Cơn lao đao của thị trường phân bón TQ
Theo những số liệu tổng hợp và nghiên cứu mới nhất của Agroinfo, giá phân bón trên thế giới có xu hướng giảm mạnh do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt là TQ – một nước xuất khẩu Ure, Lân và Amonium với số lượng lớn thì không thể thoát khỏi những tác động xấu.
Trong tháng 06/2009, lượng Kali Việt Nam nhập khẩu từ TQ giảm mạnh: 73,1% về lượng và 72.73% về trị giá so với tháng 05/2009. Giá nhập khẩu Kali trung bình từ thị trường TQ là 703 USD/ tấn, tăng 9 USD/tấn so với giá nhập khẩu trung bình tháng 5/2009. 6 tháng đầu năm 2009, lượng Kali nhập về từ TQ đạt 15,08 ngàn tấn, trị giá 8,38 triệu USD, giảm 78.48% về lượng, 74.82% về trị giá so với cùng kỳ năm 2008. Mức giá phân Ure tại Hắc Long Giang ngày 30/6 là 4.401 đồng/kg, giảm 27,5% so với thời điểm tháng 3/2009. Mức giá phân Ure tại thị trường TQ giảm nhanh hơn thị trường VN là 16,8%.
Giá Ure dạng hạt của Trung Quốc hợp đồng tháng 7/2009 hiện đang được chào bán từ 270 – 275 USD/tấn (FOB), tính cả thuế xuất khẩu 10%. Theo nhận định, thuế xuất khẩu của nước này trong thời gian tới sẽ vẫn được giữ nguyên. Trước đó, các nhà sản xuất Ure thế giới đã hết sức lo ngại về khả năng thuế xuất khẩu được dỡ bỏ sẽ thúc đẩy sản phẩm Ure xuất xứ từ TQ tràn ngập thị trường thế giới, mặc dù trên thực tế giá Ure nước này đang tạo ra mức trần mới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan TQ, trong quý I/2009, tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón hóa học của TQ khoảng 21,8 triệu tấn, trị giá 690 triệu USD, giảm 63,1% về lượng và 68,2% về giá trị. Các nhà máy phân Đạm và phân Lân trong cả nước vận hành khó khăn. Hiện nay, giá phân bón thé giới so với phân bón TQ thấp hơn 5-10%. Yếu tố này đã khiến phân bón của TQ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, để cả thiện tình hình thị trường phân bón trong nước, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách điều chỉnh mức thuế xuất khẩu phân bón mới, với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau ngày 1/7/2009 – thời điểm chính sách thuế có hiệu lực thì dường như thị trường phân bón TQ vẫn chưa có nhiều phản ứng tích cực như mong đợi.
Đi tìm lối thoát?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phân bón TQ phải đối mặt với tình trạng: Giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón thế giới 5-10%. Năm 2008, với mức thuế cao, phân Ure TQ mất đi ưu thế cạnh tranh xuất khẩu, rất nhiều doanh nghiệp không kinh doanh được đã phải đóng cửa. Đến 1/7/2009, chính sách thuế xuất khẩu phân bón mới được áp ding, nhưng mức thuế mới trong thời điểm vụ mùa và trái vụ thì cơ bản không được điều chỉnh. Do đó, tác động của chính sách đến xuất khẩu sẽ khó đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Công ty phân bón Duệ Kỳ (Quảng Châu) cho biết: Hiện nay, giá phân DAP rời cảng ở Mỹ khoảng 300 USD/tấn, nghĩa là nông dân Mỹ chỉ cần 294 USD là mua được 1 tấn. Nhưng tại thị trường TQ, giá mà đơn vị sản xuất đưa ra cho nhà cung ứng không chỉ dừng lại ở con số này. Chưa thu thế, giá phân DAP đã cao, nếu cộng với mức thuế suất 10%, phân bón TQ hoàn toàn không có ưu thế cạnh tranh.
Báo cáo nghiên cứu của mạng Research and Markets cũng nhận định rằng thị trường phân bón TQ đang gặp nhiều khó khăn. Một mặt, Chính phủ TQ thực hiện một số biện pháp như tăng cường đầu tư - trợ giá cho nông nghiệp, lập kế hoạch sản xuất lương thực, tăng giá thu mua, và các biện pháp khác nhằm vực dậy tình hình lúa gạo cùng các mùa vụ nông nghiệp liên tục trong nhiều năm, tạo thành một thế mạnh hỗ trợ để sản xuất phân bón, đáp ứng nhu cầu lương thực và đầu tư. Trong nửa đầu năm 2008, sản xuất phân bón và nhu cầu nội địa của TQ vẫn còn tương đối vững mạnh, xuất khẩu đạt mức cao nhất trong cùng kỳ, các ngành công nghiệp tăng lợi nhuận lên đỉnh điểm từ năm 2006.
Mặt khác, chi phí nguyên vật liệu, năng lượng, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường có xu hướng tăng. Việc lệ thuộc vào những cưỡng chế nặng nề trên thị trường quốc tế tạo ra sức ép cho các công ty phân bón hóa học. Thêm nữa là môi trường chính sách bị siết chặt trong những kiểm soát vĩ mô, việc lập kế hoạch và đầu tư công nghiệp, xuất - nhập khẩu, bảo vệ môi trường, do đó ngành công nghiệp phân bón sẽ càng bị tác động tiêu cực. Kể từ nửa cuối năm 2008, công nghiệp phân bón lâm vào tình trạng khó khăn như tiêu thụ nội địa yếu kém, xuất khẩu đình đốn, giá cả sụt giảm và sản xuất bị trượt dốc, lợi nhuận lề của các ngành công nghiệp cũng sẽ tụt xuống đáng kể.
Triển vọng và những dự báo thị trường
Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, vào quý IV/2008, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp để ngăn chặn sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là hạ thấp đáng kể thuế xuất khẩu phân bón hóa học, làm cho điều kiện chính sách phân bón được cải thiện, từ đó góp phần ổn định thị trường mặt hàng này.
Những khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu dài hạn, những nguy cơ quốc nội của sự giảm phát đã lớn hơn nguy cơ lạm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ là một mục tiêu lớn của chính sách kinh tế vĩ mô TQ năm 2009. Ngành công nghiệp phân bón được mong đợi sẽ xoa dịu những sức ép từ các chính sách trong một mức độ nào đó và đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu. Tuy nhiên, tăng trưởng theo yêu cầu tiến chậm, tình trạng căng thẳng trong dây chuyền nguồn vốn các doanh nghiệp, sự gia tăng mức độ lệ thuộc vào công nghiệp phân bón - tất cả các nhân tố tiêu cực này sẽ còn tiếp diễn. Đồng thời, những điều chỉnh của chính sách thuế xuất khẩu, than đá, lưu huỳnh và các nguồn cung nguyên vật liệu quan trọng khác, đàm phán nhập khẩu phân Kali, việc có hủy bỏ chính sách ưu đãi công nghiệp phân bón hay không… còn nhiều bất ổn lớn. Nó cho thấy thị trường phân bón Trung Quốc 2009 sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng phức tạp và luôn thay đổi
Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) gần đây đã công bố báo cáo “Triển vọng và xu thế nhu cầu phân bón hóa học và nguyên liệu toàn cầu 2009-2013”. IFA chỉ ra rằng sản lượng Ure trên thế giới trong vòng 5 năm tới sẽ không ngừng gia tăng, ước tính từ 174 triệu tấn (2009) lên tới 201 triệu tấn (2013). Dự tính, thời gian từ 2009-2013, sản lượng Ure trên toàn thế giới có thể tăng thêm 46 triệu tấn. Theo những hạng mục đầu tư dự toán, Trung Quốc vẫn là thị trường cung ứng Ure lớn nhất trên thế giới vào năm 2013.
Trên cơ sở phân tích toàn diện từ gợi ý trong các chính sách và xu hướng thị trường phân bón TQ năm 2008, kết hợp với tình hình hoạt động của nền kinh tế quốc dân và những thay đổi về chính sách, BOABC (Công ty tư vấn thực phẩm – nông nghiệp uy tín và chuyên nghiệp nhất TQ) sẽ thực hiện các nghiên cứu rõ ràng, sâu sắc hơn thị trường phân bón TQ năm 2009 nhằm gây sự chú ý và chuẩn bị cho việc ra các quyết sách.
(Tổng hợp từ Bản tin thị trường phân bón tuần của AGROINFO & Mạng http://www.researchandmarkets.com)