Giá cao nâng đỡ kim ngạch xuất khẩu

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt khoảng 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%.

Tính đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% - mức giảm nhẹ hơn so với những tháng trước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%. 

Tuy nhiên, nhóm nông sản xuất khẩu thu về 14,99 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng mạnh 68,1%; gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi cũng đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%. 

 

Nguồn cung dự báo thiếu hụt lớn, giá cà phê tiếp tục tăng cao kỷ lục (Ảnh: Zing).

Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đua nhau tăng mạnh, lập kỷ lục lịch sử.

Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tháng 7/2023 ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục lịch sử khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu mặt hàng này. 

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.

Có thể thấy, chỉ trong vòng 20 ngày, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của nước ta lần lượt tăng lần lượt 19,7% và 20,5%.

Không chỉ gạo, giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng cao

Không có mức giá cao kỷ lục như gạo và cà phê, song giá hạt tiêu và sắn cùng xu hướng tăng mạnh. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.731 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 494,9 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2023 và tăng 9,2% so với tháng 7/2022.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.

 

Riêng về mặt hàng gạo, Thứ trưởng cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE,... hạn chế xuất khẩu là thời cơ cho gạo Việt Nam.

Các chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn. Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang căng thẳng, một số nước cấm xuất khẩu để bảo hộ an ninh lương thực quốc gia, trong khi các khu vực sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á chịu tác động mạnh bởi El Nino khiến sản lượng mặt hàng này giảm mạnh.

Mới đây, báo cáo của Fitch Ratings cảnh báo mưa lớn ở Đông Bắc, Trung Quốc - nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới - sẽ làm giảm sản lượng lúa gạo và có khả năng gây áp lực tăng giá mặt hàng này trên toàn cầu. 

Tương tự, ngành hàng cà phê cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng như gạo. Nguyên nhân, mưa quá nhiều kéo sản lượng cà phê ở Indonesia - quốc gia trồng cà phê lớn thứ 4 của thế giới - xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua, đẩy giá cà phê toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại.  

 

Nước ta đang đẩy mạnh quy mô gieo cấy lúa vụ Thu Đông để tăng sản lượng gạo xuất khẩu (Ảnh minh họa).

Đáng lo ngại, thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino có thể tăng cường vào cuối năm 2023 và đầu năm sau. Đây thời điểm cà phê ra hoa, đậu quả nên sản lượng cà phê của Indonesia dự báo tiếp tục sụt giảm mạnh.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023/2024. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá cà phê robusta thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung thiếu hụt và tồn kho trên cả hai sàn giao dịch ở mức thấp sẽ nâng đỡ giá mặt hàng này.

Ở Việt Nam, sản lượng cà phê trong niên vụ 2021-2022 đạt trên 1,8 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil và là nước có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Lạm phát lan ra toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu, buộc phải tìm đến những mặt hàng cùng loại nhưng giá thành hợp túi tiền hơn. Cà phê robusta của Việt Nam hưởng lợi, giá xuất khẩu bật tăng mạnh thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.