Năm 2008, nhiều DN đã vay vốn ngân hàng để nhập khẩu nguyên liệu điều thô. Đến nay một lượng lớn điều thô chưa chế biến hết. Trong bối cảnh giá điều hạ, nếu chế biến hết số nguyên liệu này càng lỗ nặng. Tuy nhiên không chỉ vì lý do khách quan, mà chính ngành điều cũng tự làm khó mình bởi hành vi làm ăn không trung thực.
|
Chế biến điều xuất khẩu. Ảnh: Thiên Lý |
Khó khăn khách quan
Văn bản ký ngày 20/11 của VINACAS gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính, Ngân hàng cho biết số lượng và kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU cuối năm 2008 giảm mạnh, hiện chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2007. Giá xuất khẩu giảm sâu, mất 2.000 USD/tấn, từ 6.500 USD/tấn xuống còn 4.500 USD/tấn.
Vào đầu vụ DN chế biến điều phải vay vốn thu mua nguyên liệu để dự trữ sản xuất trong năm. Do đó nhu cầu vốn ngân hàng của ngành này khá lớn, từ 8.000 - 8.500 tỷ đồng. Do bán hàng chậm phải chịu lãi suất kéo dài, áp lực trả nợ ngân hàng cũng rất lớn.
Trong khi đó, việc hoàn thuế giá trị gia tăng không được thực hiện nhanh chóng, khiến ngành điều mất đi cơ hội tái sinh nguồn vốn. Theo tính toán, khoản tiền hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2008 của các DN khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là một số tiền khá lớn hỗ trợ được cho DN trong bối cảnh khó khăn tài chính như hiện nay. Tuy nhiên hiện nay thời gian thanh toán tiền hàng xuất khẩu rất chậm, khiến DN không đủ điều kiện đáp ứng đủ thủ tục để được hoàn thuế.
Làm ăn gian dối, đòi ngân sách hỗ trợ
Tình cảnh khó khăn hôm nay còn có nguyên nhân từ cách làm ăn gian dối của các doanh nghiệp.
Vào giữa năm 2008, các DN nhập khẩu điều nước ngoài đã tuyên bố kiện các DN Việt Nam vì thất tín trong việc giao hàng. Hợp đồng đã ký từ năm trước, nhưng khi giá điều lên cao, các DN chế biến điều Việt Nam đã ma mãnh không giao hàng mà đem bán đi nơi khác lấy giá cao. Sau đó giá nguyên liệu điều thô tiếp tục tăng cao, các DN không đủ sức mua để trả nợ. Số hàng nợ lên đến hơn 11 ngàn tấn nhân điều, trị giá 50 triệu USD (tương đương 850 tỷ đồng), nếu trả đủ sẽ bị lỗ 176 tỷ đồng.
Chỉ đến khi các nhà nhập khẩu nước ngoài kiên quyết đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, các DN Việt Nam mới cuống cuồng lo trả nợ. Lúc đó lâm vào thua lỗ, ngành điều làm văn bản xin giảm các thứ thuế. Hành động này chính là bám vào ngân sách đòi hỗ trợ.
DN chế biến điều còn có “sáng kiến” lừa lọc khách hàng bằng cách dùng keo 502 để… dán hạt điều vỡ. Lô hàng đưa ra nước ngoài, bị nhà nhập khẩu từ chối nhận hàng, hàng bỏ tại cảng, mất mát, hao hụt...
Với những cách làm ăn bất hảo đó, ngànhh điều đã tự làm hại mình. Bởi lẽ đó, ngành điều khó có thể có cơ sở để xin được ưu tiên, đặc cách dùng ngân sách Nhà nước để giảm lãi suất, miễn giảm thuế.
Trong khi đây chưa phải là một ngành chủ lực của nền kinh tế xuất khẩu, việc ngành điều đưa ra những đề nghị đòi cho mình khá ưu ái có vẻ không phù hợp. Đồng thời chính các doanh nghiệp cũng phải xem xét lại cung cách làm ăn không đảm bảo uy tín của mình.
Từ bỏ giấc mộng 1 tỷ USD
Những thất bại liên tiếp trong sản xuất kinh doanh và do bối cảnh khó khăn chung đã khiến người nông dân không mặn mà với việc trồng cây điều. Hiện nay cây điều khó cạnh tranh với các loại cây nông nghiệp khác có giá trị cao hơn như cao su, khoai mì… Thu nhập người trồng điều chưa cao (khoảng 20 triệu đồng/ha), thấp hơn cây cao su (60-70 triệu đồng/ha), ca cao (70 triệu đồng/ha), cà phê, mía…
Tại các tỉnh trồng điều nhiều như Bình Thuận, Bình Phước, Bình Định... người nông dân đã chặt bỏ cây điều để trồng cây khác. nặng nề nhất là Bình Phước, hàng trăm héc-ta điều đã bị phá bỏ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2010 diện tích cây điều sẽ là 400.000ha chứ không phải là 450.000ha như đã lạc quan trước đây. Trong khi đó, ngành điều rất khó có thể bù đắp nguồn nguyên liệu bằng cách nhập khẩu điều thô, vì phải chịu dựng lãi suất ngân hàng, trong khi giá cả thị trường bấp bênh, nguy cơ rủi ro cao.
Vì vậy, có thể nói, giấc mơ 1 tỷ USD vào năm 2010 của ngành điều xuất khẩu sẽ không thành.