Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phân bón dỏm tràn lan, vì sao ?
06 | 07 | 2009
Nhiều ý kiến cho rằng: Chính việc xử lý quá nhẹ hoặc thiếu kiên quyết đã dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tràn lan

Sau 2 tuần phát hiện hơn 500 tấn phân bón kém chất lượng tại TPHCM, đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đây không phải lần đầu tiên các vụ phân bón giả bị xử lý rất chậm hoặc xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
QLTT: Kẹt... đủ thứ

Giải thích vụ việc hơn 500 tấn phân bón có vấn đề bị cơ quan chức năng tại TPHCM phát hiện hôm 22-6 tại huyện Bình Chánh - TPHCM, Phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết vụ việc vẫn chưa thể đưa ra xử lý do nhiều đội kiểm tra cần phải tập hợp lại và điều tra tiếp một số vấn đề. Sau khi vụ việc được làm rõ còn phải làm việc với Công an TP để có hướng xử lý thống nhất.

Ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội 3A Chi cục QLTT TPHCM (đội trực tiếp kiểm tra 2 kho phân bón ở huyện Bình Chánh), cho rằng: “Phải mất ít nhất một tháng nữa mới có khả năng hoàn tất điều tra. Hiện còn đang đi tìm chứng cứ, lấy lời khai từ chủ hàng. Nguyên liệu phân bón có nhiều loại, hàng có và không có hóa đơn chứng từ lẫn lộn cần phải phân loại; thậm chí phải gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng, phân loại thành phần, nhưng để kiểm nghiệm mẫu còn phải làm thủ tục xin tiền...”. Cũng theo ông Thắng, bước đầu đã xác minh được mặt hàng phân kali mang tên Công ty Cổ phần Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (CIS) ở kho Bình Chánh là hàng giả (không phải sản phẩm do CIS sản xuất). Tuy nhiên, chủ hàng chỉ thừa nhận là sử dụng lại bao bì để chứa hàng, chứ không làm hàng giả.

Quy định không nghiêm, xử phạt cho có

Đây không phải lần đầu tiên các vụ sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị xử lý chậm hoặc xử lý quá nhẹ. Nguyên nhân thì có nhiều. Tuy nhiên, nhiều đơn vị thực thi nhiệm vụ đều cho rằng nguyên nhân chính là các quy định chế tài hiện nay còn quá nhẹ.

Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng việc xử lý vi phạm về chất lượng phân bón hiện nay là không đủ sức răn đe. Người vi phạm bị phạt một vài triệu đồng không thấm vào đâu. Thậm chí có trường hợp khi nhận quyết định xử phạt với số tiền ít ỏi, người vi phạm còn cười. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cũng bức xúc với mức phạt vài triệu đồng cho đến 12 triệu đồng/vụ như hiện nay chẳng thấm vào đâu so với lô hàng vi phạm trị giá hàng tỉ đồng. Càng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại của nông dân, nếu sử dụng loại phân bón dỏm.

Thông tin từ Cục Trồng trọt cho hay đến nay các quy định xử phạt đối với các vi phạm về mặt hàng phân bón cũng chưa có. Lâu nay chỉ dựa vào văn bản chung cho hàng hóa để xử phạt, do đó phân bón kém chất lượng, phân bón giả cũng bị xử phạt như nhau. Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng nên sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong ngành sản xuất phân bón để có căn cứ xử lý đến nơi đến chốn. Những cơ sở làm ăn gian dối phải được đưa ra pháp luật xử lý.

Nhiều người trong ngành sản xuất và kinh doanh phân bón cho rằng: Chính việc xử lý quá nhẹ, lại thiếu kiên quyết nên tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tràn lan.

Quá nhiều phân bón dỏm


Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk kiểm nghiệm 50 mẫu phân bón bày bán trên thị trường thì có đến 27 mẫu không đạt chất lượng. Tại Sóc Trăng, cơ quan chức năng kiểm tra 24 cơ sở thì có đến 9 cơ sở vi phạm về phân bón kém chất lượng. Ở Long An có 15/28 mẫu phân bón không đạt chất lượng. Còn theo báo cáo từ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, trên địa bàn có đến 10% số mẫu kiểm tra có chất lượng kém...



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường