Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ LOGISTICS TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN
03 | 11 | 2023
Ngày 02/11/2023 - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản". Hội thảo được tổ chức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp logistics

Theo Agroinfo 

TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghệp nông thôn – phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghệp nông thôn – phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghệp nông thôn (IPSARD) cho biết, sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn với nhiều mặt hàng nông sản đứng đầu thế giới. Để đạt được những thành tựu kể trên, Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, thương mại nông sản, giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chi phí logistics nông nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng khá cao trong một số ngành sản xuất nông nghiệp (12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo). Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản lớn từ 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%.

Theo bà Tạ Thu Trang - Trưởng phòng Tư vấn Thương mại và đầu tư - Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD, dịch vụ logistics trong nông nghiệp tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và mất cân đối về lượng vận chuyển (vận tải đường bộ chiếm ưu thế,  chưa khai thác hết lợi thế vận tại đường thủy, vận tại đường sắt). Các dịch vụ đem lại giá trị gia tăng như kho bãi, chế biến, đóng gói, xử lý kiểm định thực vật còn thiếu và yếu. Chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh và vận tải lạnh) cho hàng nông sản mặc dù được cải thiện nhưng vẫn thiếu hụt mà chất lượng vận hành không được đảm bảo. Chưa có hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ tốt cho sản xuất kinh doanh nông sản và các vệ tinh kết nối theo các cấp từ xã, huyện đến tỉnh, vùng. Hệ thống logistic phục vụ thương mại biên giới còn chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn

TS. Nguyễn Anh Phong cho biết, hiện nay IPSARD đang xây dựng dự thảo đề án “ Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu đến năm 2030 giảm trung bình 0,5-1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí Logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ Logistics nông sản. Đảm bảo 100% nông sản qua hệ thống trung tâm Logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tại các vùng sản xuất nguyên liệu có các trung tâm dịch vụ Logistics nông sản, 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics và 100% hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực các kỹ năng liên quan đến dịch vụ Logistics nông sản.

Để đạt mục tiêu đề ra, Dự thảo Đề án đưa ra các nhiệm vụ xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ Logistics nông sản gồm ba loại hình: Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản tại các vùng kinh tế trọng điểm; Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản tại các cửa khẩu và cảng biển. Cùng với việc xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ Logistics, cần phải triển khai đồng loạt các nhiệm vụ như xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản và hạ tầng giao thông kết nối giữa các Trung tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Logistics nông sản; và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ hệ thống Logistics nông sản.

Hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ và ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ logistics trong nông nghiệp Việt Nam. Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xây dựng giải pháp tích hợp thương mại điện tử và logistics  hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản giúp kết nối và giải quyết các vấn đề đứt gãy trong chuỗi cung ứng nông sản. Việt Nam có thể tập mô hình quản trị Logistics của Singapore trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ giúp vượt qua những trở ngại trong thương mại nông sản toàn cầu bằng số hoá và đơn giản hoá quy trình thông qua mạng lưới cung ứng kỹ thuật số (digital supply network). Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ có vai trò to lớn trong việc giúp giải quyết các thách thức về logistics trong lĩnh vực nông nghiệp của đất nước do đó cần có các chính sách khuyến khích phát triển Logistics trong nông nghiệp theo hướng bền vững và tận dụng tốt nhất các lợi thế so sánh. Bên cạnh đó, cần khuyến khích khu vực tư nhân hơn tham gia vào ngành này thông qua các ưu đãi thiết thực hơn về thuế, phí, tiếp cận vốn và hợp tác quốc tế về phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ.

Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương)

Trong phần thảo luận, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics và các doanh nghiệp logistics đưa ra giải pháp để phát triển logistic nông nghiệp thành công cần phát triển các chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp. Nhà nước và các đơn vị liên quan cần đào tạo, tập huấn về chuỗi cung ứng, gắn kết các đơn vị sản xuất và các đơn vị thực hiện logistics theo các hợp đồng. Trung tâm logistics nông sản ở các vùng trọng điểm cần được xây dựng hợp lý để hàng hóa có thể đi thẳng đến cửa khẩu hoặc đến điểm phân phối và đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Ông Trần Chí Dũng - Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng IPSARD cho biết, mục tiêu tổng thể của đề án là phát triển hệ thống logistics nông nghiệp quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững phục vụ tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, đề án đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, các tỉnh, địa phương và đang tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.



Agroinfo
Báo cáo phân tích thị trường