Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chứng khoán: Ngày vui ngắn chẳng tày gang
18 | 01 | 2008
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, Vn-Index giảm 12,27 điểm. Nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá.Giao dịch tiếp tục đứng ở mức cao.


Phiên giao dịch khởi sắc đột biến ngày hôm qua đã làm "vỡ tung" nhiều sàn giao dịch bởi không khí hồ hởi của các nhà đầu tư khi VN-Index phục hồi cực mạnh tới 37,24 điểm.

Giới đầu tư chẳng lạ gì câu "một ngày không tạo nên xu hướng", nhưng chí ít tâm lý bi quan chán nản nhiều tháng qua đã được giải toả.

Tiếp sau phiên tăng điểm kỷ lục với mức tăng bình quân 4,6% hôm qua, mở đầu phiên giao dịch sáng nay rất nhiều cổ phiếu có phiên tăng điểm mãnh liệt thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, sức nóng đang hạ bớt.

Kết thúc đợt 1 phiên giao dịch sáng 17/1, VN-Index tăng 15,71 điểm (tương đương tăng 1,85%) lên 861,78 điểm.

Tuy nhiên đến đợt 2, Vn-Index quay đầu giảm tới 14,34 điểm. Kết thúc phiên Vn-Index chính thức giảm 12,26 điểm (tương đương 1,44%) xuống 833,81 điểm.

Khá nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá sau khi tăng rất mạnh vào phiên hôm qua. Tuy nhiên, một số cổ phiếu blue-chips vẫn tiếp tục tăng điểm.

Trong số 144 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn có 31 mã cổ phiếu tăng giá, 89 mã giảm giá và 24 mã đứng giá.

Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 10,3 triệu đơn vị, trị giá gần 849,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước. Ngang bằng với thời điểm thị trường nóng hồi đầu năm 2007 và hồi tháng 9, 10/2007.

Trong 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, có 3 cổ phiếu tiếp tục tăng giá sau khi tăng rất mạnh hôm qua là STB, FPT và SJS.

Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn quay đầu giảm giá như: VNM, DPM, PPC, PVD với mức giảm từ 1.500đ đến 5.000đ. VNM của Vinamilk giảm mạnh nhất, giảm 5.000 đồng xuống 151.000 đồng/cp.

Trên sàn Hà Nội, Hastc-Index cũng quay đầu giảm nhẹ 2,73 điểm (tương đương 0,96%) xuống 282,9 điểm. Giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao với 4,26 triệu đơn vị giao dịch trị giá 350,71 tỷ đồng. Có 20/121 mã giảm giá, 7 mã đứng giá và 94 mã tăng giá.
 
Ngày 16.1 cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về chiến lược của NĐTNN khi khối này là đối tượng bán rất tích cực với 226,3 tỉ đồng, trong khi mua vào chỉ có 44,6 tỉ. Phiên giao dịch sáng nay, trên sàn Hà Nội khối ngoại giao dịch 269.900 đơn vị trong đó khối lượng mua vào là 125.100 đơn vị, bán ra là 144.800 đơn vị. Cổ phiếu được khối ngoại giao dịch nhiều nhất là NTP với 121.000 đơn vị giao dịch trong đó khối lượng bán ra lên tới 81.000 đơn vị.
 
Rất nhiều người cho rằng ngưỡng 800 điểm là mức đáy của thị trường và mua vào thời điểm này là hợp lý.
 
Thời điểm hiện nay, vẫn còn có khá nhiều yếu tố có thể tác động tới thị trường cần phải xem xét như: giá vàng có thể quay đầu tăng giá, bất động sản liệu có giảm nhiệt như chủ trương của Chính phủ, TTCK thế giới liệu có sớm đi vào ổn định, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 2007 tốt?... Đây là các vấn đề mà rất nhiều người đều đang quan tâm để có thể đưa ra quyết định đầu tư của mình.
 
Có tín hiệu vui là rất nhiều CTCK bắt đầu bơm tiền vào thị trường bằng cách mời gọi NĐT cầm cố CP niêm yết. Đây là thời điểm khá thuận lợi, vì thị trường có dấu hiệu chạm đáy trong khi không ít NĐT cạn vốn.



Nguồn: cafeF.vn
Báo cáo phân tích thị trường