Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FDI vào Việt Nam: nước nào sẽ giữ vị trí số một?
07 | 01 | 2008
Không đứng đầu danh sách trong vài năm gần đây, song theo dự báo của Cục đầu tư nước ngoài, từ nay tới năm 2010 Nhật Bản vẫn giữ vai trò hàng đầu trong đầu tư tại Việt Nam. Vị trí tiếp theo thuộc về Mỹ, EU và các đối tác truyền thống trong khu vực.

Nhật Bản và chiến lược “Trung Quốc +1”

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Sáng kiến chung Việt- Nhật bước sang giai đoạn ba là một trong những động thái tích cực, góp phần vào kỷ lục FDI của năm 2007. Tuy không giữ vai trò số một trong cam kết vốn FDI, song Nhật Bản luôn được đánh giá như nhà đầu tư hàng đầu trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn này.

Tính đến tháng 12/2007, số dự án còn hiệu lực của Nhật là 928 dự án với 9,03 tỷ USD vốn đầu tư (vốn đầu tư của Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều trên 10 tỷ USD). Nhưng vốn thực hiện của Nhật Bản lên tới gần 5 tỷ USD, vượt xa các đối tác khác.

Trong chiến lược “Trung Quốc +1” (để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư kiểu “bỏ trứng cùng một giỏ”), các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đang hướng sang Việt Nam như điểm đến lý tưởng ở châu Á. Minh chứng là hàng loạt công ty hàng đầu như Yamaha, Toshiba, Honda, Canon đều mở rộng hoạt động kinh doanh, xây dựng thêm các nhà máy tại Việt Nam. Bên cạnh đó là việc tiếp tục triển khai ba dự án lớn do phía Nhật Bản tài trợ là: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường cao tốc Bắc- Nam và khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Trong nỗ lực thành đối tác chiến lược của nhau, những “ưu ái” mà chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư này cũng rất lớn. Ông Thắng cho biết, trong chiến lược thu hút FDI từ nay tới năm 2010, “cánh cửa” mở cho các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) của Nhật Bản rất rộng. Không chỉ thúc đẩy hỗ trợ các dự án lớn, mà kêu gọi cả việc tham gia của đầu tư tư nhân vào các dự án đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc – Nam.


Dự báo, có thể không đứng đầu về số vốn cam kết, song Nhật Bản vẫn sẽ giữ nguyên vị trí nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam giai đoạn tới.

Tăng cường hút FDI từ tập đoàn đa quốc gia (TNCs)

Đầu tư trên thế giới chủ yếu là vốn từ các TNCs. Thu hút vốn từ các tập đoàn này cũng là hướng đi quan trọng của chiến lược thu hút FDI thời gian tới.

Với nhà đầu tư Hàn Quốc, mục tiêu đặt ra là thu hút các TNCs công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ và công nghệ thông tin. Với hơn 1.600 TNCs đặt trụ sở tại Singapore, nước này có thể đóng vai trò điểm kết nối cho các nhà ĐTNN tới Việt Nam và nhà xuất khẩu trong nước hướng ra thị trường quốc tế.

Định hướng thu hút đầu tư từ EU cũng sẽ tập trung vào các TNCs, vì các công ty này có khả năng tài chính mạnh, mạng lưới sản xuất và cung ứng sản phẩm toàn cầu.

(Cục Đầu tư nước ngoài)

Trung Quốc- nhà đầu tư tiềm năng

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, tuy vẫn chỉ ở dạng “phôi thai”. Theo các số liệu được công bố, đầu tư FDI của Trung Quốc từ 1988 tới nay vẫn chỉ khiêm tốn trên 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, thực chất, khoản đầu tư lớn của Trung Quốc đổ vào Việt Nam lại qua các đối tác ở Hồng Kông với số tiền lên tới 3 tỷ 700 triệu USD kể từ năm 1988.

Theo dự báo của Cục đầu tư nước ngoài, những năm tới, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ gia tăng, bởi chính sách khai thác hai nguồn tài nguyên và hai thị trường (trong nước và ngoài nước) của chính phủ nước này. Nhiều công ty Trung Quốc quan tâm tìm hiểu và thực hiện các dự án khai thác và chế biến khoáng sản tại Việt Nam để bổ sung nguồn nguyên liệu trong nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mới đây, một hợp đồng khai thác dầu và khí đốt Nam Bộ đã được ký kết. Thêm nữa, Trung Quốc cũng đang tích cực tham gia khuôn khổ hợp tác “10+1” tạo điều kiện xâm nhập và khai thác thị trường các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản sẽ là ưu tiên hút đầu tư từ Trung Quốc, vì gần đây nước này đã đạt được nhiều tiến bộ kỹ thuật– ông Phan Hữu Thắng dự báo.

Ngoài ra, đầu tư của các đối tác quan trọng khác như Mỹ, EU và các đối tác truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore được dự báo cũng sẽ gia tăng trong giai đoạn tới, với việc chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực công nghệ cao và sinh lời như tài chính, ngân hàng, dịch vụ…



Theo www.doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường