Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN đang rất cần chiếc phao giữa dòng nước xiết
22 | 08 | 2008
Kinh tế khó khăn là cơ hội để tái cơ cấu, sàng lọc DN, loại DN yếu ra khỏi thị trường, nhường đất cho DN khỏe mạnh. Nhưng nhà nước cũng cần cho DN mượn chiếc phao giữa dòng nước xiết, không để cuốn trôi cả những hạt nhân tốt, tạo nên những cái chết vạ lây, oan uổng.
>> Hậu cái chết của DN tư nhân: giải quyết ra sao?

"Tự do và tự lo" trước 3 chấn động

"Tự do và tự lo" - Ts. Nguyễn Quang A đã dùng cụm từ này để mô tả về thực tế đa số người lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tự xoay xở tìm nghề sống, hơn là trông chờ vào một sự hướng dẫn, định hướng hay cưu mang. Soi vào DN dân doanh trong thời lạm phát, phần "tự lo" vẫn là cơ bản, mặc dù cái lo ấy là "tự lo" trong "tự do có khuôn khổ", là hệ thống chính sách và điều kiện thực tế thị trường.

Qua thực tế khảo sát ở nhiều địa phương, gặp nhiều DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, hiện nay, có đến 70% các DN vừa và nhỏ đang ở tình trạng rất khó khăn.

Theo bà Chi Lan, các DN đang phải đối mặt với 3 chấn động lớn: đầu vào, tín dụng và thị trường, trong đó bà nhấn mạnh hai nhân tố tín dụng và thị trường.

Về tín dụng, trong khi không DN nào tự mình đủ tiền để kinh doanh, với thắt chặt tín dụng, nguồn tín dụng vừa hiếm, vừa khó tiếp cận lại chi phí cao, gây khó cho DN vừa và nhỏ. Thậm chí có DN tính có thể chịu được mức phí tín dụng đó thì vẫn khó tiếp cận vay vốn. Phần ưu ái cho tiếp cận tín dụng vẫn là DNNN và các DN lớn.

Bản thân các Ngân hàng nhỏ, ngân hàng tư nhân thường cho DN dân doanh vay vốn cũng gặp nhiều khó khăn hơn các ngân hàng thương mại nhà nước, do đó càng làm khó khăn thêm cho các DN dân doanh.

Kí được hợp đồng, có khả năng xuất khẩu hàng, nhưng DN đành ngậm ngùi chịu cảnh không vốn để sản xuất, cung cấp hàng.

Về thị trường, sức mua thị trường kém đi. Các DN buộc phải tính toán rất kỹ việc bán ra sản phẩm gì, cho đối tượng khách hàng nào, để phù hợp nhất với túi tiền người tiêu dùng. Điều đáng mừng là một số thị trường xuất khẩu vẫn làm được, dù vẫn khó về đầu vào và cạnh tranh xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, DN đã "tự giác" làm nhiều việc. Nói như bà Phạm Chi Lan, "không cần ai "dạy khôn" DN vào lúc này. Họ đủ năng động để tự thay đổi mình phù hợp với điều kiện mới".

Nhiều DN thu hẹp lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tập trung lĩnh vực sinh lời nhất, và thu hẹp những lĩnh vực khác.

Các DN hợp tác, gắn bó với nhau theo hướng chuyên môn hoá, sát cánh với các DN cùng ngành, hoặc có ngành liên quan chia sẻ kinh nghiệm cùng vượt khó", bà Chi Lan nói. Không cần đợi nhà nước kêu gọi tiết kiệm, các DN đã "tiết kiệm hết sức", "ở mức kịch trần rồi".

Theo Ts. Nguyễn Quang A, trong bối cảnh hiện nay, "không thể đòi một năm 20% lợi nhuận ròng như trước, DN chỉ cần duy trì được, giữ được công việc cho nhân công đã là một nỗ lực lớn".

Dù lo lắng cho "sức khỏe" của DN trong bão lạm phát nhưng các chuyên gia đều lạc quan về sự năng động và sáng tạo của khu vực kinh tế này. Đây vẫn là khu vực sáng sủa nhất của nền kinh tế này, ngay cả khi bị khối DNNN chèn lấn. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 2/3 GDP, 70% sản lượng công nghiệp và 90% sản lượng nông nghiệp.

Ts. Quang A nói: "DN vừa và nhỏ có sức sống dai lắm, không chết được đâu". Theo ông, sẽ không có hiện tượng phá sản hàng loạt với các DN dân doanh.

Chia sẻ góc nhìn này, ông Nguyễn Trần Bạt, TGĐ InvestConsult Group nói, cần xem khu vực tư nhân như các dạng năng lượng khác nhau, sẽ không biến mất mà chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, lưu chuyển lẫn nhau. DN này biến mất nhưng thực tế, lực của DN này lại được nhập thêm vào DN khác.

Tái cấu trúc nhưng không để chết oan

Ts. Quang A cho rằng, Việt Nam cần xem tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế. "Kinh tế và DN tiêu điều là lẽ đương nhiên. Cái được lớn nhất của điều kiện khó khăn là giúp sàng lọc DN... Các DN vốn yếu sẽ chết hẳn, những DN khoẻ sẽ mạnh lên".

"DN vừa và nhỏ có sức sống dai lắm, không chết được đâu". Ảnh minh họa: xomnhiepanh.com


Như Ts Lê Đăng Doanh từng nói, đó là sự tàn phá sáng tạo. Về mặt lý thuyết, điều kiện hiện nay giúp sàng lọc những DN yếu khỏi thị trường, dành chỗ cho các DN mạnh hơn. Những DN vốn yếu, sức cạnh tranh không cao, trong điều kiện kinh tế khó khăn, họ không còn cơ để tồn tại. Cái chết ấy là cần thiết và tất yếu.

Theo quan sát của bà Chi Lan, trụ lại được và tiếp tục phát triển, dù chậm hơn so với trước, là những ngành có thị trường xuất khẩu: dệt may, thủy sản... bởi thị trường xuất khẩu vẫn còn đó. Sức nặng, quy mô của thị trường Việt Nam ra bên ngoài không quá lớn đến mức người ta buộc phải giảm tiêu dùng hay thu hẹp thị trường. Nhìn vào doanh số xuất khẩu sang thị trường Mỹ của các DN Việt Nam có thể thấy rõ. Hơn nữa, khu vực này lại được nhà nước quan tâm, lên tiếng bảo vệ, do đó đỡ khó khăn nhất.

Ngành sản xuất các mặt hàng tiêu dùng sẽ khó khăn nhất, do sức mua giảm mạnh, kể cả thực phẩm chế biến. Khu vực cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất sức mua cũng giảm nhiều, ví dụ sản xuất vật liệu xây dựng, sức mua giảm nhanh chóng khi mức đầu tư giảm, nhu cầu sử dụng dịch vụ xây dựng xuống.

Trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và khu vực dân doanh, điều khiến các chuyên gia quan ngại là việc sẽ có những cái "chết oan", "chết vạ lây" trong một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, lại áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính can thiệp như thời gian qua.

Sẽ có những DN vẫn còn khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển, trong khó khăn cũng không qua nổi, thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Dòng chảy của cơn bão lạm phát quá xiết, cuốn đi cả những hạt nhân tốt của nền kinh tế, nhất là trong khu vực dân doanh.

Đáng ra số DN này có thể tồn tại và là những hạt nhân tốt thì bị chết đứng trong khi có DN đáng lẽ nên để chết, nhất là các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, nhân dịp này nên để phá sản, giải thể, dành phần tài sản cho xã hội và người khác làm thì vẫn tồn tại. Với những động thái vừa qua, người dân có cảm tưởng, người ta có tư tưởng muốn cứu và sẵn sàng cứu các DN đang thua lỗ đó hơn, bà Lan chua xót nói.

Nhà nước cho thuê, mượn "phao" để khỏi chết oan

"Không cần bảo DN làm gì, Nhà nước chỉ cần tạo chính sách, cơ chế, môi trường để DN tự đào thải và vươn lên... Khu vực tư nhân năng động tới mức tự nó có thể phát triển và phát triển mạnh nếu cho không gian để họ sống và cạnh tranh bình đẳng".

Nhà nước phải hiểu khu vực nào đang gây hoạ và khu vực nào cần được ưu ái hơn, thay vì bị chèn ép trong đối xử, từ đó tìm cách chặn nguồn lực của khu vực gây hoạ, hỗ trợ cho khu vực có tiềm lực nhưng đang gặp khó khăn để họ vượt qua khúc quanh này.

"Điều này cũng giống như việc một người sắp chết đuối, nhà nước cho mượn hoặc cho thuê một cái phao để sống sót, cho họ một điểm neo để không bị dòng nước xiết cuốn trôi", Ts. Quang A nói.

Đơn cử, khu vực nào năng động, nhiều người làm, và làm ra phải tạo điều kiện để tiếp cận vốn. Nhà nước có thể trích ra 5000 tỷ để hỗ trợ về lãi suất cho đối tượng này. Hình thức hỗ trợ có thể là bù 3-4% lãi suất, để ghi nợ 5-7 năm sau sẽ hoàn trả. Chỉ là một món tiền nhỏ nhưng có thể là đòn bẩy để giúp DN vượt ngưỡng.

Tái cấu trúc nhưng không có những cái chết oan. Ảnh minh họa: adt.com.vn


Với khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm, nhà nước cần lo trợ vốn cho họ, ví dụ như ngành dệt may, giầy dép. Hãy vì một ngàn công nhân mà giúp vốn duy trì công việc.

Tiếp cận nguồn vay là điều DN cần nhất hiện nay. Với lãi suất này, người làm ăn nhỏ còn đi vay nóng mỗi tháng lãi suất 6-7% vẫn sinh lời. Nông dân nếu có vốn, được một lứa chăn nuôi, một năm có thể đạt 40% lãi là bình thường, mặc dù không tránh khỏi rủi ro trong thời gian đầu tư ấy... Nhà nước cần hỗ trợ để DN không còn phải đứng trước cảnh có hợp đồng mà đành ngậm ngùi đóng cửa.

Hơn nữa, bản thân việc nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trên một sân chơi bình đẳng cũng là cách trực tiếp giúp cho DN dân doanh gỡ được một gánh nặng đè lên, chèn lấn sự phát triển của khối này.

Rất nhiều DN đang dành sức tương lai, và mục tiêu trước mắt chỉ là duy trì để vượt qua giai đoạn này. Họ tin chỉ 1-2 năm nữa, nền kinh tế sẽ tốt hơn, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng nhất lúc này là họ cần một cái cọc để neo giữ giữa dòng nước xiết.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường