Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc 30 năm cải cách mở cửa
16 | 12 | 2008
2008 là năm bản lề đối với Trung Quốc, với thành tựu nổi bật, cũng như thách thức to lớn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Cách đây 30 năm, tháng 12/1978, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 3 Khóa 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chuyển trọng tâm công tác sang xây dựng hiện đại hóa đất nước Trung Hoa. Ở thời điểm đó, giữa các quốc gia thuộc hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thế giới, Trung Quốc là nước đi đầu trong việc tháo gỡ cơ chế cũ, bứt phá thận trọng nhưng sáng tạo và mạnh bạo nhằm xây dựng một nền kinh tế mới. Ba thập kỷ qua, hai quá trình cải cách và mở cửa hợp nhất trong một chiến lược chung hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến nay, Trung Quốc đã đạt bước tiến vĩ đại trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc và phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Thành tựu và kinh nghiệm

Kiến trúc sư của công cuộc cải cách vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa này là Đặng Tiểu Bình. Ông vượt qua các thăng trầm chính trị và tại Hội nghị Trung ương tháng 12/1978 đã đóng dấu ấn vào quyết sách lớn và trở thành người cầm lái cho công cuộc cải cách và mở cửa tại Trung Quốc. “Tôi là một người  mới mẻ trên lĩnh vực kinh tế. Tôi đề xuất chính sách kinh tế của Trung Quốc mở cửa ra thế giới, nhưng biết rất ít về chi tiết cụ thể”, ông từng nhận xét như vậy. Đặng Tiểu Bình mở đường, vạch lối cho các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cụ thể hóa và phát triển sáng tạo công cuộc hiện đại hóa phù hợp điều kiện Trung Quốc và những biến chuyển mau lẹ trên thế giới. Cải cách đã nâng cao đời sống của một dân số chiếm tới 1/4 nhân loại với quy mô và với tốc độ chưa một quốc gia nào trên thế giới từng thực hiện được.

Theo số liệu vừa được Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, trong thời gian từ 1978 đến 2007, tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP Trung Quốc là 9,8%, thu nhập bình quân đầu người từ 190 USD lên 2.360 USD, kim ngạch nhập khẩu từ 10,9 tỷ USD lên 956 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu từ 9,8 tỷ USD lên 1.220 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ từ 167 triệu USD lên 1.500 tỷ USD.

Khoảng cách về sức mạnh kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia công nghiệp phát triển thu hẹp. GDP của Trung Quốc năm 2007 đạt 481 tỷ USD, tương đương 23,7% GDP của Mỹ, 74,9% của Nhật Bản và 99,5% của Đức. Trung Quốc từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất thế giới. Triển vọng của nền kinh tế đó vẫn sáng sủa mặc dù Trung Quốc hiện nay đang chịu hậu quả nặng nề của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhiều kinh nghiệm quý giá qua ba thập kỷ phát triển đang được các nhà nghiên cứu Trung Quốc và thế giới thảo luận và tổng kết. Tuy không một nước nào trên thế giới có thể sao chép những bài học về mô hình phát triển của một quốc gia với dân số khổng lồ như Trung Quốc.

Thời kỳ đầu, trước con đường mới mẻ, Trung Quốc thực hiện những thử nghiệm kinh tế ở quy mô nhỏ, khi thành công được áp dụng rộng ra toàn quốc. Bắt đầu, các thành phố và đặc khu ven biển có ưu thế địa lý ở miền Đông tiến hành cải cách mở cửa, tạo ra các nhân tố đầu tư tốt, điển hình, như xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần và quy chế quản lý… Miền Đông trở thành đầu tàu lôi kéo kinh tế cả nước. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phố, các khu vực kinh tế kích thích mạnh mẽ việc tạo môi trường tốt cho kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Trung Quốc cơ bản hình thành cục diện phát triển kinh tế theo khu vực, mở rộng quy mô ngành nghề với trình độ hiện đại hóa cao.

Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng và lãnh đạo cải cách, mở cửa Trung Quốc

Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài là hai động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh việc huy động mạnh mẽ vốn nước ngoài, phát huy tối đa nguồn nhân công giá rẻ, Trung Quốc chú trọng tiếp thu công nghệ, đào tạo mới nguồn nhân lực và học tập kinh nghiệm quản lý của các công ty nước ngoài. Trung Quốc thành công nổi bật trong việc kết nối với thị trường toàn cầu. Nền kinh tế năng động chuyển đổi cơ cấu sản xuất và công nghệ, không ngừng thích ứng với thị trường toàn cầu. Từ hàng sơ cấp sang thành phẩm công nghiệp, từ sản phẩm sử dụng nhiều lao động sang sản phẩm kỹ thuật cao. Đầu tư nước ngoài được ưu hóa. Trung Quốc đạt được tiến bộ rõ rệt trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ, thể hiện nổi bật qua những thành tựu khám phá vũ trụ, tự lực phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng then chốt, phục vụ đắc lực cho hiện đại hóa quốc phòng của nước này.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng có nhiều cuộc cải cách nổi bật, nhưng chưa từng lúc nào vừa cải cách vừa mở cửa. Vừa qua, Trung Quốc chú trọng đa phương hóa quan hệ chính trị, kinh tế đối ngoại, với 190 quốc gia và nền kinh tế đầu tư buôn bán tại Đại lục. 480 trong số 500 công ty xuyên quốc gia mạnh nhất thế giới hoạt động ở nước này.

Trước chặng đường tiếp theo và hiệu ứng thế giới

2008 đánh dấu cột mốc quan trọng với những thành tựu kỳ vĩ của cải cách mở cửa tại Trung Quốc. Mặt khác xuất hiện hàng loạt yếu tố trong nước và quốc tế, tạo ra thách thức mới đối với tiến trình phát triển đất nước. Trên Nhân dân Nhật báo cuối tháng 11 vừa rồi, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, “Trung Quốc đang đứng trước sức ép do đông dân, tài nguyên hạn hẹp và các vấn đề môi trường, đòi hỏi cải cách nhanh hơn mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển bền vững”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu làm chậm xuất khẩu và giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Nhập khẩu cũng giảm 17,9% tháng 11 vừa qua. Tmột nền kinh tế được mệnh danh là công xưởng thế giới tạo ra hàng hóa giá rẻ, Trung Quốc phải sản xuất các hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng, công nghệ cao, khắc phục môi trường ô nhiễm trong nước và hàng hóa xuất khẩu độc hại.

TQ đang bước vào giai đoạn mới của cải cách kinh tế - phát triển về chất lượng. Nó đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Làm sao thu hút lực lượng lao động khổng lồ vào các ngành kinh tế mới, cũng như đảm bảo đời sống cho 1,3 tỷ dân trong điều kiện đòi hỏi cuộc sống ngày một nâng cao, đó là một nhiệm vụ to lớn đối với đảng cầm quyền.

Các điều chỉnh kinh tế và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ tác động lớn tới thế giới. Đơn cử một số ví dụ, sản phẩm “Made in China” sẽ không còn rẻ như trước. Việt Nam nơi giá nhân công tương đối thấp so với Trung Quốc (40%) sẽ có lợi thế nhất định đón nhận các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư có giá nhân công thấp hơn. Một số nền kinh tế khác ở châu Á tìm cách nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ấn Độ  khẩn trương cải thiện cơ sở hạ tầng; Indonesia cải thiện luật đầu tư và thuế...

Lao động Trung Quốc chiếm lĩnh các ngành kỹ thuật cao
(Xí nghiệp sản xuất đồng hồ)

Trung Quốc là một cường quốc hàng đầu ở châu Á. Trung Quốc phát triển thuận lợi - ảnh hưởng thuận lợi tới châu Á. Trung Quốc khó khăn kinh tế - ảnh hưởng không thuận lợi tới châu Á. Trước hết là ảnh hưởng tới các nước cận biên. Kinh tế Việt Nam có cơ cấu sản xuất tương đồng với Trung Quốc. Hai nước có đường biên giới chung dài với địa hình phức tạp. Hiện nay, hàng hoá ứ đọng từ Trung Quốc đang đổ dồn vào Việt Nam. Từ tháng 3 đến 6 tháng tới, theo dự đoán của một số chuyên gia, vấn đề hàng hóa Trung Quốc có thể tạo nên nguy cơ “tàn phá kỹ nghệ nội địa” Việt Nam. Đó là một ví dụ đơn lẻ về thực tế hợp tác kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cơ cấu sản xuất của nước ta  không nên kéo lê theo vệt xe của Trung Quốc. Việt Nam cần có tầm nhìn và chiến lược đúng đắn phù hợp vị trí địa-chiến lược/kinh tế, để tồn tại và phát triển cùng Trung Quốc và bên cạnh Trung Quốc hiện đại và cường thịnh. Đó là thuận lợi, cũng là thách thức lớn nhất đối với thế hệ Việt Nam đương đại./.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường