Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dư nợ trái phiếu vẫn quá thấp
25 | 09 | 2007
Theo số liệu mới nhất do Bộ Tài chính (BTC) đưa ra tại hội thảo về tài chính trong lĩnh vực viễn thông, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua, dư nợ của thị trường vốn từ năm 2001 đến nay đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh.

Cụ thể, nếu như năm 2001, dư nợ trái phiếu các loại (trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp) mới đạt 2,3% GDP thì đến cuối năm 2006 đã đạt 13,2% GDP. “Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Thái Lan (đạt 58% GDP), Malaysia (đạt 82%), Trung Quốc (đạt 53%)..., thì dư nợ trái phiếu/GDP của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé”, ông Đào Việt Ánh, Trưởng phòng Thị trường vốn thuộc Vụ Tài chính - Ngân hàng (BTC) nhận định.

Thị trường trái phiếu Việt Nam không chỉ nhỏ bé, chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, mà theo ông Ánh, cấu trúc của thị trường trái phiếu vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, mặc dù Luật Ngân sách nhà nước cho phép Hà Nội, TP.HCM được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bằng 100% giá trị kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm (“hạn mức” của các địa phương khác là 30%), nhưng hiện tại, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương mới chỉ bằng 7% tổng dư nợ trái phiếu. Và trên thực tế, đến thời điểm này, cũng mới chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai thực hiện phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi hầu hết các địa phương đều thiếu nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, sau 1 năm thực hiện Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), nhiều DN như EVN, Vinashin, Vinaconex, Tổng công ty Thép Việt Nam... đã quan tâm hơn tới kênh dẫn vốn này, nhưng tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện mới đạt 11% dư nợ trái phiếu. Như vậy, thị trường trái phiếu vẫn gần như là “sân chơi riêng” của trái phiếu chính phủ (TPCP) với 2 chủ thể phát hành là Kho bạc Nhà nước (chiếm 64%) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chiếm 18%). Trong khi đó, ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc..., tỷ lệ trái phiếu DN đều chiếm trên 33% tổng dư nợ trái phiếu. “Kênh dẫn vốn cho DN chủ yếu vẫn là tín dụng ngân hàng hoặc ngân sách nhà nước hoặc Nhà nước đi vay rồi cho DN vay lại. Huy động vốn trực tiếp trên thị trường hầu như chưa phát triển”, ông Ánh kết luận.

Giá trị giao dịch TPCP/giá trị niêm yết mặc dù đã có cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây (nếu như năm 2001, tỷ lệ này mới đạt 2% thì đến năm 2004 đã lên 80% và hiện tại vào khoảng 90%), nhưng Việt Nam vẫn là nước duy nhất trong khu vực có tổng giá trị giao dịch trái phiếu thấp hơn giá trị niêm yết. Đây cũng là một trong những bất cập được ông Ánh nêu ra trong Chiến lược Phát triển thị trường TPCP ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo đánh giá tổng quan về thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, ông Trương Hùng Long, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (BTC), thị trường vốn Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập, như các định chế trung gian năng lực tài chính còn hạn chế, phạm vi và chất lượng cung ứng dịch vụ thấp... Đây cũng là những thách thức của thị trường vốn Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển tương đương với thị trường vốn trong khu vực vào năm 2020.

Theo ông Noritaka Akamatsu, chuyên gia kinh tế - tài chính của Ngân hàng Thế giới, sự khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực châu Á cách đây 10 năm đã chỉ ra cho chính phủ nhiều nước bài học rằng, thị trường trái phiếu có vai trò vô cùng quan trọng để bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ. Thị trường trái phiếu có phát triển mới giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại thoát khỏi những rủi ro tiềm ẩn như nợ quá hạn, nguồn vốn dài hạn cung cấp cho DN... Các nước trong khu vực đã “thấm thía” bài học này và trên thực tế, họ đã tập trung phát triển thị trường trái phiếu, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong khi đó, mặc dù thị trường trái phiếu, đặc biệt là TPCP của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, song vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự phát triển vững chắc và sự an toàn của thị trường tài chính.

Trong giai đoạn 2001 - 2005, thị trường vốn cung cấp cho nền kinh tế là 93.753 tỷ đồng, tương đương 7,8% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8%/năm, thì giai đoạn 2006 - 2010, thị trường vốn phải cung cấp ít nhất cho nền kinh tế 267.500 tỷ đồng, tương đương 10% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Bởi trong giai đoạn này, nguồn vốn ODA dự kiến sẽ giảm dần từ mức 10,2% tổng nhu cầu vốn đầu tư xuống còn khoảng 6,5%. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp dự kiến cũng sẽ giảm từ 17,9% tổng nhu cầu vốn đầu tư xuống còn 15,3% và kênh tín dụng ngân hàng sẽ không đáp ứng được các nhu cầu vốn dài hạn.

Như vậy, nếu loại bỏ yếu tố khủng hoảng tài chính - tiền tệ (có thể xảy ra) thì việc phải phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. “Thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn cũng như cải cách mạnh mẽ sự phát triển của thị trường tài chính hiện được coi là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ Việt Nam”, ông Long cho biết. Về vấn đề này, theo ông Noritaka Akamatsu, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng giúp Chính phủ Việt Nam cũng như các thành viên tham gia thị trường đạt được mục tiêu đã đề ra.



Theo vir.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường