Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng đi mới cho xuất khẩu vào Trung Quốc
31 | 07 | 2009
Dự kiến đến năm 2010, kim ngạch mậu dịch qua các khu kinh tế cửa khẩu giáp với Trung Quốc đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 40% tổng kim ngạch mậu dịch hai nước.
Thực tế đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của việc
Nhãn được xuất khẩu sang Trung Quốc.
(Ảnh: Internet)
phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đối với việc đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu từ Trung Quốc.
 
Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với thị trường Việt Nam. Trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam-Trung Quốc đã tăng với tốc độ rất nhanh.

Năm 1991, thương mại hai bên mới chỉ đạt 37,7 triệu USD thì đến năm 2008, kim ngạch đã tăng lên tới 20,188 tỷ USD (tăng 535 lần trong 18 năm). Kể từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã liên tục trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam.
 
Với điều kiện địa lý thuận lợi nhất là quan hệ buôn bán giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã có từ lâu đời, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng trong thời kỳ 2006-2008 với tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 16%/năm.
 
Về xuất khẩu, Trung Quốc trở thành thị trường đứng thứ 3 trong xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch năm 2008 đạt 4,536 tỷ USD (sau Mỹ và Nhật Bản). Về nhập khẩu, Trung Quốc hiện đứng đầu với kim ngạch năm 2008 là 15,652 tỷ USD.
 
Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.
 
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 7,2% tổng xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chiếm chưa đầy 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tới 19,3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam và 1,38% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
 
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể chia thành 3 nhóm hàng chính gồm nhóm hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản; nhóm hàng nông sản, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp.
 
Một số mặt hàng mới đã thâm nhập được thị trường Trung Quốc và đạt kim ngạch đáng kể, có mức tăng trưởng cao trong những năm qua. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đã có thêm các sản phẩm mới xuất khẩu như sản phẩm chế biến từ ngũ cốc và bánh kẹo; sản phẩm chế biến từ trái cây; các sản phẩm chế biến từ thủy sản; sữa và các sản phẩm sữa...
 
Các sản phẩm mới này tuy kim ngạch còn thấp, song đã thể hiện một xu hướng đổi mới trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là các sản phẩm chế biến đã dần xuất hiện, chứng tỏ sự nghiên cứu đầu tư phát triển đúng hướng của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Mục tiêu tổng quát của hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 7153/VPCP-QHQT ngày 6/12/2006 của Văn phòng Chính phủ là: “Phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng phát triển thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỉ trọng hàng xuất khẩu thô”.
 
Khai thác tiềm năng xuất khẩu mới theo hướng bao gồm những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng nhưng chưa được khai thác và những mặt hàng có được do FDI mang lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc thu hút và nhận chuyển giao sản xuất từ các nước hiện đang xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc mà tới đây có thể chuyển sản xuất ra nước ngoài.
 
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng, lâu nay "xuất khẩu của Việt Nam chỉ là bán những gì chúng ta có, chứ chưa làm được việc xuất những gì Trung Quốc cần, do vậy chúng ta có thể mua hàng hóa của nước thứ ba rồi tái xuất cho Trung Quốc."
 
Năm 2008, kim ngạch tái xuất sang Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD. Đây là lợi thế lớn của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ngoài ra, ông Chinh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên chuyển đổi thương mại với Trung Quốc sang hình thức làm ăn theo đường chính ngạch, vừa tăng kim ngạch vừa giảm rủi ro. Mặt hàng rau quả vừa qua là một ví dụ thành công, năm 2008 đã đạt trên 500 triệu USD, tăng hơn 180%, trong khi vấn đề thanh toán được đảm bảo.
 
Xuất khẩu sang Trung Quốc chưa được như mong muốn một phần là do hạ tầng phục vụ cho thương mại tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn yếu, đặc biệt là giao thông, vận tải, kho bãi, bảo quản, đóng gói... Do đó, hướng đề xuất với Chính phủ là tạo thuận lợi cho đầu tư các loại hình khu hợp tác kinh tế biên giới, quy hoạch hệ thống cửa khẩu, chợ biên giới để tạo thêm động lực và sự yên tâm cho các nhà đầu tư.
 
Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát hệ thống văn bản hợp tác với Trung Quốc, nếu cần có thể sửa đổi, bổ sung để tránh tình trạng điều hành, chỉ đạo quản lý nhà nước lúng túng. Một biện pháp không thể thiếu để đẩy mạnh xuất khẩu là hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết có nhiều hội chợ tốt cho quảng bá và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc như Vietnam Expo, Hội chợ ASEAN-Trung Quốc...
 
Theo ông Hải, mặc dù Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc nhưng các hợp đồng được ký tại các kỳ hội chợ thường là hợp đồng xuất khẩu với giá trị hàng trăm triệu USD.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để hỗ trợ tốt cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, hoạt động xúc tiến thương mại qui mô quốc gia hay địa phương cần phải tích cực hơn nữa. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thông báo, về phía Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện cho xúc tiến thương mại, nghiên cứu đặc thù thương mại biên giới để tham mưu cho Chính phủ những chính sách phù hợp, đào tạo nhân lực và cung cấp thông tin thương mại cho các tỉnh.
 
Về phía doanh nghiệp cần xác định chiến lược xuất khẩu của mình sang thị trường Trung Quốc, xây dựng các đề án chuyên biệt cho từng mặt hàng xuất khẩu. Cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng phát huy tiềm năng, nâng cao hàm lượng lao động lành nghề và khoa học công nghệ trong đơn vị sản phẩm, giảm dần thị phần hàng nguyên liệu xuất khẩu đang chiếm chủ yếu trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tiến hành các hoạt động marketing, xây dựng mạng lưới thương nhân tiêu thụ hàng xuất khẩu tại Trung Quốc. Nắm vững quy định pháp luật và thông tin về thị trường và mặt hàng tại thị trường Trung Quốc. Chủ động tìm kiếm các đối tác mua hàng trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)


Báo cáo phân tích thị trường