Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ai tiếp tay cho phân bón dỏm thao túng thị trường?
30 | 09 | 2009
Ngày 28.9, gia đình bà Nguyễn Thị Hiên (thôn Phúc Thọ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết: Gia đình bà đã mua trả chậm theo hình thức tín chấp 3 tấn phân bón nhãn hiệu "Bình Nguyên" để bón cho vườn càphê, bón được 2 tấn thì cây bị vàng lá rồi chết dần, nên bà dừng ngay, không bón nữa.

Trong lúc bà đang kêu cứu nhưng chưa được ai giải quyết, thì đơn vị bán phân "réo" bà phải trả nợ... Không chỉ có gia đình bà Hiên rơi vào tình cảnh oái oăm như vậy, nên sự việc được đưa ra phân xử tại tòa dân sự.

Đã mua phải phân dỏm...

Trong những ngày tháng 9 vừa qua, cơ quan pháp luật của huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã mở một số phiên tòa để xét xử tranh chấp dân sự về mua - bán phân bón giữa một số đại lý và nông dân trong huyện. Tuy nhiên, sự phán quyết từ những phiên tòa này đã gây nên không ít tranh cãi. 

Ở Lâm Đồng, trong thời gian gần đây, không chỉ riêng gia đình bà Nguyễn Thị Hiên nói trên "dính" phân bón kém chất lượng của "Bình Nguyên" và một số "hãng" sản xuất khác, mà rất nhiều hộ trồng càphê ở huyện cũng dở khóc dở mếu bởi cách "tín chấp" này của Hội Nông dân huyện.
 
Ông Hoàng Văn Dân - ngụ tại thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà - cho biết: "Bởi tin vào việc tín chấp này - đặc biệt là tin vào ông Trưởng thôn Trần Văn Thọ và ông Bí thư xã Lăng Văn Niệp, nên tôi và nhiều hộ khác trong thôn đã mua hàng chục tấn phân của các hãng Bình Nguyên, Việt Ấn, Thiên Phúc... về bón cho càphê; nhưng, bón chỉ trên dưới một nửa số phân thì vườn càphê có biểu hiện xấu đi.

Khi chúng tôi báo cáo sự việc, những người đứng ra tín chấp này lại cố tình làm ngơ, có ý kéo dài thời gian để "bẫy" chúng tôi rơi vào cảnh phân đã "quá hạn sử dụng" nên không thể khiếu kiện được nữa".
 
Tương tự, ý kiến của ông Nguyễn Đức Minh - ở thôn Hà Tân, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, phản ánh giống như tâm tư của 21 hộ dân trong thôn có mua phân bón dỏm: "Được ông Lăng Văn Niệp bán chịu phân bón với lãi suất 1,5% mỗi tháng, tôi đã đứng ra mua 51 tấn phân cho bà con trong thôn với giá 6.850 đồng/kg (giá này có thấp hơn so với phân cùng loại của một số hãng phân bón khác vào thời điểm đó). Bởi mang phân về bón cho cây càphê, chỉ một thời gian ngắn là cây vàng lá, có biểu hiện khô cành, nên bà con báo cho ông Niệp biết để xử lý, nhưng ông Niệp đã im lặng một cách khó hiểu. Đến nay, đã đến kỳ trả nợ, kiện mãi thì một số hộ dân "được" tòa xử cho thua trắng tay".

... lại còn bị bỏ mặc

Điều đáng nói, vì không thể chờ đợi sự "ra tay" của cơ quan chức năng để kiểm tra và kết luận chất lượng phân bón (thường thì rất chậm trễ), nên một số hộ dân trong vùng đã tự mình lấy mẫu phân bón đi kiểm tra chất lượng để có cơ sở "đối chất" với các hãng phân bón.

Tại xã Liên Hà (Lâm Hà), bà Nguyễn Thị Hiên (thôn Phúc Thọ) đã tự lấy mẫu phân bón của hãng phân Bình Nguyên đến nhờ cơ quan hữu trách kiểm tra và kết quả là hàm lượng các thành phần trong phân đều thấp hơn so với hàm lượng ghi trên bao bì. Sau khi có kết quả, bà Hiên đã yêu cầu ông Nguyễn Huyến (Uỷ viên thường trực Hội Nông dân huyện Lâm Hà) báo cho đại diện hãng Bình Nguyên vào giải quyết vấn đề, nhưng vì lý do "bận việc" nên cả ông Huyến và đại diện Bình Nguyên... biệt tăm.

Một trong những loại phân bón kém chất lượng đang thao túng thị trường Lâm Đồng đã nói ở trên là phân bón mang nhãn hiệu "Bình Nguyên". Cả ông Lăng Văn Niệp và ông Nguyễn Huyến (cán bộ Hội Nông dân Lâm Hà) - hai trong số các đầu mối cung cấp phân bón ở huyện Lâm Hà - đều thừa nhận trong thời gian qua đã cung cấp phân bón nhãn hiệu "Bình Nguyên" cho bà con nông dân trong vùng và bị nông dân kêu ca về chất lượng.

Qua điều tra riêng của chúng tôi, được biết: Công ty TNHH phân bón Bình Nguyên trước đây đặt nhà máy tại tổ 5, ấp Vĩnh Tường, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Vấn đề đáng lưu ý ở đây là - theo xác nhận của chính quyền địa phương thì Công ty TNHH Bình Nguyên đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2007. Vậy, hai ông Huyến và Niệp (cùng các cơ sở bán phân bón khác ở Lâm Đồng) lấy đâu ra phân bón mang nhãn hiệu "Bình Nguyên" được sản xuất trong năm 2008 (như trên bao bì có ghi) để cung cấp cho nông dân?

Trong những ngày tháng 9 vừa qua, một số hộ nông dân ở huyện Lâm Hà mua phân bón kém chất lượng đã phải ra hầu tòa; và sẽ tiếp tục hầu tòa trong những ngày sắp đến, bởi họ cho rằng sự phán xử như vậy của cơ quan thực thi pháp luật huyện Lâm Hà là chưa thỏa đáng. Liệu rồi đây, cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Lâm Đồng có làm rõ nguồn gốc phân bón kém chất lượng trước khi mở phiên tòa xét xử hay không, hay cũng chỉ căn cứ vào cái lý "mua phân thì phải trả tiền"?



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường