Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo xuất khẩu giá cao, DN vẫn than lỗ
17 | 03 | 2008
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất cao, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 15% so với tuần trước. Song, trước tình trạng USD mất giá và việc "lỡ" ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp khiến nhiều DN than thở bị thua lỗ. Theo dự báo của Bộ Công thương, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng này, do nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ nhiều nước trong khi sản lượng lương thực tại những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam có nguy cơ giảm do thời tiết diễn biến phức tạp.
Phải có 70% chân hàng mới được ký hợp đồng mới

Nhiều DN xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên vì giá USD liên tục giảm khiến những lô hàng xuất khẩu đã ký hợp đồng trước đó bị lỗ nặng. Theo Tuổi Trẻ, giám đốc một DN xuất khẩu gạo cho biết, đầu tháng 1/2008 đơn vị có ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines với mức giá trúng thầu khoảng 365 USD/tấn loại 25%. tấm. Khi đó, giá lúa chỉ 3.600 đồng/kg, giá USD được ngân hàng mua vào 15.890 đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm giao hàng hiện nay, giá lúa tăng vọt lên 4.500-4.600 đồng/kg, còn ngân hàng chỉ mua USD với giá 15.500-15.580 đồng. "Với lô hàng 10.000 tấn gạo, DN đã mất đứt hơn... 11 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do USD mất giá là hơn 1 tỷ và do giá đầu vào tăng là 10 tỷ đồng", vị giám đốc này nói.

Ngoài ra, trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex), cho rằng, một số DN xuất khẩu quá mải lo ký hợp đồng mới khi chưa đủ chân hàng. Đến nay, khi giá nguyên liệu cao mới lo thu mua, cộng với giá xuất khẩu tăng mạnh như hiện nay thì kêu lỗ là đương nhiên.

Về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood), cho biết, việc đồng USD trượt giá so với VND và lãi suất cho vay đối với các DN xuất khẩu gạo không thống nhất, thậm chí các ngân hàng còn gây khó dễ, không cho DN vay để mua lúa gạo dự trữ thì chiều 14/3, Bộ Công thương sẽ có buổi làm việc với các Hiệp hội, DN xuất khẩu chủ lực để thống nhất kiến nghị Chính phủ có các biện pháp tháo gỡ.

Riêng đối với các hợp đồng đã hết thời gian giao hàng, trong khi thương nhân nước ngoài không chịu đưa tàu vào bốc hàng thì Vietfood kiến nghị các DN không cho gia hạn tiếp, đảm bảo giao hàng xuất khẩu đã ký đúng hợp đồng, tránh thiệt hại.

Tuần tới, Vietfood sẽ ban hành quy chế về việc ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo, buộc các DN phải chứng minh được có 70% chân hàng trong kho mới được ký tiếp, sau khi đã tham khảo ý kiến của toàn bộ thành viên hiệp hội. Từ đầu năm tới nay, Hiệp hội cũng liên tiếp ra khuyến cáo về việc các thành viên nên cẩn trọng khi ký các hợp đồng giao mới do giá lúa gạo ở mức cao và còn tăng nữa.

Nông dân nên giữ hàng

Theo ông Phạm Văn Bảy, với mức giá gạo nguyên liệu như hiện nay, khoảng 4.500-4.600 đồng/kg, thì kể cả khi giá phân bón, xăng dầu tăng thì bà con vẫn siêu lãi, khoảng trên 50% giá thành, do chi phí không chiếm quá nhiều và việc tăng giá xảy ra khi đã bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, vụ lúa đông xuân 2007-2008, mức lãi ròng vụ đông xuân này của tỉnh tăng khoảng 30% so với vụ lúa đông xuân trước.

Ông Bảy dự đoán, cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trên thế giới được dự báo còn kéo dài, bà con nông dân nên giữ hàng, tránh bán ra ồ ạt, chờ giá lên.

Hiện hầu hết các công ty xuất khẩu gạo của của Việt Nam đã dừng chào bán hợp đồng xuất khẩu mới bởi giá tăng từng ngày, khiến cho việc xác định giá xuất khẩu cũng trở nên khó khăn. Các DN đang tập trung vào hợp đồng đã ký với Philippines.

Từ giữa tháng 2 đến nay, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng giá khoảng 50- 53% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 430-460 USD/tấn. Tuần này, tại TP.HCM và ĐBSCL, gạo 5% tấm giá 550 USD/tấn, tăng so với 480 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo 25% tấm cũng tăng từ 450 USD/tấn lên 520 USD/tấn.

Giá lúa trong nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trên thị trường trong nước, giá gạo bán lẻ cũng khoảng 9 triệu đồng (580 USD)/tấn tại TP.HCM và 11 triệu đồng/tấn tại Hà Nội.

Theo dự báo của Bộ Công thương, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng này, do nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ nhiều nước trong khi sản lượng lương thực tại những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam có nguy cơ giảm do thời tiết diễn biến phức tạp.

Trong hai tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 381.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 150 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và 78% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường