lượng gỗ khai thác từ đầu năm đến hết tháng 4 đạt 4.627,8 nghìn m3, tăng 3,5%.

Điều đáng báo động là diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 4/2023 tăng lên rất cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 534 ha rừng bị thiệt hại, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 356,3 ha, tăng 2,3%; diện tích rừng bị cháy là 177,7 ha, cao gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước.



Báo cáo phân tích thị trường