Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
25 | 04 | 2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhằm phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững.

Nguồn: mard.gov.vn

Đề án mới phê duyệt của Bộ NN-PTNT về ngành hàng sắn đặt mục tiêu sản lượng đến năm 2030 đạt 12,5 triệu tấn. Ảnh: TL.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2,0 tỷ USD. Đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Cả nước có 5 vùng trọng điểm phát triển sắn. Định hướng phát triển từng vùng đến năm 2030 như sau:

Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Diện tích trồng đạt 100-105 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 1,8-2,0 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu,...; tổng công suất chế biến đạt 0,6-1,0 triệu tấn củ tươi/năm.

Vùng Bắc Trung Bộ: Diện tích trồng đạt 50-55 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 1,1-1,2 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình,...; tổng công suất chế biến đạt 1,0-1,2 triệu tấn củ tươi/năm.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Diện tích trồng đạt 85-90 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 2,1-2,3 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định,...; tổng công suất chế biến đạt 1,0-1,2 triệu tấn củ tươi/năm.

Vùng Tây Nguyên: Diện tích trồng đạt 150-160 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 3,5-3,7 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum,...; tổng công suất chế biến đạt 2,0-2,2 triệu tấn củ tươi/năm.

Vùng Đông Nam Bộ: Diện tích trồng đạt 90-95 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 3,1-3,3 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước,...; tổng công suất chế biến đạt 8,5-9,2 triệu tấn củ tươi/năm.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp về tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ, quản lý nhà nước, đầu tư tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế. Trong đó, khoa học công nghệ ưu tiên các nhiệm vụ: (i) Thu thập, trao đổi, lưu giữ nguồn gen các giống sắn phục vụ công tác chọn tạo giống; nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống sắn mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu với sinh vật gây hại như: khảm lá sắn, chổi rồng, thối củ,... (ii) Nhân rộng và hoàn thiện hệ thống nhân giống sắn theo 3 cấp (giống gốc/giống đầu dòng, giống cấp 1, giống cấp 2), tập trung giống sạch bệnh, giống mới có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương để từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng giống sắn đúng tiêu chuẩn chất lượng. (iii) Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao vào thực tiễn các quy trình kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sắn,... (iv) Nghiên cứu, chế tạo hoặc nhập khẩu công nghệ mới trong chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm từ sắn. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm từ sắn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Chi tiết Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT ngày 17/4/2024 tại đây



Báo cáo phân tích thị trường