Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các siêu thị kiểm tra nghiêm ngặt đầu vào mặt hàng sữa
26 | 09 | 2008
Ngày 25.9, Báo Lao Động nhận được công bố thông tin về chất lượng sản phẩm và nguồn nguyên liệu chế biến sữa của Cty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) và Cty CPTP dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood).
Theo ông Trần Bảo Minh - Phó TGĐ Cty Vinamilk: "Tất cả nguyên vật liệu của Vinamilk đều nhập khẩu trực tiếp từ các nước Châu Âu, Mỹ và New Zealand, được bảo đảm 100% an toàn theo các tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt của Mỹ và khối các nước cộng đồng Châu Âu.

Tuy nhiên, trước tình hình người tiêu dùng (NTD) VN đang lo lắng và hoang mang về các sản phẩm sữa Trung Quốc bị nhiễm melamine và để đảm bảo không có bất cứ một rủi ro nào cho NTD, Vinamilk đã chủ động gửi mẫu của tất cả nguyên vật liệu đầu vào và thành phẩm, kể cả các dòng sản phẩm sữa tươi 100% sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM để kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm là không có melamine trong bất kỳ nguyên vật liệu và thành phẩm nào của Vinamilk".

Các phiếu kết quả kiểm nghiệm được gửi đến các cơ quan thông tấn và đăng tải trên website của Vinamilk. Cty Nutifood khẳng định một số thông tin liên quan đến vấn đề chất lượng nguyên liệu chế biến sữa.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó TGĐ Cty Nutifood - nói: Cty Nutifood cam kết Cty Hoàng Lâm (đơn vị bị Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhập hàng chục tấn sữa nguyên kem từ Cty Weihai Jinbao Dairying Trung Quốc - PV) không phải là nhà cung cấp sữa nguyên liệu cho Nutifood và giữa hai bên chưa bao giờ có giao dịch mua bán lô hàng sữa nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cty Nutifood khẳng định tất cả nguồn nguyên liệu sữa hiện đang đưa vào sản xuất bột sữa tại Cty đều nhập khẩu từ New Zealand, Australia và Đan Mạch đảm bảo 100% các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Châu Âu và Mỹ. Tất cả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường đều đã đăng ký chất lượng và cấp chứng nhận từ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm".

Trong khi đó, trước tình hình bất ổn về ATVSTP của mặt hàng sữa và các sản phẩm dùng sữa làm nguyên liệu, các siêu thị tại TPHCM bắt đầu chiến dịch kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào của ngành hàng này.

Bà Phạm Thị Thanh Tuyền - GĐ tiếp thị hệ thống siêu thị Saigon Coop - cho biết: "Saigon Coop đã thông báo yêu cầu nhà cung cấp hàng phải cung cấp phiếu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tiến hành gần đây nhất cho Saigon Coop vào hạn chót là 30.9. Cả hàng nhập khẩu lẫn hàng đóng gói tại VN sử dụng nguyên liệu sữa nhập khẩu đều phải xuất trình những giấy tờ chứng nhận theo đúng quy định".

Còn hệ thống siêu thị Maximark thì có kế hoạch kiểm nghiệm xem có melamine hay không trong một số mẫu sản phẩm thực phẩm đang kinh doanh tại siêu thị.

TP.Hồ Chí Minh: Nhiều lô sữa Trung Quốc đã được tiêu thụ chế biến bánh ngọt. Ngày 25.9, Chi cục QLTT TP đã kiểm tra nhiều địa điểm, truy tìm việc tiêu thụ của lô sữa bột Trung Quốc mà Cty Hanoi milk đã nhập về VN trước đây. Cty bánh kẹo Phạm Nguyên - số 6/13 đường Trần Đại Nghĩa, P.Tân Tạo, quận Bình Tân đã mua 7 tấn sữa bột có nguồn gốc Trung Quốc từ Cty CP hoá chất Á Châu.

Đội QLTT quận Bình Tân kiểm tra thì lượng sữa bột này chỉ còn tồn khoảng 800kg do đã chế biến. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng của lô sữa này.

Tại cơ sở sản xuất bánh Đức Phát - số 3B Cao Thắng - nơi đã mua 1 tấn sữa bột Trung Quốc của Cty CP hoá chất Á Châu, hiện số hàng này đã được sử dụng chế biến, không còn tồn.

Tại kho hàng của Cty Á Châu tại KCN Lê Minh Xuân, Đội QLTT huyện Bình Chánh phát hiện hơn 200 mặt hàng trong đó có sữa bột, hoá chất với số lượng hàng trăm tấn, nhưng chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ. Vụ việc được tiếp tục làm rõ vào ngày 26.9.
M.Thoa

* Long An: Phát hiện sữa không đạt chất lượng. Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh và Đội QLTT số 3 - Chi cục QLTT tỉnh vừa kiểm tra và tạm giữ 90 hộp sữa nhãn hiệu "AC Food" do có dấu hiệu không bình thường. Số sữa trên được bày bán tại cơ sở phân phối hàng tạp hóa Mai Dung (phường 4, thị xã Tân An).

Kết quả giám định của Bộ Y tế cho thấy, số sữa trên không đạt chất lượng như đăng ký ghi trên nhãn mác. Theo khai nhận, đã có hàng chục ngàn hộp sữa loại này được bán ra thị trường.

Kỳ Quan

* Cà Mau: Hơn 40 gói sữa bột có xuất xứ từ Trung Quốc
. Tin từ Cơ quan QLTT tỉnh ngày 25.9, trong đợt ra quân đầu tiên kiểm tra chất lượng sữa trên địa bàn tỉnh, Đội QLTT số 1 đã phát hiện hơn 40 gói sữa bột mang nhãn hiệu "Con Bướm" có xuất xứ từ Trung Quốc. Đội đã niêm phong, tịch thu toàn bộ số sữa này. Cà Mau sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt mặt hàng sữa và sản phẩm làm từ sữa.

N.H

* Đà Nẵng: Cty Thanh Chung nhập 1 tấn sữa không rõ xuất xứ. Trưa 25.9, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất kem Thủ Đô (lô 11A, P1, đường số 5, KCN An Đồn) phát hiện cơ sở còn tồn 30kg sữa (Non Dairy Creamer) không rõ nguồn gốc.

Lực lượng QLTT đã kiểm tra Cty Thanh Chung và phát hiện trong chứng từ, hoá đơn, Cty đã nhập 1 tấn sữa nhãn hiệu trên từ Cty Á Châu tại 364 Cộng Hoà, TPHCM từ trước đó. Mặc dù các sản phẩm trên được khai báo là nhập khẩu, nhưng không có đơn vị sản xuất, hàm lượng, xuất xứ.

Cty Thanh Chung chỉ đăng ký kinh doanh máy móc, thiết bị, vật liệu điện, nhưng lại nhập khẩu sữa để phân phối. Hiện nay, 800kg sữa còn lại mà Cty đã nhập vẫn chưa được khai báo. Chi cục QLTT đã tiến hành lấy mẫu sữa và đưa đi giám định chất lượng.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường