Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tín hiệu vui cho giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long
22 | 08 | 2008
Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những ngày này đang tăng dần sau khi các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc mua lúa tạm trữ.
Cùng với động thái này, Thủ tướng Chính phủ nâng mức giá xuất khẩu gạo tối thiểu chịu thuế tuyệt đối và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn mua lúa với lãi suất thấp...

Doanh nghiệp tích cực mua, nhưng…

Theo Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT), Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT - Bộ NN&PTNT - giá lúa tại thị trường trong nước đã tăng khoảng 12% so với trước, dao động ở mức 4.800-4.900 đồng/kg. Các cơ sở xay xát lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) tại các địa phương cũng đang tích cực triển khai thu mua. Cty Lương thực Tiền Giang thu mua thêm 40.000 tấn gạo; Cty Gentraco sẽ thu mua thêm 20.000 tấn gạo; TCty Lương thực miền Bắc cũng triển khai thu mua 300.000 tấn gạo; TCty lương thực miền Nam thu mua 660.000 tấn gạo… Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh thu mua lúa thì các DN đang đẩy mạnh mua vào. Ở cần Thơ, các DN mua khoảng 100 – 200 tấn gạo/ngày, một số DN mua từ 300- 400 tấn/ngày. Hiện giá lúa tăng phổ biến từ 4.600 – 5.100 đồng/kg, giá lúa khoảng 5.500 – 5.600 trở lên thì nông dân mới có lãi”.

Cty Lương thực Sông Hậu tại Cần Thơ đã nhập kho hơn 40.000 tấn gạo nguyên liệu và 5.100 tấn lúa. Mức giá thu mua của công ty dao động từ 5.850-6.100 đồng/kg/gạo. Đến hết tháng 9 tới, Cty sẽ mua thêm khoảng 40.000 tấn gạo nguyên liệu.

Ông Vương Đình Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang cho biết, DN của tỉnh mỗi ngày mua khoảng 3.000 tấn, phấn đấu thu mua tạm trữ khoảng 150.000 tấn. Lượng lúa hàng hóa trong dân còn khoảng 800.000 tấn, với tiến độ thu mua như hiện nay thì trong tháng 9 là thu mua hết. Cty Lương thực Tiền Giang đã thu mua 10.000 tấn gạo nguyên liệu, với giá dao động khoảng 5.900-6.100 đồng/kg. Ngoài việc trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 1.000 tấn gạo thì Cty đã chuẩn bị một số kho lớn cho nông dân mượn miễn phí để trữ lúa chờ được giá bán. Cty hợp tác với các đại lý huy động thêm kho để mua lúa. Cty cam kết sẽ thu mua tất cả lúa của dân gửi bất kỳ lúc nào theo giá thị trường, chậm nhất đến cuối tháng 8, tổng sản lượng thu mua sẽ đạt 40.000 tấn gạo nguyên liệu. Các DN tại tỉnh Đồng Tháp trong tháng 8 sẽ thu mua 660.000 tấn gạo (tương đương 1,32 triệu tấn lúa) để dự trữ. Tính đến trung tuần tháng 8 này, các DN trong tỉnh mới thu mua hơn 600.000 tấn lúa, bằng 50% sản lượng lúa của toàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết đáp ứng 1.500 tỷ đồng với mức lãi suất 18,5%/năm để các DN thành viên của TC ty lương thực miền Nam thu mua lúa cho nông dân.

Sau khi có những thông tin tích cực nâng đỡ giá lúa gạo thì thương lái và nông dân có vẻ như lại muốn găm hàng đợi giá lên thêm nữa nên lượng mua vào của doanh nghiệp không nhiều như mong đợi.

Còn Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) thông báo, các DN chưa đăng ký được hợp đồng xuất khẩu gạo thì vẫn được xem xét cho vay tạo nguồn hàng trước khi ký hợp đồng. Mức lãi suất cho vay thấp nhất mà các ngân hàng thương mại thành viên áp dụng là 19,5%/năm (thay vì 21%/năm trước đây). Ngân hàng NN&PTNT đã thông báo chuẩn bị 10.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 19,8%/năm…

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hừng – Phó Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết, các DN ngại vay vốn, vì lãi suất cao, theo tính toán, với lãi suất như hiện nay, DN dự trữ sẽ không có lãi.

Cùng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, các DN đang tích cực thu mua trong khi đầu ra cho lúa hơi khó. Lãi suất cao, thành ra các DN mua phải chịu lỗ lớn. Hiện nay, Kiên Giang đang phối hợp với Hiệp hội Lương thực tìm kiếm đối tác nhập khẩu. Trong khi giá thế giới giảm, cộng với lãi suất ngân hàng cao nên DN không mặn mà lắm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang bị ép?

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN kinh doanh xuất khẩu gạo đã có hợp đồng xuất khẩu cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng theo các hợp đồng đã ký. Đồng thời, có thể tăng thêm hạn mức xuất khẩu 100.000-200.000 tấn gạo giao ngay trong tháng 9. Tất cả những động thái trên đã làm tăng giá thu mua lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL.

Các chuyên gia thị trường nhận định, giá gạo thế giới sẽ ổn định ở mức 550-750 USD/tấn cho đến hết tháng 8 năm nay, bởi nhu cầu không cao nhưng chính sách về gạo của các nước xuất khẩu lớn sẽ kiềm chế giá giảm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 8,3% trong hai tuần qua do nguồn cung ở khu vực ĐBSCL tăng lên. Hơn nữa, nhu cầu gạo xuất khẩu của Việt Nam tại thời điểm này thấp vì mức giá sàn không thay đổi, 600 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Mức giá này hiện cao hơn so với giá thu mua khoảng 550-575 USD/tấn. Do vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn về giá khi thực hiện giao dịch trên thị trường. Vì vậy, các DN đang kiến nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam giảm giá sàn đối với gạo 5% tấm xuống còn 550 USD/tấn. Nếu động thái này được thực hiện, hoạt động xuất khẩu gạo dự kiến sẽ sôi động trở lại và lượng dư cung ở ĐBSCL cũng sẽ được giảm bớt trong vụ thu hoạch lúa hè thu.

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 575 USD/tấn. Các loại gạo 10% tấm và 15% tấm xuất khẩu cũng đang ở mức 575 USD/tấn. Gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 525 USD/tấn. Tính từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu 2,77 triệu tấn gạo, doanh thu 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, giá gạo thế giới vẫn đang có xu hướng giảm, tác động đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều đối tác nhập khẩu nắm được thông tin lúa gạo Việt Nam đang thu hoạch và dư thừa nên cũng ép giá./.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường