“Mẹo” cho DN xuẩt khẩu vào Mỹ thời suy thoái
23 | 05 | 2008
Sự sụt giảm của đồng đôla và suy thoái kinh tế Mỹ, vốn là bạn hàng lớn nhất, đang được xem là mối “đe doạ” đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Lê Xuân Dương, giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, mức tiêu dùng của Mỹ đang xuống rất thấp, khiến người tiêu dùng Mỹ phải tính toán kỹ hơn trước khi quyết định mua một mặt hàng nào đó. “Thay vì mua các đồ dùng, trang thiết bị có chất lượng cao, hàng hiệu và mốt, người tiêu dùng Mỹ đang tập trung hơn cả vào các mặt hàng có giá cả, chất lượng vừa phải và đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống.”- ông Dương cho hay. Minh chứng là doanh số bán hàng trong bốn tháng đầu năm của hãng Gafs - chuyên bán quần áo cao cấp ở Mỹ đã sụt giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi doanh số bán lẻ của hãng Wallmart – hãng bán lẻ của các mặt hàng phổ thông và có mức giá trung bình lại tăng lên. Đây cũng có thể xem như thế mạnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt, bởi đa số các sản phẩm sang thị trường Mỹ đều là hàng tiêu dùng có chất lượng, cộng thêm giá cả vừa phải. Theo chia sẻ của ông Dương, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh các mặt hàng có mức giá vừa phải, đánh vào tâm lý tiêu dùng đám đông của người Mỹ.Còn theo Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, các mặt hàng nên đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ thời gian này là: nông lâm thuỷ sản, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản. Theo một nghiên cứu, người Mỹ đang chuyển dần thói quen sử dụng đồ dùng, đồ trang trí nội thất trong gia đình bằng kim loại sang đồ dùng sử dụng vật liệu gỗ, mây tre. Thực tế cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ trong năm 2007 đã tăng khá nhanh. Đặc biệt hàng đồ gỗ và nội thất tăng trên 35% so với năm 2006, đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD.Mặt hàng nông sản cũng có xu hướng nhập khẩu tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2008. Ông Nguyễn Văn Tấn, giám đốc công ty Thương mại và chế biến thực phẩm Thông Tấn - đơn vị xuất khẩu sản phẩm rau quả sang thị trường Mỹ chia sẻ: “Khi tìm kiếm bạn hàng xuất khẩu rau hoa quả tại thị trường Mỹ, tôi rất ngạc nhiên trước sự tìm hiểu của họ. Người tiêu dùng Mỹ không những quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà còn tìm hiểu khá chi tiết về cách thức bao gói, chất liệu bao gói, thậm chí địa chỉ nơi trồng, chế biến…”. Bởi thế, với các khách hàng khó tính người Mỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp Việt cần lưu tâm tới.
Lời khuyên từ các chuyên gia Mỹ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là phải theo sát và nắm được diễn biến thị trường. Theo dự đoán của ông Joaquin Monserrate, Trưởng ban Kinh tế Đại sứ quán Mỹ: “Dầu thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Mỹ, tiếp đến là các mặt hàng nông lâm sản”.Tại hội thảo về khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ mới đây, các doanh nghiệp đều cho rằng: sự trợ giúp của Chính phủ vào thời điểm nhạy cảm này là rất cần thiết. Nhận định từ ông Joaquin: “Để giúp thúc đẩy xuất khẩu, các cơ quan của Chính phủ tại nước ngoài là một trong những địa chỉ quan trọng cho các doanh nghiệp”. Ông này dẫn ra ví dụ, với các doanh nghiệp Mỹ khi sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư hay xuất khẩu đều tìm đến với Đại sứ quán để có những thông tin cần thiết và chính xác nhất, từ đó giúp các doanh nghiệp có các quyết định đầu tư kịp thời và đúng nhất. “Điều quan trọng là sự sẵn sàng của các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như sự chủ động hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây” – ông Joaquin chia sẻ. Theo số liệu bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ bất chấp những khó khăn vẫn tăng trưởng khá khả quan. Điều này cho thấy mỗi doanh nghiệp xuất khẩu đều đã có chiến lược thích ứng và định hướng xuất khẩu riêng. Tuy nhiên, việc đồng USD đang đứng ở mức thấp so với các đồng tiền chủ chốt khác đang gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu bằng ngoại tế khác, nhưng khi xuất khẩu lại tính bằng USD. Bà Vũ Thị Kim Oanh, giám đốc công ty XNK mây tre Song Vũ chia sẻ: khi chúng tôi ký hợp đồng với các đối tác Mỹ tỷ giá chỉ 1 USD/16.050 đồng, đến khi xuất hàng thì tỷ giá này chỉ còn 15.900 đồng. Đương nhiên công ty bị giảm lợi nhuận. Bởi thế, theo bà Oanh, để hạn chế tác động do tỷ giá sụt giảm, các doanh nghiệp nên đàm phán với đối tác đẩy mạnh sang sử dụng các đồng tiền chủ chốt khác trong hoạt động giao dịch. Đối với các doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng giao dịch bằng đồng USD, nên xem xét tùy từng mức độ cụ thể để có những đàm phán với các đối tác về chia sẻ rủi ro, tránh sự thay đổi về giá quá lớn để giữ uy tín với khách hàng. Dự báo nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tiếp tục suy giảm, nếu không tìm cách thích ứng nhanh, các doanh nghiệp Việt rất có thể sẽ bị mất thị phần tại một trong những thị trường xuất khẩu màu mỡ nhất.
Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn