Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều
21 | 12 | 2007
Tháng 11/2007, xuất khẩu điều đạt 13 ngàn tấn với kim ngạch gần 55 triệu USD, so với tháng 11/2006, tăng 18,5% về lượng và 26% về kim ngạch. Trong 11 tháng đầu năm 2007 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 579 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2006. So với kế hoạch năm, điều xuất khẩu đã vượt 30,6% về lượng và 15,8% về kim ngạch. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt khoảng 4.220 USD/tấn, cao hơn năm trước 6%.

Hạt điều Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ và vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2006, ngành điều Việt Nam đã có một bước tiến nhảy vọt khi xuất khẩu hạt điều đã qua sơ chế lên tới 130 ngàn tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 520 triệu USD, chiếm 50% thị trường nhân điều thô thế giới. Với các thị trường lớn là Mỹ, EU, Trung Quốc, Hồng Kông, Canada. Đặc biệt, Mỹ là thị trường tiêu thụ lượng hạt điều lớn. Riêng năm 2006, xuất khẩu điều vào thị trường này đạt trên 40.000 tấn, chiếm trên 40% sản lượng điều xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ hai, chiếm 20% thị phần xuất khẩu; tiếp đó là thị trường các nước châu Âu 20%, 10% còn lại được xuất sang Nga, Nhật Bản và khu vực Trung Đông.

Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng điều cả nước đạt 433.000ha với sản lượng thu hoạch 350.000 tấn điều thô mỗi năm. Năm 2006, cả nước có 225 DN chế biến điều với gần 300 nhà máy, đã chế biến và xuất khẩu được 127.000 tấn nhân điều, thu về 504 triệu USD. Nhưng các DN chế biến điều thường “mạnh ai người nấy làm”, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững đã đẩy rất nhiều DN chế biến điều đứng bên bờ vực phá sản do giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao.

Bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất, ngành điều Việt Nam cũng đang trong tình trạng thiếu lao động. Năng lực của người lao động còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành chế biến điều xuất khẩu. Hiện nay, tổng số lao động ngành điều trên 300.000 người và số lao động này mới đáp ứng được 60% cho các DN chế biến điều. Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu lao động là do thu nhập thấp, nhiều công nhân hạt điều đã bỏ sang các ngành chế biến gỗ, thực phẩm, thủy sản, những nơi có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho họ hơn.

Để ngành hạt điều Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào thị trường thế giới, đồng thời khẳng định vị trí số 1 về xuất khẩu hạt điều, Hiệp hội Điều Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay, tổng công suất chế biến điều của Việt Nam đạt 731.700 tấn điều thô mỗi năm nhưng nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng đủ 50% công suất chế biến. Vì vậy, trong Quyết định số 39/2007/QĐ-BNN phê duyệt phát triển ngành điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương: Không mở rộng thêm công suất hay đầu tư thêm nhà máy mới, giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ bằng cách thành lập các công ty, tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, trình độ công nghệ cao, tập trung đầu tư vùng nguyên liệu, tìm giống mới tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để xây dựng cho hạt điều Việt Nam một thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.

Các tỉnh trồng điều trọng điểm tại vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên đã và đang thực hiện kế hoạch quy hoạch lại các vùng trồng điều theo hướng chuyên canh và thâm canh cây điều bằng các giống cao sản mới. Hiện nay, năng suất trung bình cây điều trên cả nước vào khoảng 1 tấn/ha, nhưng với các dòng điều cao sản, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp như một số vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, năng suất có thể đạt 3 tấn/ha. Phấn đấu đến năm 2010, diện tích trồng điều bằng giống cao sản mới đạt trên 50% tổng diện tích của khu vực, đưa diện tích trồng điều của cả nước tăng từ 350.000ha lên 450.000ha. Năng suất bình quân của ngành điều cả nước sẽ đạt 1,4-2 tấn/ha nhằm đưa sản lượng điều thô lên 500.000 tấn/năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 700 triệu USD vào năm 2010 và đạt 820 triệu USD vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam nhấn mạnh: Muốn xuất khẩu gia tăng về lượng và cả về giá trị thì yêu cầu đặt ra đó là các DN chế biến điều phải áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế BRC, HACCP, GMP, ISO, ISO14000, đầu tư xây dựng thương hiệu ngành điều và thương hiệu DN để trở thành thương hiệu uy tín và thương hiệu mạnh ngành điều Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung nghiên cứu và đưa thiết bị cơ khí tự động, hiện đại phục vụ cho công nghiệp chế biến nhân điều và các sản phẩm sau nhân điều, phù hợp với yêu cầu của thị trường; tiếp thu đầu tư nghiên cứu giống điều cao sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng, liên kết dọc giữa DN chế biến và người sản xuất, mục tiêu là tăng trưởng về năng suất và chất lượng sản phẩm.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường