Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đối mặt nhiều thách thức
16 | 10 | 2008
Theo Bộ Công thương, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2008 sẽ đạt 3 tỉ USD, đứng thứ 5 trên thế giới và thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu đã đặt ngành xuất khẩu này của Việt Nam trước không ít khó khăn khi xuất khẩu vào hai thị trường lớn là Mỹ và EU.
Nhiều áp đặt từ Mỹ và EU

Tại hội thảo "Thay đổi thị trường gỗ TG và hành động của ngành chế biến gỗ VN" do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam (IUCN) tổ chức ngày 14/10/2008, nhiều định luật mới từ hai thị trường lớn là Mỹ và EU đã được đề cập. Đó chính là những rào cản cho các nhà xuất khẩu đồ gỗ trong nước.

Theo Hiệp định “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) do EU khởi xướng, tất cả các chuyến hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc. Cơ quan cấp phép cũng sẽ kiểm tra từng doanh nghiệp cụ thể xem hệ thống kiểm soát các chứng từ gốc của doanh nghiệp có đảm bảo tính hợp pháp hay không. Tất cả những hành động này nhằm chống lại việc khai thác gỗ lậu, hủy hoại môi trường sinh thái.

Tại Mỹ, đạo luật Lacey vừa được ban hành, bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay và đầu năm sau cũng thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Căn cứ đạo luật này, hành động lấy gỗ, khai thác, sở hữu, vận chuyển, bán hoặc xuất khẩu không tuân thủ quy định của luật pháp ở bất cứ quốc gia nào cũng được xem là vi phạm tại Mỹ.

Cục Tư pháp Mỹ khuyến cáo, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam chủ yếu được nhập từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar… thường không rõ ràng về nguồn cung cấp. Vì vậy, khi xuất khẩu vào Mỹ, nhiều khả năng những nhà sản xuất, xuất khẩu và bán lẻ đồ gỗ có nguồn gốc đáng nghi ngờ từ Việt Nam có thể bị chính phủ nước này tịch thu hàng, phạt tiền hoặc thậm chí bị bỏ tù theo luật mới sửa đổi của Mỹ.

Theo Cục Tư pháp Mỹ, để hạn chế rủi ro, các DN không nên phụ thuộc vào các cam kết bảo đảm trên giấy tờ, không nên đơn thuần phụ thuộc vào chứng chỉ về tính hợp pháp của xuất xứ gỗ. DN cần phải xây dựng hợp đồng để bảo vệ lợi ích tài chính, phải ký kết ràng buộc bồi thường nếu xảy ra thiệt hại từ hoạt động kiểm tra của Chính phủ Mỹ.

Mỹ và EU cũng là hai thị trường đòi hỏi các nhà xuất khẩu đồ gỗ phải có chứng nhận FSC, một tiêu chuẩn khá khắt khe và không dễ áp dụng đối với thực trạng rừng trồng ở Việt Nam.

Vì vậy, theo các DN xuất khẩu đồ gỗ, việc phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường Mỹ, EU khiến các DN Việt Nam thời gian qua luôn bị o ép, gây khó khăn. Vì vậy, tới đây, các nhà xuất khẩu gỗ sẽ mở rộng thị trường sang Nga, Đông Âu và Trung Đông bên cạnh các thị trường truyền thống.

30% rừng được chứng nhận vào năm 2020 là khó khả thi, nếu...

Mặc dù cả nước hiện có 3 triệu ha rừng nhưng các nhà chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trong nước đã phải nhập đến 80% gỗ nguyên liệu. Điều này không chỉ phản ánh sự không ổn định về nguyên liệu mà còn cho thấy giá trị gia tăng của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam không cao. Đó là chưa kể các thông tin về gỗ nhập khẩu khó lòng đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Có thể nói, không phải đến tận bây giờ ngành gỗ mới nhận ra điều này nhưng việc khắc phục lại không dễ. Theo ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, hiện cách giao rừng cho dân quá manh mún nên rất khó áp dụng tiêu chuẩn FSC. Theo ông Thành, trung bình mỗi hộ dân chỉ được giao 2-4ha rừng với kích thước chiều ngang 10m, chiều dài vài km. Do vậy, không dễ để nhóm các hộ dân có rừng lại với nhau để có một diện tích rừng khả dĩ có thể làm chứng nhận FSC được.

Vì vậy, nếu không có biện pháp cải thiện, thì mong muốn có 30% rừng được chứng nhận vào năm 2020 là khó khả thi.

Do đó, trước mắt, các DN vẫn phải tiếp tục nhập khẩu gỗ có chứng nhận FSC và tìm kiếm nguồn gỗ đã được kiểm soát. Tuy nhiên, về lâu dài, phải đẩy mạnh trồng rừng và làm chứng nhận cho rừng. Song, để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách của Chính phủ.

Tại cuộc thảo luận nhóm chiều 14/10, nhóm các DN chế biến, xuất khẩu gỗ cho rằng, cần đẩy mạnh diện tích rừng trồng thông qua 3 nguồn chính: Nhà nước đầu tư trồng rừng, huy động rừng trồng trong nhân dân và DN tự trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu.

Đối với rừng trồng do Nhà nước đầu tư, các DN cho rằng cần chú trọng đến hiệu quả kinh tế chứ không phải làm theo kiểu phong trào: "mười cây chết chín, một cây gật gù". Với rừng do dân tự trồng, cần chấm dứt cảnh trồng manh mún, mỗi người một thửa đất bé tí vì không khai thác tối đa giá trị của gỗ. Đồng thời, để tăng hiệu quả kinh tế, cần hướng dẫn người dân xen canh các loại hoa màu phù hợp để tăng hiệu quả sử dụng đất. Riêng với rừng do DN tự trồng, Nhà nước cần hỗ trợ để có vùng nguyên liệu tập trung, vốn đầu tư cũng như nghiên cứu giống cây trồng phù hợp.

Theo nhóm DN này, nếu không làm sớm việc trồng rừng và chứng nhận FSC cho rừng, trong tương lai không xa, các tập đòan nước ngoài sẽ rất sẵn lòng làm thay.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường