Ngày này cách đây 56 năm (1/10/1949), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông đứng đầu, nhân đân các dân tộc Trung Hoa đã làm nên cuộc cách mạng dân tộc dân chủ vĩ đại, lập nên Nhà nước CHND Trung Hoa, đưa đất nước tiến lên theo con đường xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc.
Hơn 20 năm thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng ở mức 7 – 9%, thu nhập GDP đạt hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm, tổng giá trị sản lượng kinh tế của Trung Quốc đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ nhất trong các nước đang phát triển.
Năm 2003 có thể coi là mốc lịch sử quan trọng trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, là năm đầu tiên nhân dân Trung Quốc thực hiện đường lối “Xây dựng toàn diện xã hội khá giả”do Đại hội XVI Đảng CS Trung Quốc (tháng 11/2002) đề ra, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Theo số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, năm 2003, GDP của Trung Quốc đạt trên 11.000 tỷ NDT. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1997 tới nay. Hai động lực thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh là thị trường trong nước (thị trường tiêu dùng, thị trường đầu tư) và xuất khẩu đều tăng mạnh).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2003 đạt 840 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 430 tỷ USD, thu ngân sách đạt 2000 tỷ NDT, dự trữ ngoại tệ đạt trên 400 tỷ USD, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết như nông nghiệp, khai phá miền Tây... GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD/năm trong một đất nước hơn 1,3 tỷ dân, đã tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng vẫn đạt mức tăng trưởng cao, tăng trên 18,4%/năm, trong khi đó, sản lượng lương thực tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 450 triệu tấn/năm.
Trong những năm tới, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng CS Trung Quốc, nhằm giữ vững đà phát triển của kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trờng XHCN, Trung Quốc chú trọng đến những vấn đề sau: Kiên trì phương châm mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; Tiếp tục thực thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ ổn định; Đẩy nhanh điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh hơn nữa cải cách mở cửa, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh phải đi sâu cải cách xí nghiệp quốc doanh và thể chế quản lý tài sản nhà nước, đi sâu cải cách thể chế kinh tế nông thôn, vững bước thực hiện cải cách thể chế tiền tệ; Đi sâu cải cách thể chế quản lý hành chính; Tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, nhân dân hai nước vốn có mối tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Hơn nửa thế kỷ qua, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và sự nghiệp xây dựng CNXH, nhân dân hai nước đã ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau.
Về quan hệ ngoại giao: Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm hữu nghị của các lãnh đạo cao cấp, nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, KHKT, giáo dục, văn hóa... Năm 2001, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư BCH TW Đảng CS Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai Chính phủ đã ký Hiệp định Khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trị giá 40,5 triệu USD cho Dự án Mỏ đồng Sinh Quyền, Hiệp định hợp tác kinh tế-kỹ thuật về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 30 triệu NDT...
Năm 2004, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu thăm chính thức Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, Tổng Công ty Thép VN đã thoả thuận với phía Trung Quốc về khả năng mở rộng Khu Gang thép Thái Nguyên, dự kiến vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD để nâng công suất sản xuất phôi thép lên 500.000 tấn/năm; hợp tác cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất thép tấm, mời đối tác tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho sản xuất ô xy công suất 6.000 m3/h. Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng ký thoả thuận về hợp tác chuyển giao công nghệ chế tạo máy móc, thiết bị, phụ tùng cho việc xây dựng Nhà máy Xi măng Đồng Bành (tỉnh Lạng Sơn) với công suất 750.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 64 triệu USD và xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) với công suất 42 MW và tổng vốn đầu tư 54 triệu USD.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 7 vừa qua, Tổng Công ty Than Việt Nam ký kết với Tập đoàn hợp tác KTKT Thượng Hải về việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than 200 MW tại Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) trị giá 173 triệu USD, ký kết với Công ty Công trình Điện Cáp Nhĩ Tân xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả trị giá 280 triệu USD, Công ty CP Công nghệ điện tử, điện lạnh Việt Nam ký kết hợp tác 5 năm với Tập đoàn Haile của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến các dự án về điện lực. Đây là lĩnh vực Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm, chi phí thấp, máy móc thiết bị không thua kém của các nước phát triển. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Công về việc kết nối mạng lưới điện và tăng cường khả năng mua bán năng lượng, Công ty Điện lực 1 đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp điện lực của Trung Quốc tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây..., là những tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc. Việc kết nối mua điện của Trung Quốc sẽ đảm bảo khả năng cung cấp điện, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện kết nối mua điện của Trung Quốc qua lưới 110kV tại khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) với tỉnh Quảng Tây, kết nối lưới điện 110 kV Hà Giang với lưới điện của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Về quan hệ thương mại: Hiện Trung Quốc đang ngày càng trở thành một trong những thị trường và đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam với nhiều điều kiện nhập khẩu thuận lợi và có nhu cầu nhập khẩu rất đa dạng, phù hợp với cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2004, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 700 triệu USD, xếp thứ 15 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt trên 7 tỷ USD. Với tốc độ này, dự kiến hai nước có thể hoàn thành và vượt kế hoạch 10 tỷ USD vào năm 2010.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu nhiều và tiêu thụ mạnh, chủ yếu tập trung vào một số nhóm hàng như nguyên nhiên liệu, hàng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, thủy hải sản, rau quả tươi, hàng công nghiệp nhẹ, bánh kẹo, hàng nông sản chế biến... Đối với nhóm hàng như dầu thô, cao su thiên nhiên, than đá, dầu thành phẩm có khả năng tiêu thụ lớn và có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vì vận chuyển gần và chi phí thấp. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng của Việt Nam như bánh kẹo, giầy dép, bóng đèn, xà phòng bột, nước hoa, kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh Hải Dương, dầu thực vật... cũng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng do tính độc đáo, khác lạ so với hàng Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang chuyển cơ cấu xuất khẩu sang hướng tập trung vào các mặt hàng công nghiệp có công nghệ cao và có giá trị lớn như hàng điện tử, máy móc thiết bị và các lĩnh vực mà Trung Quốc vốn có thế mạnh như dệt – may, giầy-dép. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc về các mặt hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê là rất lớn, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc.
Trên nền tảng hợp tác hữu nghị truyền thống sẵn có, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác Việt – Trung sẽ có bước phát triển mới và thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tới.