Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam trong bão tài chính thế giới
24 | 09 | 2008
Tuần trước, các ngân hàng nước ngoài tại VN là người cung USD cho các ngân hàng VN, vậy mà vài ngày gần đây, cũng chính các ngân hàng này chỉ mua USD vào và không bán ra - Ts. Nguyễn Quang A trích báo cáo của Dragon Capital để minh chứng cho khó khăn về nguồn vốn tín dụng đối với VN dưới tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ.
>> Toàn cảnh khủng hoảng kinh tế Mỹ
>> "Tsunami tài chính Mỹ" và bài học cho Việt Nam

Ts. Nguyễn Quang A:
So với cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933, cuộc khủng hoảng tài chính lần này có quy mô tương đương, nhưng mức lây lan sẽ lớn hơn rất nhiều và có những điểm khác biệt rất xa so với cuộc đại khủng hoảng.

Trong đại khủng hoảng, sự hiểu biết của các nhà điều tiết về hệ thống kém xa bây giờ và sự can thiệp cũng không được như bây giờ. Một cuộc đại suy thoái như thời 1929 - 1933 khó có thể xảy ra.

So với đại suy thoái, cuộc khủng hoảng lần này biên độ sẽ bớt đi, trường độ sẽ ngắn lại, nhưng các cuộc khủng hoảng xảy ra với mức độ dày đặc hơn.

Chuyện khủng hoảng này đã được Soros đưa ra bức tranh chung từ tháng 4/2008 nhưng không dự báo được chính xác thời điểm và mức độ. Những phân tích của Soros về khủng hoảng mới dừng ở định tính, chưa đạt ở mức định lượng.

Thế giới hắt hơi, VN đã run lên. Đơn cử, trong ba ngày liên tiếp, chỉ số VN-Index giảm mỗi ngày trên 4%. Khi có những chuyển hướng tích cực, VN-Index của tăng theo.

Nhiều người cho rằng khủng hoảng đang ở tầm xa, do đó, ảnh hưởng tới VN không lớn, tuy nhiên, theo tôi, mức độ ảnh hưởng tới VN không nhỏ, thông qua nhiều điểm, mà trước hết là ảnh hưởng tâm lý.

Vấn đề cốt lõi của VN là sự “hụt hơi” trong khả năng tăng tính cạnh tranh. Tính cạnh tranh không tăng thì không sản xuất được sản phẩm tinh hơn, để có được giá trị gia tăng cao hơn, như vậy mức thu nhập thực tế cũng không tăng. - ông Trần Sĩ Chương, nguyên cố vấn kinh tề và ngân hàng Quốc hội Mỹ

Thị trường tài chính VN nhỏ bé và được cho là lạc hậu, kém phát triển so với các nước. Các khoản vay thế chấp chưa được chứng khoán hóa, đưa ra quay vòng trên thị trường tài chính nhiều như các nước. Nhiều tầng phái sinh, nhiều công cụ phái sinh trong thị trường tài chính chúng ta chưa biết, chưa học được, chưa có ý định và chưa có hoạt động. Nhưng đó lại là điều may với VN, tránh cho VN rơi vào vực thẳm của khủng hoảng tín dụng như nhiều nước khác.

Tuy nhiên những ảnh hưởng, rủi ro, tác động qua vốn, tín dụng và đầu tư cũng như xuất khẩu và tâm lý không nhỏ. Các ngân hàng nước ngoài còn lo tích trữ vốn, không cho nhau vay, thì việc Việt Nam khó mua USD không có gì làm lạ.

Báo cáo mới nhất của Dragon Capital cho biết, tuần trước, các ngân hàng nước ngoài tại VN là người cung USD cho các ngân hàng VN, vậy mà vài ngày gần đây, cũng chính các ngân hàng này chỉ mua USD vào và không bán ra

Thị trường tài chính Mỹ gặp khó, ảnh hưởng tới nền kinh tế thực bên dưới, đánh vào tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng tới xuất khẩu của VN.

Tỉnh táo theo dõi, phản ứng linh hoạt

Thời gian qua, VN đã mở cửa thị trường tài chính khá nhanh và mạnh dạn, nhưng đồng tiền VN chưa phải là đồng tiền chuyển đổi. Nếu đã là chuyển đổi, thì với những diễn biến kinh tế trong khoảng từ cuối năm 2007 đến nay, VN đã có chấn động lớn với toàn bộ nền kinh tế.

Với hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa được cấp phép vào VN, theo tôi đó là điều tốt. Các ngân hàng đó vào sẽ tạo sự cạnh tranh lớn với các ngân hàng Việt Nam, cả quốc doanh và tư nhân. Sức ép cạnh tranh ấy tốt cho bản thân hoạt động của các ngân hàng VN.

Trong hoàn cảnh khó khăn, ai nghĩ VN cần đóng cửa thị trường tài chính sẽ là phiến diện. Khi mở cửa, sẽ có những hoạt động tác động tiêu cực, phải giám sát, kiểm soát chặt nhưng không nên cấm và không thể cấm. Trong hội nhập, lựa chọn cùng hoạt động và cạnh tranh là duy nhất. Nếu quay trở lại bế quan tỏa cảng, cấm các ngân hàng nước ngoài vào không thể tồn tại trong thời đại này. Bản thân điều đó cũng không phải là lợi ích của chính VN.

Tâm lý của người dân có thể còn quan trọng hơn một cuộc khủng hoảng thực sự. Điều cần tránh cho hệ thống tài chính là sự hoảng loạn của người dân trước các diễn biến kinh tế. - ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam.
Cựu Giám đốc Fed Alan Greenspan cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng 100 năm mới có một lần. Còn theo G. Soros, chúng ta vẫn chưa vào tới tâm bão. Tình hình sẽ còn những diễn biến phức tạp. VN cần tỉnh táo theo dõi, phản ứng linh hoạt. Điều cần nhất là phải đưa ra các kịch bản và có phương án hành xử cho VN để giảm thiểu tác hại và rủi ro.

Những biến động vừa qua với VN là hồi chuông cảnh báo để có những chuẩn bị tốt hơn đối phó với tình hình. Khi khủng hoảng nổ ra ở các nước ngoại vi những năm 1980s, 1997, các trung tâm tài chính ép các nước ngoại vi hành xử theo thị trường, áp dụng các công cụ thị trường. Trong khi đó, khi khủng hoảng nổ ra ở trung tâm, họ ngay lập tức can thiệp và can thiệp một cách hiệu quả. Đó là bài học VN nhìn vào để xem xét trong xử lý.

Hành xử thận trọng, nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh cải cách để tránh vết xe đổ

Chuyên gia kinh tế Ts. Lê Đăng Doanh
: Chúng ta cần đặc biệt lưu ý tác động của khủng hoảng tới VN. Tôi tin rằng ở VN chưa ai đầu tư vào Leathman Brothers, AIG... chí ít là các ngân hàng thương mại không gửi tiền trực tiếp vào đó. AIG ở VN chí ít vẫn chưa sập và có lẽ không sập.

Tuy nhiên, diễn biến khủng hoảng vẫn còn tiếp tục. Chúng ta phải theo dõi tiếp. Có những thông tin cho thấy Morgan Stanley có dấu hiệu phải xử lý.

Khủng hoảng từ Mỹ tác động sang các nước lớn, trong đó ảnh hưởng sang Nga kinh khủng nhất. Nga đóng cửa TTCK 2 ngày, mà nay nếu có mở lại, chắc vẫn sập. Nga đã "tiếp máu" cho thị trường, bơm vào 47 tỷ USD mà chưa thấm tháp vào đâu. VN cần theo dõi và phân tích thêm.

Khủng hoảng tác động tới VN trước hết qua vốn đầu tư gián tiếp. Trước đây, các DN bắt đầu rút vốn, nay, việc đầu tiên đặt ra có lẽ là khả năng giải ngân khoản đầu tư 47 tỷ USD cam kết sẽ có nhiều khó khăn.

Về xuất khẩu, tất cả người Mỹ đều là cổ đông, đầu tư vào chứng khoán, không ai để tiền dưới gối. Khủng hoảng tài chính đánh vào từng người Mỹ, họ đều cảm thấy đau lắm. Do đó, nó sẽ tác động ít nhiều đến xuất khẩu của VN dù ta còn khả năng điều chỉnh, vì thị phần của Mỹ chưa quá lớn.

Lựa chọn cho VN lúc này là hành xử thận trọng, nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh cải cách. Trước, ta chỉ phơi phới tăng số lượng, bây giờ cần đẩy mạnh giám sát, thông tin, áp dụng tiêu chí... để tránh lập lại các vết xe đổ của khủng hoảng.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường