Doanh nghiệp trì hoãn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương lo lắng: "Tính đến đầu tháng 11/2007, lượng càphê bị thải loại của Việt Nam đã lên tới 100 triệu USD. Nếu số cà phê bị thải giảm bớt đi 70 triệu thôi là người dân trồng cà phê, DN chế biến xuất khẩu cà phê đã có lợi lắm rồi".
Sở dĩ bị thải loại nhiều là do cà phê nước ta xuất khẩu vẫn theo tiêu chuẩn cũ có từ năm 1993, quá lạc hậu so với thế giới. Bộ tiêu chuẩn phân loại cà phê mới (TCVN 4193:2005) đã được ban hành vào đầu năm 2006, đưa ra những quy định khắt khe hơn về tỷ lệ tạp chất, độ ẩm, hạt đen vỡ với hạt cà phê và đã được Tổ chức cà phê thế giới công nhận.
Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 10% DN áp dụng tiêu chuẩn mới này và chỉ chiếm khoảng 1-2% sản lượng cà phê xuất khẩu. Hầu hết DN và người dân chưa được phổ biến, hướng dẫn triển khai, hoặc nếu có triển khai thì cũng không nhận được sự đồng tình của DN. Một DN xuất khẩu cà phê cho rằng, hiện tại cà phê đã bắt đầu vào vụ mới, nhiều DN đã phải ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài. Nếu quyết định thay đổi tiêu chuẩn kiểm tra quá đột ngột, DN không kịp trở tay, thiệt hại chắc chắc sẽ là không nhỏ. Cụ thể, tính đến đầu tháng 11/2007, các DN đã ký hợp đồng khoảng 200.000 tấn cà phê theo hình thức thoả thuận về chất lượng theo cách phân loại cũ. Không chỉ có thế, nếu tiêu chuẩn mới được áp dụng, người nông dân cũng cần có thời gian để thay đổi thói quen sản xuất, thu hoạch, phơi sấy, sàng quạt… Bởi vậy, nếu áp dụng đồng loạt kiểm tra chất lượng cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4193:2005 trước khi thông quan tại thời điểm này sẽ gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký kết từ trước.
Trước sự trì hoãn của các DN, ông Đoàn Xuân Hoà, Phó Cục trưởng cục chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) khẳng định: "Tiêu chuẩn mới này hoàn toàn khả thi, không có gì là khó khăn cả. Vấn đề là phải có chế tài. Cần có quy định DN nào có số lượng cà phê không đạt tiêu chuẩn mới quá lớn thì không được xuất khẩu mà phải tái chế. Còn nếu đã xuất khẩu thì phải đạt tiêu chuẩn".
Còn ông Đoàn Triệu Nhạn lại lý giải: "Chúng tôi đã áp dụng tính lỗi cho cà phê xuất khẩu từ năm 1991. Khi đó, các DN làm rất tốt vì làm thế thì giá rất cao. Nhưng hiện nay không làm được là do cơ chế giá không phù hợp, không khuyến khích được DN. Bên cạnh đó là chưa có sự ra tay của Nhà nước".
Lộ trình cho tiêu chuẩn mới
Trước sự phản ứng của các DN chế biến, xuất khẩu cà phê, Bộ NN &PTNT đã quyết định tạm thời chưa áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4193:2005 trong kiểm tra chất lượng cà phê nhân xuất khẩu trước khi thông quan. Bên cạnh đó, lo ngại ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị chưa triển khai ngay kiểm tra bắt buộc các lô hàng cà phê xuất khẩu theo TCVN 4193-2005 từ niên vụ này.
Song, để từng bước nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng lộ trình dự kiến áp dụng TCVN 4193:2005. Theo đó, từ nay đến tháng 10/2008 sẽ áp dụng ngay một số chỉ tiêu về khuyết tật có trị số lỗi cao nhưng dễ khắc phục; trình Chính phủ bổ sung sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu vào danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2005; tổ chức phổ biến các quy định về bắt buộc tiêu chuẩn chất lượng mới đối với các DN, nông dân.
Từ tháng 10/2008 đến tháng 10/2009, tiếp tục ban hành quyết định bắt buộc áp dụng các chỉ tiêu còn lại của TCVN 4193:2005. Đối với các lô hàng xuất khẩu lớn từ 50.000 tấn/năm trở lên bắt buộc phải kiểm tra chất lượng về các chỉ tiêu độ ẩm, tỷ lệ hạt mốc, tỷ lệ hạt trên sàng và tính lỗi khuyết tật theo tiêu chuẩn mới trước khi thông quan. Những lô hàng có tổng số lỗi vượt mức tối đa cho phép nhỏ hơn 15% nhưng đạt chất lượng theo hợp đồng đã ký vẫn cho xuất khẩu nhưng yêu cầu DN phải cam kết sẽ phục hồi lỗi chất lượng trong niên vụ tiếp theo. Từ tháng 10/2010 trở đi, thực hiện kiểm tra toàn diện các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN 4193:2005 đối với tất cả các lô hàng cà phê nhân xuất khẩu trước khi thông quan. Thứ trưởng Lương Lê Phương cũng đã chỉ đạo Vicofa sớm họp bàn với 10 DN xuất khẩu cà phê lớn để áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 càng sớm càng tốt.