Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhân ngày lương thực thế giới (16-10): An ninh lương thực cho thế giới
16 | 10 | 2009
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) ước tính trong 4 thập niên tới số dân thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,3 tỷ người. Để đáp ứng nhu cầu lương thực của 9,1 tỷ người vào năm 2050, lượng lương thực cần thiết sẽ nhiều hơn 70% so với sản lượng nông nghiệp hiện nay của thế giới.

Tại nước ta, hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 24,997 triệu héc-ta, âm hơn 300 nghìn héc-ta so với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9...

Đô thị hóa - đất trồng lúa giảm

Việt Nam là một trong năm nước chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu, do vậy vấn đề bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) cần quan tâm. Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề quy hoạch sử dụng đất bảo đảm ANLT phải được nghiên cứu kỹ và phải được bổ sung ngay vào Luật Đất đai 2003. Theo khảo sát của Hội Khoa học đất Việt Nam, đất trồng lúa cả nước, chiếm tới 60% diện tích, tập trung ở 23 tỉnh thuộc 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên theo kế hoạch sử dụng đất nông nghiêp (NN), đến năm 2010 đất trồng lúa nước sẽ giảm tiếp 172.360ha nữa. Theo tính toán, nếu giữ được 7,15 triệu héc-ta đất trồng lúa, tổng sản lượng lúa hằng năm có thể đạt 39 triệu tấn. Nhưng từ năm 2010 trở đi vấn đề này sẽ trở thành một thách thức to lớn khi tốc độ đô thị hóa vẫn tiếp diễn, dân số tăng lên và có 73% sống ở địa bàn nông thôn. Theo quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT xây dựng, sẽ duy trì diện tích đất canh tác đến năm 2010 là 4,05 triệu héc-ta, đến năm 2015 là 3,85 triệu héc-ta và đến năm 2020 là 3,7 triệu héc-ta. Từ năm 2030 giữ ổn định lâu dài 3,6 triệu héc-ta đất lúa, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu héc-ta.

Đầu tư cho nông nghiệp để bảo đảm ANLT 

Tại Diễn đàn quốc tế "Lương thực cho thế giới năm 2050" vào 2 ngày 12 và 13-10 vừa qua tại Rô-ma (I-ta-li-a), Tổ chức FAO cho rằng, với mức tăng trưởng của nhu cầu sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 70% vào năm 2050, các chuyên gia của FAO tính toán cần tăng tổng mức đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thêm 50% so với hiện nay. Như vậy, mỗi năm thế giới phải dành ít nhất 83 tỷ USD đầu tư vào nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Điều này cho thấy, tính cấp thiết của chiến lược toàn cầu về ANLT. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian vừa qua, nơi được coi là "vựa lúa" châu Á như Thái Lan cũng phải nỗ lực bảo đảm ANLT thông qua việc thu gom gạo và hủy hợp đồng xuất khẩu. Tại Hội nghị cao cấp ASEAN về nông - lâm nghiệp diễn ra ngày 11-8 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vấn đề ANLT của khối, đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực nhất là giá gạo tăng cao; đồng thời ANLT của khối được lồng ghép vào kế hoạch hành động chiến lược về ANLT toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chiến này với việc Chính phủ quyết định cắt giảm 22% lượng gạo xuất khẩu để kiềm chế lạm phát và bảo đảm ANLT; tuy nhiên công tác xuất khẩu gạo vẫn cần được chỉ đạo sát sao hơn tránh tình trạng khi lúa rẻ thì ồ ạt cho xuất, lúc giá lúa gạo tăng thì lại thắt chặt với lý do ANLT, gây thiệt hại cho nông dân. Nhằm bảo đảm ANLT, ngày 13-10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam vay thu mua tạm trữ 500 nghìn tấn lương thực vụ hè thu năm 2009 theo mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất cho vay hiện hành của các NHTM. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian tạm trữ từ ngày 20-9-2009 đến 20-1-2010.

Thiết nghĩ việc bảo đảm ANLT không chỉ là giữ đất lúa, bởi trước thực tế dân số nông thôn và nông dân ngày càng giảm, tốc độ đô thị hóa tăng, do vậy việc đầu tư để có đội ngũ tri thức đủ mạnh sản xuất lương thực năng suất, chất lượng cao. Các nước khu vực và tổ chức quốc tế kêu gọi các nước đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tránh khủng hoảng lương thực. Thế giới cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và ưu đãi cho nông sản của các nước đang phát triển và các nước giàu cần loại bỏ trợ cấp nông nghiệp.



Theo www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường