Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều rào cản với DN xuất khẩu gỗ
10 | 11 | 2008
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ 9 tháng đầu năm 2008 đạt khoảng 2 tỉ USD. Dự kiến, cả năm nay kim ngạch chỉ khoảng 2,8 tỉ USD, không đạt được kế hoạch ban đầu đề ra là 3 tỉ USD.
Theo thống kê, 20% doanh nghiệp (DN) gỗ có khả năng phá sản, 50% trụ được và 30% gặp khó khăn. Do ảnh hưởng của suy thoái, xây dựng ở Mỹ, EU, Nhật - ba thị trường nhập khẩu gỗ quan trọng của VN - sẽ giảm, kéo theo sức tiêu thụ mặt hàng gỗ giảm. Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thành, cho biết từ đầu năm 2008 đến nay, lợi nhuận của công ty giảm đều theo mỗi quý. Quý IV/2007 công ty đạt lợi nhuận 26 tỉ đồng, quý I/2008 còn 13 tỉ đồng, đến quý III thì chỉ còn hơn 2 tỉ đồng. Mỹ, EU, Nhật đang chật vật chống chọi với suy thoái kinh tế nên khoảng 95% DN xuất khẩu VN gặp khó khăn do đối tác hủy hoặc cắt giảm hợp đồng. Đa số khách chỉ đặt hàng bằng 30% - 60% so với các hợp đồng cũ. Có nhiều trường hợp, hàng đang sản xuất hoặc đã mở L/C rồi nhưng phía đối tác vẫn thông báo giảm phân nửa, DN cũng phải chấp nhận. Nhiều DN xuất khẩu gỗ cho hay do chi phí vốn quá cao, giá hàng gỗ xuất khẩu của VN cao hơn các nước khác, khó cạnh tranh để giành đơn hàng. Thậm chí, đến nay, giá một số mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu VN còn đắt hơn cả hàng gỗ sản xuất ngay tại Mỹ.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, đầu năm 2008, ngân hàng siết cho vay ngoại tệ và áp dụng lãi suất cao, nhiều DN nhỏ và vừa không có tiền nhập gỗ nguyên liệu. Các DN lớn nhập nguyên liệu số lượng lớn về bán lại cho DN nhỏ và vừa. Nay xuất khẩu bị đình trệ, hợp đồng mua hàng giảm 30% - 40% nên cả DN lớn lẫn nhỏ đều bị chôn vốn. Hiện còn khoảng 500.000 – 600.000 m3 gỗ nguyên liệu tồn ở các cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, chưa kể lượng gỗ tồn kho tại các DN...

Tuy nhiên, theo ông Quyền, khó khăn lớn nhất mà DN xuất khẩu gỗ phải đối mặt sắp tới là đạo luật Lacey của Mỹ và Hiệp định Đối tác tự nguyện của EU (có hiệu lực từ năm 2009), thắt chặt hơn việc quản lý nguồn gốc sản phẩm gỗ. Ngoài ra, Mỹ và EU còn đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận FSC, một tiêu chuẩn khắt khe và không dễ áp dụng đối với thực trạng trồng rừng tại VN. Đây là những rào cản kỹ thuật mới do Mỹ và EU dựng lên, trong khi DN VN trước nay nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Myanmar, Lào, Campuchia... thường không có nguồn gốc rõ ràng, không đáp ứng các điều kiện của Mỹ, EU đề ra. “Nếu vượt qua được các rào cản kỹ thuật này, chất lượng sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì DN xuất khẩu gỗ mới hy vọng “sống tốt” – ông Quyền khẳng định.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường