|
Măng cụt Cầu Kè đang được nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Vài năm trở lại đây, chương trình GAP (sản xuất quả theo hướng chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm) đã thực sự mang lại sinh khí mới cho các nhà vườn trong khu vực.
Chuyện cũ kể lại...
Anh Phan Thanh Bình ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, lắc đầu ngao ngán vì xoài tứ quý tại huyện Chợ Lách bán lẻ với giá 6 ngàn đồng/ký, rất ít người mua. Nếu thương lái thu mua tại vườn, giá sẽ thấp hơn nhiều. “Mấy năm qua mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều trông cậy từ vườn xoài. Năm nay trúng mùa nhưng rớt giá coi như phải chờ mùa sau!”.
Cùng với huyện Cái Bè-Tiền Giang, Cao Lãnh-Đồng Tháp là huyện chuyên trồng xoài của khu vực ĐBSCL, mỗi năm cung ứng cho thị trường các nơi trên 40.000 tấn trái , nhưng năm nay giá rớt thảm hại!
Được biết Dự án khôi phục cây cam mật Phong Điền do Trung tâm Khuyến nông TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư đến nay vẫn “án binh bất động”! Ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền - TP.Cần Thơ cho biết nguyên nhân do đất bị nhiễm bệnh, nhà vườn muốn khôi phục phải chọn cây đầu dòng tốt, đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian và vốn liếng.
Ông Phan Văn Mạnh ở xã Hoà Lộc, huyện Mỏ Cày-Bến Tre vẫn hí hửng đến Trại Cây giống Duy Hiền xã Vĩnh Bình-Chợ Lách mua cây giống về trồng. Ông nói: “Xoài ruột trắng ở quê tôi, bán không có giá bằng xoài tứ quý ruột vàng của Chợ Lách. Ngoài việc chọn cây ăn trái phù hợp vùng thổ nhưỡng, vấn đề giống cây trồng cũng không kém phần quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Giải pháp nào?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (VNCCAQ), cho biết sản xuất theo tiêu chuẩn GAP có nhiều lợi điểm: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt ngưỡng cho phép, không có kim loại nặng và hàm lượng nitrát đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, hơn thế nữa chất lượng trái cây đảm bảo được nâng cao theo quy chuẩn.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp, thông tin rằng từ năm 2008 đến nay, Ban điều hành Dự án cây ăn trái của huyện đã phối hợp với UBND các xã vùng dự án tổ chức cho các nhà vườn lên liếp và cải tạo hơn 100ha vườn tạp, xây dựng mô hình xoài sản xuất theo tiêu chuẩn GAP ở ấp Mỹ Hưng Hoà, xã Mỹ Xương và thực hiện mô hình vườn xoài thâm canh từ nguồn vốn của Chương trình Khuyến nông Quốc gia, hỗ trợ gần 50 ngàn bao trái xoài Đài Loan cho 9 hộ thuộc xã Bình Hàng Tây trên diện tích 10ha...
Dừa sáp là loại đặc sản của Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL. Giá mỗi trái từ 50-60 ngàn đồng vào ngày thường, vào các lễ hội, tết lên đến 120 ngàn, cá biệt lên đến 160 ngàn đồng/trái. Chị Thạch Thị Mai, chủ đại lý dừa sáp lớn nhất huyện Cầu Kè, nói: “Mua dừa sáp nơi đây không sợ bị lầm vì đã có chữ ký bằng bút màu của nhà vườn đảm bảo trên trái dừa thương phẩm!”
Kỹ sư Trần Ly Khang, cán bộ Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè cho hay Đề tài “Xây dựng và nhân rộng mô hình chuyên canh dừa sáp tại huyện Cầu Kè,Trà Vinh”, kinh phí trên 688 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 433.230.000 đồng, phần còn lại do nhà vườn đối ứng vốn sản xuất...
Không chỉ có cây dừa sáp đồng hành với GAP mà sắp tới huyện Cầu Kè và nhiều huyện khác trong tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực sẽ thực hiện chương trình GAP vì hiệu quả của nó đã quá rõ ràng.
Phương Quyên
(Theo Lao Động)