Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
M&A mới nhưng hấp dẫn…
27 | 02 | 2008
Khi TTCK Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới diễn biến không thuận lợi cho IPO hoặc phát hành thêm cổ phiếu để gọi vốn, thì hoạt động M&A càng trở nên đáng quan tâm. M&A không đơn thuần là mua đứt bán đoạn cả DN, mà các hoạt động chủ yếu tập trung dưới dạng đầu tư gián tiếp, mua cổ phần. Ông Ngô Xuân Bình, Giám đốc Delta Partners, đại diện Việt Nam của M&A International Inc., liên minh hàng đầu thế giới về mua bán và sáp nhập DN, trao đổi với ĐTCK-online.
Ngày 26 và 29/2 tới đây, Delta Partners tổ chức hai hội thảo về mua bán và sáp nhập công ty, một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, vì sao các ông lại chọn thời điểm này?

M&A là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, khi nói về M&A người ta thường nghĩ ngay đến việc bán toàn bộ DN hay những vụ sáp nhập của những người khổng lồ. Tuy nhiên, trong thực tế, phần nhiều giao dịch M&A diễn ra dưới dạng mua lại một phần DN; và quy mô các đợt sáp nhập phần lớn ở mức trung bình (từ 5 triệu USD đến 250 triệu USD). M&A khác với việc gọi vốn qua TTCK ở chỗ, nó không chỉ đơn thuần gọi vốn mà còn là thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược, trong đó người mua - đối tác chiến lược - không chỉ góp thêm vốn, mà còn tăng thêm giá trị cho DN được mua, bằng các bí quyết công nghệ, năng lực quản lý, hệ thống phân phối sẵn có của người mua… Chính vì thế, chúng tôi muốn tổ chức hội thảo này để giới thiệu thêm với các DN Việt Nam về hoạt động M&A; đồng thời, tạo cơ hội để họ tìm kiếm các cơ hội M&A ngay tại hội thảo. Bên cạnh đó, với các vị khách mời khá uy tín đến từ nhiều nước trên thế giới, cơ hội tiếp nhận thông tin và kinh nghiệm M&A sẽ rất tốt đối với những người tham gia.

Ông có thể đánh gia mối quan tâm của DN Việt Nam đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược trong thời điểm này?

Cho đến nay, đã có hơn 100 đơn đăng ký cho mỗi hội thảo và số DN tham gia sẽ tiếp tục tăng lên. Tại hội thảo, sẽ có các cuộc trao đổi trực tiếp, ngắn gọn giữa những DN tham gia với nhau và với các diễn giả của chúng tôi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược.

Năm 2007, nhiều cuộc đàm phán tìm kiếm đối tác chiến lược giữa DN Việt Nam và tổ chức nước ngoài được tiến hành, song không có kết quả. Ông nghĩ sao khi DN cho rằng, họ không muốn bán cổ phần với giá thấp (TTCK đi xuống)?

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, đó là quan niệm sai lầm. Các công ty cần phải bắt đầu sớm hơn việc tìm kiếm đối tác chiến lược và chọn ra đối tác nào có thể đem lại giá trị gia tăng cao nhất cho mình. Các DN Việt Nam có thể đạt được nhiều thứ bằng cách tiếp nhận những năng lực cạnh tranh quốc tế dưới hình thức công nghệ, quản trị, hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển, tiếp vận và một danh mục sản phẩm/dịch vụ đa dạng thích ứng với thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, DN Việt Nam còn có cơ hội phát triển và điều chỉnh danh mục sản phẩm để trở nên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thông qua hệ thống phân phối của đối tác nước ngoài. Diễn biến trên thị trường vốn không mấy thuận lợi có thể tác động đến việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược, nhưng đó không phải là ảnh hưởng lớn nhất. Có thể công ty bạn không bán được giá như đã định nhưng khi có thêm các hỗ trợ kỹ thuật, thị trường mở rộng, năng lực cạnh tranh gia tăng, tất yếu giá cổ phần sẽ tăng. Nếu bạn e ngại, đối thủ cạnh tranh có thể chớp cơ hội và vượt lên. Kết quả là giá trị của công ty bạn giảm đi, trong lúc đối thủ ngày càng mạnh lên; khi ấy, cổ phiếu nào được giá có thể hình dung dễ dàng.

Để tăng thu hút đầu tư gián tiếp qua M&A, bản thân DN Việt Nam và cơ quan quản lý cần làm gì để tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà ĐTNN?

Hành lang pháp lý cho hoạt động M&A ngày càng được xây dựng rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn vướng, nhất là quy định về tỷ lệ góp vốn (thường được gọi là room cho nhà ĐTNN). Theo cam kết với WTO, Việt Nam chỉ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục... và ban hành danh mục ngành nghề cụ thể; nhưng đến thời điểm này, các DN vẫn ngầm hiểu, tỷ lệ tối đa chỉ dừng ở 30%. Trong nhiều lần gặp gỡ đối tác nước ngoài có quan tâm, chúng tôi khó có thể giải thích đầy đủ.

Hiện nay, mua cổ phần của DN Việt Nam chủ yếu là những tổ chức, tập đoàn nước ngoài. Trên thực tế, một số tỷ phú nước ngoài điều hành, sở hữu những công ty lớn muốn đầu tư vào Việt Nam trên danh nghĩa cá nhân, liệu điều này có được phép? Câu trả lời cũng chưa rõ ràng!

Về phần DN, khi đã có ý định tìm kiếm đối tác chiến lược, rất cần có sự chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp. Có những cuộc đàm phán, đối tác nước ngoài hỏi những vấn đề tưởng chừng hết sức vụn vặt..., chuẩn bị tốt các phương án, công ty của bạn sẽ ghi điểm. Và một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh, giá không phải là yếu tố quan trọng nhất vì ngoài nhu cầu vốn, DN Việt Nam cần gia tăng cạnh tranh ở công nghệ, nhân sự, năng lực quản trị...



http://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tintuc.php?nid=9710
Báo cáo phân tích thị trường