Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An toàn thực phẩm TQ: Vấn nạn kinh niên
25 | 09 | 2008
Mấy năm qua, Trung Quốc phải liên tục xử lý hậu quả các vụ liên quan thực phẩm, đồ chơi trẻ em không an toàn. Vụ sữa bột Tam Lộc nhiễm độc đã trở thành mối quan tâm trong nước và quốc tế mới nhất.
Ngày 19/9, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chỉ trích thái độ vô trách nhiệm của các chính quyền địa phương liên quan những tai nạn lao động nghiêm trọng và vấn đề an toàn thực phẩm, gây thiệt hại nặng nề cho đời sống và tài sản người dân Trung Quốc trong thời gian qua. Ông đã chỉ trích gay gắt các cán bộ và theo ông, Trung Quốc phải rút kinh nghiệm từ những bài học đau xót này, xem đó như lời cảnh cáo mới đối với nội bộ chính quyền.

Từ sủi cảo đông lạnh bị nhiễm độc…

Ngày 6/8/2008, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận giữa tháng Sáu vừa qua tại Trung Quốc đã xảy ra một vụ ngộ độc thuốc trừ sâu trong sủi cảo do Trung Quốc sản xuất, tương tự như các vụ ngộ độc xảy ra trước đó ở Nhật Bản. Sự thừa nhận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể là chìa khóa để giải quyết tranh chấp giữa hai nước xung quanh câu hỏi: sủi cảo bị nhiễm thuốc trừ sâu và chất methomidopho xẩy ra ở Trung Quốc hay Nhật Bản.

Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng vụ việc trên và các cơ quan an ninh đang nỗ lực điều tra. Các nguồn tin từ Nhật Bản cho biết loại sủi cảo này đã bị Công ty thực phẩm Thiên Dương ở tỉnh Hà Bắc thu hồi sau khi xảy ra các vụ ngộ độc ở Nhật Bản, nhưng sau đó lại thấy xuất hiện ở thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê, từ tháng 12/2007 đến 1/2008, có 10 người thuộc ba gia đình ở Nhật Bản bị ngộ độc sau khi ăn sủi cảo đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vụ này đã được đặt lên bàn nghị sự các trao đổi cấp cao giữa chính phủ hai nước.

Đến sữa bột, sữa lỏng, sản phẩm sữa chứa chất độc hại…

Lĩnh vực sản phẩm làm bằng sữa, một thị trường rất mới ở Trung Quốc, là mục tiêu tranh giành của những được-thua thương mại vô cùng to lớn. Trong năm 2007, lĩnh vực này có mức thu nhập tương đương với 18 tỷ USD, gấp đôi con số của năm 2003. Cạnh tranh và lợi nhuận đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm bất chấp an toàn. Nhưng câu hỏi, tại sao các sản phẩm sữa lại chứa chất độc tố melamine, hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Cảnh sát Trung Quốc kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở sản xuất gia đình
Theo Tân Hoa xã, đến ngày 20/9, ở Trung Quốc đã có hơn 6.200 trẻ sơ sinh bị bí tiểu tiện hoặc sỏi đường tiết niệu sau khi dùng sữa bột, chủ yếu của Công ty Tam Lộc (Sanlu), trong đó 4 cháu đã bị thiệt mạng.

Sữa nước của Trung Quốc cũng bị phát hiện có chứa chất độc hại melamine ở các mức độ khác nhau và những sản phẩm này đều đã bị ngừng bán trên thị trường. Kết quả điều tra trên toàn Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng được công bố ngày 19/9 đã cho thấy trong 1.202 loại sản phẩm của 409 doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng thì có 24 loại sản phẩm bị phát hiện có chứa chất melamine gây sỏi đường tiết niệu và sỏi thận. Tỷ lệ melamine trong 24 loại sản phẩm này là từ 0,6mg đến 8,6mg/kg. Đáng chú ý là những sản phẩm chứa chất melamine này đều thuộc 3 công ty lớn Mông Ngưu (Mengniu),Y Lợi (Yli) và Quang Minh (Guangming). Ba công ty này chiếm tới 70% thị phần sữa Trung Quốc. Theo giới quan sát, việc các sản phẩm sữa nước nhiễm chất melamine đều thuộc 3 công ty sữa lớn nhất ở Trung Quốc đã mặc nhiên nói lên rằng trên thực tế, những sản phẩm sữa được tiêu dùng nhiều nhất ở nước này đều bị nhiễm chất melamine ở mức độ khác nhau.

Ngày 16/9, hệ thống siêu thị Wellcome ở Hồng Công đã ra lệnh thu hồi loại kem sữa chua hoa quả “Yili Natural Choice Yorgurt Ice-bar with Real Fruit” từ tất cả các cửa hàng bán lẻ của công ty ở Hồng Công sau khi phát hiện loại kem mút này có chưa melamine. Chuỗi siêu thị Wellcome ra thông báo cho biết Cục Thực phẩm và Vệ sinh môi trường đã phát hiện chất melamine trong mẫu xét nghiệm loại sản phẩm này. Wellcome sẽ ngừng bán ngay lập tức các sản phẩm kem hiệu Yili như một biện pháp phòng ngừa.

Yili là nhà chế biến các sản phẩm từ sữa ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc. Wellcome tiến hành thu hồi các sản phẩm trên sau khi chính quyền Hồng Công ngày 15/9 ra cảnh báo đối với đồ uống đóng hộp của Đài Loan được chế biến từ sữa bột mua của Tập đoàn Sanlu của Trung Quốc.

Thế giới ngăn chặn sữa độc hại từ Trung Quốc

Hậu quả tai hại của vụ sữa nhiễm độc do Trung Quốc sản xuất ngày càng lan rộng, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người tiêu dùng quốc tế.

Hệ thống cửa hàng giải khát Starbuck của Mỹ quyết định không sử dụng sữa do Trung Quốc chế tạo.

Pháp xác nhận là không phát hiện có sữa Trung Quốc bày bán trong nước. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trấn an người dân về biện pháp ngăn chặn sữa nhiễm độc của Trung Quốc nhập vào thị trường châu Âu. Theo phóng viên Pierre Benazet từ Brúcxen: “Đối với EU, việc khẩn cấp hiện nay là phải làm cho người tiêu dùng yên tâm rằng Trung Quốc không xuất khẩu các sản phẩm sữa sang châu Âu. Bên cạnh đó, các cơ quan y tế công cộng đã phát tín hiệu báo động hệ thống bảo vệ người tiêu dùng. Các thành viên EU được yêu cầu tăng cường việc kiểm soát hải quan. Trên thực tế, vẫn có khả năng sữa Trung Quốc nằm trong thành phần các sản phẩm được chế biến tại những nước khác, rồi sau đó lại được nhập vào EU. Các cơ quan của Ủy ban châu Âu thường xuyên liên hệ với Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu phải thật minh bạch về vấn đề này. Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế và Bảo vệ Người tiêu dùng châu Âu, hiện đang ở Bắc Kinh, cho biết đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc trình bày về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng này.

Hải quan Singapore kiểm tra ngăn chặn sữa bột Trung Quốc
Ngày 20/9, một quan chức cao cấp của Bộ y tế Mianmar cho biết nước này sẽ thu giữ và huỷ các loại sữa trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo bộ này, việc theo dõi sữa trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu và chính quyền đã thông báo với các bác sĩ nhi khoa về các triệu chứng nhiễm độc và dự kiến sẽ đưa ra lời cảnh báo về các nhãn sữa có nhiễm melamine.

Tại Nhật Bản, ngày 19/9, công ty thực phẩm hàng đầu của nước này là Marudai Food Co. đã thu hồi hàng nghìn chiếc bánh nhân sữa vì sợ có chứa sữa nhiễm melamine của tập đoàn Yili ( Trung Quốc). Yili, Mengniu và Guangming là những nhãn lớn được hàng trăm triệu người Trung Quốc tiêu thụ và tin tưởng, đã bị tác động bởi việc thu hồi này sau khi chính quyền kiểm tra các sản phẩm của họ và phát hiện ra những dấu vết của melamine.

Ngày 19/9, Tanzania cũng quyết định cấm tất cả các sản phẩm sữa từ Trung Quốc.

Bộ Y tế Malaysia thông qua Hệ thống thông tin an toàn thực phẩm tăng cường phát hiện, ngăn chặn việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ này còn triển khai một số biện pháp cần thiết khác nhằm bảo đảm độ an toàn cho tất cả các loại sữa dùng cho trẻ em hiện đang bán tại thị trường Malaysia. Nếu trong quá trình kiểm tra, các cơ quan hữu quan phát hiện ra độc chất melamine trong bất kỳ thực phẩm nào thì nhà nhập khẩu và nhà sản xuất sẽ bị áp dụng theo điều 13 của Luật Thực phẩm Malaysia, sẽ bị phạt 100 nghìn rinhghít (29 ngàn USD), hoặc bị tù tới 10 năm và có thể cả hai. Bộ cũng khuyến cáo những công dân Malaysia từng sử dụng sữa Trung Quốc nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh.

Về phần mình, ngày 20/9, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ thị cho các cơ sở y tế bằng mọi giá phải cứu chữa cho các em bé bị mắc bệnh do dùng sữa bột nhiễm chất melamine. Theo lệnh của Chính phủ, các bé bị bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng ra lệnh các cơ quan hữu quan siết chặt việc kiểm tra các cơ sở sản xuất sữa và cam kết sẽ nghiêm khắc trừng phạt những cơ sở và cá nhân gây ra vụ “sữa bẩn” này.

Quan chức liên quan chất lượng thực phẩm nhảy lầu bị hoặc tử hình

Ngô Kiến Bình (Wu Jianping), Cục trưởng Cục giám sát chất lượng thực phẩm thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng, Điều tra và Kiểm dịch (AQSIQ) của Trung Quốc, đã nhảy lầu tự sát ngay sau khi các nhân viên điều tra chống tham nhũng bắt đầu tiến hành điều tra những cáo buộc tham nhũng liên quan đến ông ta. Trước đó 1 ngày, ngày 1/8, ông này đã thừa nhận với các công tố viên rằng ông có tài sản cùng hàng triệu nhân dân tệ trong tài khoản, quá lớn so với thu nhập của ông.

Trong vụ sữa nhiễm độc, Thị trưởng thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc, nơi đặt cơ sở chính của tập đoàn sữa Tam Lộc, đã mất chức vì liên đới chịu trách nhiệm về vụ sữa bột làm cho trẻ em bị nhiễm độc.

Trong khi đó, cảnh sát Trung Quốc ngày 18/9 đã bắt giữ thêm 12 đối tượng tại Thạch Gia Trang liên quan đến vụ sữa nhiễm độc trên. Như vậy, đến nay đã có 18 đối tượng bị bắt giữ trong vụ bê bối này. Nữ cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tam Lộc, Điền Văn Hóa, đã bị bắt giữ ngày 16/9./.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường