Tuy nhiên, giá cà phê Arabica tương lai quay đầu giảm vào cuối năm, do giai đoạn ra hoa gần đây của Brazil làm dấy lên hy vọng về khả năng tăng sản lượng trong năm 2017, mặc dù theo chu kỳ nông học, năm 2017 là năm sản lượng thấp.
Liệu cà phê Robusta có tiếp tục vai trò dẫn dắt đà tăng giá trên thị trường? Hay cà phê Arabica sẽ tìm thấy động lực tăng giá mới? Dưới đây là các nhận định chuyên gia về triển vọng thị trường cà phê năm 2017.
Commerzbank
Có vẻ tình trạng thiếu hụt cà phê sẽ không sớm kết thúc. Thâm hụt cà phê toàn cầu niên vụ 2014/15 và 2015/16 lần lượt đạt 2,7 triệu bao và 3,3 triệu bao đã làm giảm mạnh các kho dự trữ tích lũy trước đây. Niên vụ 2016/17 được dự đoán tiếp tục là năm toàn cầu thâm hụt cà phê.
Thiếu hụt liên tục chủ yếu do sản lượng cà phê Robusta giảm tại các nước sản xuất cà phê chính. Năm 2017, tại Brazil, do các đợt ra hoa tiếp tục bị thiệt hại bởi thời tiết khô hạn kéo dài tại bang sản xuất Robusta chinh là Espirito Santo, triển vọng thu hoạch Robusta vụ tới tiếp tục gây thất vọng.
Trong trường hợp Arabica, dữ liệu ghi nhận mới nhất cho thấy sản lượng tại Brazil và Colombia đều tăng mạnh.
Nhìn chung, Commerzbank cho rằng thị trường cà phê trong kịch bản tốt nhất, sẽ đạt trạng thái cân bằng trong niên vụ tới. Do các kho dự trữ tiếp tục giảm, tình trạng thiếu hụt cà phê được dự báo sẽ tiếp diễn. Nếu Brazil trải qua chu kỳ nông học hoạt động mạnh, đẩy sản lượng cà phê giảm thì trạng thái cân bằng sẽ chuyển sang tình trạng thâm hụt.
Với tình hình này, Commerzbank cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ bị gián đoạn đà tăng do biến động tỷ giá. Nếu đồng Real Brazil tiếp tục giảm giá như dự đoán – đặc biệt là khi Mỹ tăng lãi suất – giá cà phê sẽ chịu áp lực giảm. Trong khi đó, sản xuất cà phê Robusta tại Việt Nam niên vụ 2017/18 được dự đoán tăng, cũng sẽ gây áp lực giảm giá.
Focus Economics
Giá cà phê đã liên tục tăng kể từ đầu năm 2016 và phá vỡ mức giá trần 160 cents/pound. Thời tiết bất lợi tại Brazil và Việt Nam làm giảm năng suất và đẩy giá tăng.
Khuynh hướng tăng giá trên thị trường cà phê xuất phát từ suy giảm nguồn cung tại các nước sản xuất lớn và tăng tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, có thể sẽ kéo dài giai đoạn tăng giá trên các thị trường cà phê.
Sucden Financial
Một đợt tăng giá ấn tượng trên cả thị trường tương lai Arabica và Robusta đã khiến cà phê trở thành một trong những hàng hóa tăng giá mạnh nhất trong chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg. Sucden Financial cho rằng các xu hướng nhu cầu thay đổi là một trong những lý do, khi thế hệ trẻ đang tiêu dùng đa dạng chủng loại cà phê cũng như tăng lượng cà phê tiêu dùng.
Phía cầu của cán cân thị trường cà phê được dự đoán tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn cho những cú shock trong sản xuất, đưa thị trường cà phê vào quỹ đạo tăng giá dài hạn.
Nếu thị trường giao dịch ổn định ở mức giá khoảng 140 cents/pound thì các thị trường tương lai sẽ tiếp tục hướng tới mức giá 150 -160 cents/pound.
Triển vọng các yếu tố cơ bản tiếp tục không đổi so với tháng 11 khi nhu cầu mạnh – yếu tố hỗ trợ thị trường trong suốt năm 2016 – được cho là tiếp tục diễn ra trong năm 2017.
Từ phía cung, Sucden Financial dự báo sản xuất cà phê toàn cầu sẽ tăng và giá sẽ giảm trong nửa cuối năm 2017.
Rabobank
Sau 3 năm thâm hụt cà phê liên tiếp trên thị trường toàn cầu vào 2014-15, 2015-16 và 2016-17, Rabobank cho rằng thế giới tiếp tục thâm hụt 2 triệu bao cà phê trong niên vụ 2017-18.
Thâm hụt 4 năm liên tiếp trên thị trường cà phê tính lũy kế lên tới gần 10 triệu bao, sẽ làm giảm phần lớn lượng dự trữ 12,6 triệu bao trên toàn cầu, tích lũy từ 2 niên vụ bội thu là 2012-13 và 2013-14.
Rabobank dự báo sản xuất cà phê Arabica niên vụ 2016/17 sẽ tăng. Xét tới sản xuất tại Peru phục hồi mạnh lên 4,7 triệu tấn trong niên vụ 2016/17, và sản lượng tăng nhẹ tại Colombia, Honduras, Mexico và Nicaragua, mức tăng sản lượng cà phê Arabica, không tính Brazil, sẽ là 1,7 triệu bao.
Về phía cà phê Robusta, triển vọng phục hồi sản xuất tại Brazil trong năm 2017 rất mong manh và Rabobank bác bỏ khả năng phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất tại Espirito Santo.
Với những giả định trên, Rabobank cho rằng tỷ trọng sản lượng cà phê Robusta tại các nước không sản xuất cà phê sẽ dần suy giảm từ mức 35,6% trong niên vụ 2015-16 xuống 35,1% trong 2016-17 và 34% trong 2017-18. Trong bối cảnh này, chênh lệch giá cà phê Arabica và Robusta sẽ giảm, đặc biệt là do thâm hụt mạnh cà phê Robusta toàn cầu, nhưng nguồn cung cà phê Arabica lại dồi dào.
Theo Agrimoney