Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần hiểu WTO để kiếm được tiền
12 | 09 | 2007
Các doanh nghiệp (DN) Mỹ rất quan tâm tới việc VN sẽ thực hiện các cam kết WTO trong thực tế như thế nào và các DNVN đã và đang có những bước đi nào để cạnh tranh trong môi trường mới.
Hôm 2-2, tôi vừa có cuộc trao đổi với khoảng 40 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN xoay quanh hai chủ đề “nóng” hiện nay: WTO và thị trường chứng khoán.

Các doanh nghiệp (DN) Mỹ rất quan tâm tới việc VN sẽ thực hiện các cam kết WTO trong thực tế như thế nào và các DNVN đã và đang có những bước đi nào để cạnh tranh trong môi trường mới.

Một DN Mỹ cho biết còn nhiều rào cản và trở ngại trong việc đăng ký đầu tư. Họ nêu ví dụ khi họ hỏi mua cổ phần của một số DN nhà nước ở các địa phương thì được trả lời là không có chỉ thị bán cho người nước ngoài. Nhiều DN cũng băn khoăn không biết cánh cửa có mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với một số đơn vị kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng như Viettel, Ngân hàng Quân đội, nhà khách Quân đội...

Tôi trình bày rằng Chính phủ VN rất coi trọng việc thực thi các cam kết gia nhập WTO. Hội nghị chính phủ họp ngày 30-1 đã thảo luận và thông qua chương trình hành động để VN gia nhập WTO một cách hiệu quả nhất. Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Công ước quốc tế về chống cưỡng bức lao động. Việc làm này đã được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ca ngợi.

Tôi nói rằng tuy VN chuẩn bị vào WTO bằng cả quá trình 20 năm đổi mới nhưng hiểu biết về WTO của mọi người chưa cụ thể. Phần lớn các DN trong nước mới hiểu biết chung chung, còn hiểu WTO để kiếm tiền thì còn hiếm. Theo tôi, DN nội địa trong cuộc chơi toàn cầu hóa của WTO nên chọn phương thức “cạnh tranh và hợp tác có chọn lọc”. Với các đối thủ quá lớn, các DN nên chọn phương thức hợp tác, chẳng hạn trở thành nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp phụ kiện.

Các nhà đầu tư Mỹ cũng “quay” tôi rất nhiều câu hỏi về thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư nói rằng Chính phủ cần đề phòng bởi hoạt động của thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Tôi trả lời rằng thị trường chứng khoán là thể chế tuyệt vời để thu hút vốn. Hiện qui mô thị trường chứng khoán ở VN mới chiếm 22% GDP trong khi ở Trung Quốc là 71%. Trong số 196 công ty niêm yết trên sàn, phần lớn là những công ty nhỏ và vừa, chưa có công ty nào lớn, chưa có những người khổng lồ thật sự.

Sở dĩ cơn sốt chứng khoán hoành hành là bởi “cầu đang vượt cung”. Trước kia các nhà đầu tư chứng khoán giới hạn ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ và một số nhà đầu tư chiến lược trong nước, thì nay việc 30 quĩ nước ngoài với số vốn khoảng 3,4 tỉ USD đang muốn đầu tư ở VN đã khiến thị trường chứng khoán trở nên đỏ lửa. Họ đã đổ khoảng 2 tỉ USD vào thị trường chứng khoán qui mô quá nhỏ bé của VN làm cho cán cân cung cầu thay đổi đột ngột.

Ngoài ra, chính sự hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đã truyền lửa cho các nhà đầu tư nhỏ trong nước.

Đặc trưng của đầu tư tài chính là mang tính ngắn hạn. Khác với đầu tư trực tiếp (đầu tư vào máy móc, nhà xưởng, công nghệ và nguồn nhân lực), các quĩ đầu tư sẵn sàng chịu lỗ để rút vốn khi thị trường chứng khoán có biến động. Nếu như các nhà đầu tư nước ngoài cùng lúc bán ào ạt để thu vốn về, khi đó sẽ là một “chùy” rất mạnh cho toàn bộ thị trường chứng khoán VN nói riêng và nền kinh tế VN nói chung.

Chia sẻ sự lo lắng với một số nhà đầu tư Mỹ, tôi nói rằng giải pháp hàng đầu là Chính phủ cần nhanh chóng đưa thêm 200 công ty lớn niêm yết trên sàn để cân đối cung cầu và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa.

LÊ ĐĂNG DOANH



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường