Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương mại nội địa trong mối quan hệ với XNK
17 | 09 | 2007
Thị trường trong nước phát triển không chỉ tác động đến kinh tế quốc dân mà còn liên quan rõ nét đến XNK, nhất là từ khi nước ta vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập với kinh tế quốc tế.
Tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Vậy nhìn nhận quan hệ của việc phát triển thương mại nội địa với xuất nhập khẩu thế nào?

Thị trường trong nước phát triển không chỉ tác động đến kinh tế quốc dân mà còn liên quan rõ nét đến XNK, nhất là từ khi nước ta vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập với kinh tế quốc tế.

Khi thị trường trong nước, từ chỗ chủ yếu do các DN nhà nước “bao sân” với HTX mua bán làm trợ thủ, đã mở ra cho mọi thành phần kinh tế tham gia, thì chế độ độc quyền ngoại thương được thay bằng cơ chế cho phép tất cả các thành phần kinh tế được tham gia vào mậu dịch đối ngoại, tạo ra một cộng đồng DN hoạt động theo luật chung. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Intimex… là những thương hiệu nổi trội trên thị trường nội địa với những chuỗi siêu thị hoành tráng cũng là những nhà XNK có tên tuổi. Các công ty chuyên XNK một thời nay đã tổ chức lại theo mô hình từ sản xuất, lưu thông nội địa đến XNK. Tập đoàn Metro - nhà phân phối lớn của nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam - cũng NK hàng nông sản của nước ta để cung ứng cho mạng lưới bán lẻ toàn cầu.

Mọi diễn biến của giá cả quốc tế chỉ “một sớm một chiều” tác động đến giá cả của thị trường nội địa, và ngược lại giá cả và quan hệ cung cầu hàng hoá tại thị trường trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu gom, tiến độ giao hàng XK. Việc điều hành XK gạo không thế bỏ qua diễn biến về giá cả, cung cầu về lúa, gạo của thị trường nội địa. Điều hành NK đường, phân bón vào thời điểm nhạy cảm về giá trong nước đã “điều trị ngay cơn dở giời” của mặt hàng đó trong phạm vi toàn quốc.

Hàng hoá trên thị trường nội địa khối lượng càng nhiều, chủng loại càng phong phú, nhà XK càng nhiều cơ hội lựa chọn để thực hiện các đơn hàng ngoại. Hàng ngoại du nhập vào thị trường nội địa, mặc nhiên hàng nội được sát hạch buộc phải nâng cao phẩm chất theo chuẩn mực và thị hiếu quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng ngày nhiều, thị hiếu càng cao đã thức tỉnh các nhà kinh doanh không được xao nhãng, bỏ ngỏ, nhường thị trường nội địa cho thương nhân nước ngoài.

Chính vì vậy, ngành thương mại trong nước luôn hợp sức cùng XNK, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP. Vì thế, để thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” cần nhất quán rằng: Phát triển thương mại nội địa trong sự tác động qua lại với tăng trưởng XNK và mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, tạo ra nhiều DN và phương thức kinh doanh với sức cạnh tranh cao.

 

Muốn đạt được ý tưởng đó, phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là khả năng tích tụ và tập trung của tất cả các DN để không ngừng đổi mới cơ sở hạ tầng, trong đó có các tổng kho bán buôn, trung tâm logistics (để bảo quản, sơ chế, phân loại, bao gói, vận chuyển), làm tăng giá trị sản phẩm rồi cung ứng cho các chi nhánh bán buôn, mạng lưới bán lẻ trong nước và cho XK; khuyến khích xây dựng một số tập đoàn thương mại mạnh, nhà phân phối lớn, đủ sức bao quát thị trường trong nước và năng lực hợp tác với các tập đoàn thương mại nước ngoài khi họ vào thị trường Việt Nam, phía Việt Nam làm nhà phân phối hàng của họ và/hoặc cung ứng hàng Việt Nam cho họ, phía đối tác sẽ làm chiều ngược lại.

 

Hơn nữa, các hiệp hội cần đứng ra làm đầu mối liên kết các nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ, nhà XNK để thương mại nội địa và mậu dịch đối ngoại bổ trợ lẫn nhau; hoàn thiện thể chế về quản lý đối với thương mại nội địa cũng như XNK đi đôi với việc xác lập cơ chế điều hành, kiểm tra, đảm bảo quản lý nhà nước tập trung có hiệu lực, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường trong nước, XNK và hội nhập thành công, tạo môi trường kinh doanh ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như lợi ích hợp pháp của mọi DN trong nước, thương nhân nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta nên tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ triển lãm thương mại quốc tế ở các thành phố, trung tâm kinh tế lớn, mời các thương nhân nước ngoài tham gia trưng bày, tham quan hội chợ, tham dự hội thảo, thăm dò, trao đổi, ký kết hợp đồng, bản ghi nhớ, thêm cơ hội cho các DN Việt Nam có thể XK có hiệu quả hoặc NK sát thực với thị hiếu của thị trường trong nước…



Thương Mại
Báo cáo phân tích thị trường