Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh
Theo Bloomberg, giá cà phê arabica, loại hạt được ưa chuộng trong các dòng cà phê đặc sản, đã tăng tới 3,9%, chạm mức cao nhất kể từ năm 1977 và hiện tăng gần 70% trong năm nay. Hạn hán nghiêm trọng tại Brazil hồi đầu năm đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng của quốc gia này. Trong khi đó, khu vực trồng cà phê chính tại Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài trong giai đoạn canh tác, cùng với mưa lớn xuất hiện ngay khi thu hoạch bắt đầu.
Brazil và Việt Nam là hai nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong đó, Brazil tập trung vào hạt arabica cao cấp và Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường robusta với giá rẻ hơn.
Đợt tăng giá này đang gây áp lực lớn hơn lên các quán cà phê và nhà rang xay, khiến chi phí cho người tiêu dùng tăng mạnh. Các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng đã tăng giá bán và cắt giảm các chương trình giảm giá để bảo vệ biên lợi nhuận. Nestlé SA, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cho biết vào tháng 11 rằng họ sẽ tăng giá sản phẩm và giảm kích thước bao bì để giảm thiểu tác động từ giá hạt cà phê tăng cao.
"Các yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá lần này khá phức tạp, bao gồm lo ngại về sản lượng của Brazil trong mùa vụ 2025-2026, cùng với các thách thức về vận chuyển và logistics.”, nhà phân tích Carlos Mera của ngân hàng Rabobank nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng những yếu tố như sự bất định về thời điểm áp dụng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu và việc đẩy mạnh bán hàng sang Mỹ trước nguy cơ áp thuế thương mại dưới thời chính quyền Trump cũng góp phần vào biến động này.
Giá cà phê arabica hiện tăng 2,6% lên mức 3,17 USD/pound tại New York, đánh dấu ngày tăng thứ sáu liên tiếp. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trong 14 ngày đã vượt mức 70, cho thấy thị trường có thể đang trong vùng quá mua.
Cà phê robusta, loại phổ biến trong các sản phẩm cà phê hòa tan, cũng tăng 88% trong năm nay tại London. Trong khi đó, giá đường thô tăng và cacao giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư tại New York.
Tại Brazil, các nhà sản xuất cà phê hiện không bán ra lượng lớn vì phần lớn sản lượng thu hoạch hiện tại đã được tiêu thụ. Điều này khiến nguồn cung trở nên khan hiếm cho đến khi vụ mới bắt đầu từ tháng 5, theo ông Thiago Cazarini, một nhà môi giới.
Những lo ngại về nguồn cung arabica hiện tại càng trầm trọng hơn bởi các nước trồng khác cũng ghi nhận vụ mùa không khả quan. Tại Colombia, nhà sản xuất arabica lớn thứ hai, vẫn đang phục hồi sau đợt thời tiết khô hạn El Niño, trong khi mưa lớn gần đây gây lo ngại về thiệt hại cây trồng tại Costa Rica và Honduras.
Chi phí phòng ngừa rủi ro tăng cao do các yêu cầu ký quỹ lớn hơn, cùng khả năng nhà sản xuất không thực hiện hợp đồng, đã làm gia tăng tình trạng mua bán trong hoảng loạn, theo các nhà phân tích của công ty giao dịch cà phê Sucafina SA.
Đợt tăng giá năm nay còn đi kèm với việc các quỹ quản lý duy trì lượng lớn đặt cược vào giá cao hơn. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ cho thấy vị thế mua ròng đối với arabica dù chưa đạt đỉnh như đầu năm nhưng vẫn ở mức cao lịch sử.