Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau Đà Lạt đại hạ giá
18 | 05 | 2011
Hơn nửa tháng qua - từ đầu tháng 5 đến nay (17.5) - chưa bao giờ rau Đà Lạt (Lâm Đồng) lại rớt giá một cách thê thảm như thế: Hầu hết giá các loại rau đã xuống thấp hơn so với cuối tháng 4 từ 50 - 70%, thậm chí tới 90%.
Giá cà chua từ 5.000 đồng/kg trước đây, nay giảm xuống còn 1.000 đồng/kg; su su từ 3.000 đồng rớt xuống còn 200 đồng/kg…
Cà chua chín rũ trên đồng, nhưng nhà nông đành phá bỏ vì giá bán không bù nổi công đầu tư.     Ảnh: Khắc Dũng
Cà chua chín rũ trên đồng, nhưng nhà nông đành phá bỏ vì giá bán không bù nổi công đầu tư. Ảnh: Khắc Dũng

Được mùa, rớt giá

Nói “rau Đà Lạt” là nói đến rau của TP.Đà Lạt và rau của hai huyện lân cận là Đơn Dương và Đức Trọng. Dự kiến trong tháng 6 tới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ công bố chính thức nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” với 13 sản phẩm rau của 3 địa phương này sẽ được đưa vào kiểm định và cấp nhãn hiệu trước khi được đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Văn Thành (ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) ngậm ngùi: “Cà chua là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp của rau Đà Lạt dự kiến được đưa vào kiểm định để cấp nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường. Ấy nhưng, vụ này, cả vườn cà chua hơn nửa hécta của tôi đành phải cày bỏ vì không thể thu hoạch được. Hiện giá cà chua chỉ còn không đến 1.000 đồng/kg, không đủ chi phí đầu vào nên không có nhà buôn nào chịu hái cả”.

Không chỉ ông Thành, cả hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP.Đà Lạt hiện có hàng ngàn hộ nông dân với trên 500ha cà chua chín rục trên cây phải cày chất thành núi để giải phóng đất, trồng các loại cây trồng khác. Mới hồi sau tết, giá rau các loại đều ở mức cao, nhà nông ở vùng rau theo quy hoạch của tỉnh hớn hở xuống giống các loại cây trồng đúng theo chương trình phát triển “vùng rau an toàn” cả hàng nghìn hécta với hy vọng tiếp tục “trúng giá, được mùa”.

Cũng cần nói thêm: Theo quy hoạch “vùng sản xuất rau và chè tập trung tỉnh Lâm Đồng” từ nay đến 2020 vừa được phê duyệt, thì vùng sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh này rộng đến 13.174ha, tập trung ở Đức Trọng 6.000ha, Đơn Dương 4.500ha, Đà Lạt 2.000ha và Lạc Dương 674ha. Cùng với quy hoạch này, tỉnh Lâm Đồng còn dự kiến trong tháng 7 tới sẽ chính thức cấp nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” cho các loại sản phẩm rau (13 sản phẩm) của 3 địa phương Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng trước khi đưa ra thị trường.

Chưa đủ sức cạnh tranh

Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT Lâm Đồng, diện tích trồng rau hằng năm của tỉnh vào khoảng 35.000ha với sản lượng 1,1 triệu tấn rau thành phẩm các loại. Được biết, ngay từ cuối 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 31 về quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” theo tiêu chuẩn “Dalat GAP” trên tinh thần nhãn hiệu độc quyền trong cả nước.

Quy chế này không chỉ mang tính công cụ quản lý nhãn hiệu và chất lượng rau Đà Lạt, mà còn là “lời hiệu triệu” nhằm tập hợp mọi người dân trồng rau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cùng thực hành “phương thức sản xuất nông nghiệp tốt” (GAP - Good Agriculture Practice) trên cánh đồng rau của mình để giữ vững nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”.

Hiện, trên địa bàn Lâm Đồng đã có 6 mô hình chuẩn về rau an toàn đã được xây dựng để nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn là tiêu chuẩn ASEAN GAP hoặc Global GAP (tiêu chuẩn Châu Âu). Lâm Đồng đang phấn đấu để thực sự trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước và rau củ quả được xác định là “mũi nhọn” của trung tâm này.

Như vậy, với “con đường dài” của rau Đà Lạt và thực trạng sản phẩm này đang rớt giá thê thảm (có nguyên nhân sản phẩm chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường) ngay vào thời điểm chuẩn bị công bố nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” hẳn có nhiều vấn đề được đặt ra cho không chỉ người nông dân trên hành trình phát triển bền vững sản phẩm rau Đà Lạt!



Theo laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường