Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc thay đổi, láng giềng lo ngại
03 | 02 | 2009
Việc Trung Quốc quay lại thúc đẩy xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có hàm lượng lao động cao và giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép, đồ chơi… có thể gây xung đột thương mại với các nước phát triển và làm các nước láng giềng ở châu Á lo ngại.

Trên các bến cảng Hồng Kông, những khối container vẫn thường hiện ra lờ mờ trên các cầu vượt xa lộ đã biến mất. Các nhà quản lý kho vận nói rằng mỗi tuần họ đều phải thương lượng giảm giá thêm nữa cho mỗi chuyến tàu rời bến với một nửa trọng tải. Ở tỉnh Quảng Đông gần đó, quá nhiều nhà máy ngừng hoạt động mà không trả tiền cho công nhân đến nỗi công nhân chủ động nghỉ việc trước và đòi phải trả tiền ngay trước khi các ông chủ phá sản. Ở Tứ Xuyên và các tỉnh trong nội địa Trung Quốc, chính quyền địa phương tuyệt vọng tìm kiếm những phương cách tạo việc làm cho hàng triệu người lao động di cư đã mất việc.

Thương mại sụp đổ

Đó là hậu quả của việc hàng triệu người Mỹ mất niềm tin vào nền kinh tế, cảm thấy bị nghèo đi và do vậy đang thắt lưng buộc bụng. Các nhà bán lẻ tại Mỹ, sau một mùa mua sắm cuối năm ảm đạm, đã bắt đầu kéo dài thời hạn thanh toán cho hàng hóa Trung Quốc lên 90 ngày, thậm chí 120 ngày, trái với thông lệ là từ 30 đến 45 ngày, buộc các nhà cung cấp phải chạy vạy vay mượn thêm tiền để ứng phó. Một số nhà cung cấp Trung Quốc không vay được tiền - đã buộc phải dẹp tiệm.

Victor K. Fung - Chủ tịch tập đoàn Li & Fung của Hồng Công, một công ty khổng lồ quản lý dây chuyền cung ứng chuyên nối kết các nhà máy ở Trung Quốc với các tập đoàn bán lẻ ở Mỹ và Âu châu, phỏng đoán có 60.000 nhà máy ở Trung Quốc do người Hồng Kông làm chủ đã đóng cửa hoặc sắp đóng cửa trong vài tháng tới. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng, còn số này còn cao hơn và tình hình còn nghiêm trọng hơn tại các nhà máy do người Trung Quốc đại lục làm chủ, vì những cơ sở này thường nhỏ hơn, vốn liếng ít hơn những nhà máy do Hồng Kông làm chủ.

Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy sau 7 năm tăng trưởng nhanh, xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm 2,2% trong tháng 11/2008 nếu tính bằng đô-la Mỹ. Nhưng số liệu tính bằng đô la không thể hiện được chiều sâu thật sự của sự suy giảm. Đổi những số liệu này sang đồng tiền của Trung Quốc thì xuất khẩu tháng 11 giảm đến 9,6%. Nếu cộng cả tỷ lệ lạm phát thì sự sụt giảm lên tới 11,4%. Đã có những chỉ dấu cho thấy số liệu xuất khẩu tháng 12-2008 còn tệ hơn nữa.

Thay đổi chính sách

Trong hai tuần cuối năm, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp giúp đỡ các nhà xuất khẩu. Các ngân hàng quốc doanh được lệnh phải cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay nhiều hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các quỹ nghiên cứu của chính phủ được thành lập. Người đứng đầu chính quyền Hồng Kông, ông Tăng Âm Quyền, có kế hoạch yêu cầu cơ quan lập pháp phê chuẩn vào cuối tháng 1 này một điều luật cho phép chính quyền đứng ra bảo đảm để ngân hàng phát hành thư tín dụng (L/C) cho các nhà xuất khẩu, có trị giá lên tới 12,9 tỉ đô-la Mỹ.

Đặc biệt đáng chú ý là những bước đi của chính phủ Trung Quốc nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đây là một bước đảo ngược chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm đối phó với sự suy giảm xuất khẩu và việc làm. Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mà Trung Quốc muốn từ bỏ trong nỗ lực leo lên nấc thang cao hơn, nhưng giờ đây họ đã tỏ ý không muốn nhường cái bậc thang thấp này cho các nước có mức lương còn thấp hơn nữa như Việt Nam, Indonesia và Bangladesh.

Trung Quốc cũng đã khôi phục chính sách hoàn thuế xuất khẩu cho ngành dệt may mà trước đây đã bị bãi bỏ. Chính quyền các tỉnh thành phố cũng đã ngừng việc nâng lương tối thiểu (một số thành phố đã tăng gấp đôi trong hai năm qua). Tại hội nghị cuối tháng trước, ông Li Yizhong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, cho biết: “Trung Quốc sẽ dựa vào thuế suất và chính sách thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và những ngành công nghiệp hỗ trợ”.

Hướng về thị trường nội địa: không dễ!

Việc Trung Quốc gia tăng khuyến khích xuất khẩu có nguy cơ tạo ra vấn đề thương mại cho tổng thống mới được bầu của Mỹ, Barack Obama, nhất trong lĩnh vực dệt may. Hạn ngạch nhập khẩu mà Mỹ áp đặt lên nhiều mặt hàng may mặc của Trung Quốc đã hết hạn ngày đầu năm 2009. Nhưng ngay cả trước khi Trung Quốc công bố những chính sách mới dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ngày 19-12 vừa qua Mỹ đã nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới, cáo buộc Trung Quốc trợ cấp bất hợp pháp cho các nhà xuất khẩu trong hàng loạt ngành công nghiệp.

Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động

Trong một lá thư gửi tới Hội đồng toàn quốc các tổ chức dệt may ngày 24/10 vừa qua, ông Obama không hứa hẹn bảo hộ thị trường trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, song ông muốn có sự giám sát chặt chẽ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. “Trung Quốc phải thay đổi chính sách, kể cả chính sách ngoại hối, để sự tăng trưởng kinh tế của họ ít phụ thuộc hơn vào hoạt động xuất khẩu và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa”, ông viết.

Nhưng chuyển từ xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa không phải là chuyện dễ. Các hộ gia đình Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm vào loại cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các nhà máy Trung Quốc được miễn thuế hoặc giảm thuế khi nhập khẩu thiết bị chỉ để làm hàng xuất khẩu. Việc xin giấy phép chuyển những thiết bị ấy sang làm hàng tiêu thụ nội địa có thể kéo dài vài năm và doanh nghiệp phải nộp khoản thuế trước kia đã được miễn giảm; khoản tiền này có khi vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Nước láng giềng cảnh giác

Các biện pháp khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang bắt đầu gây lo ngại trong các nước châu Á cạnh tranh với Trung Quốc và làm nổi lên nguy cơ xuất hiện các phản ứng mang tính bảo hộ thị trường. Indonesia chẳng hạn, một trong các thị trường lớn nhất châu Á đã thực hiện hàng loạt biện pháp hành chính mà trong thực tế có tác dụng làm cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Các biện pháp này bao gồm sự hạn chế việc nhập khẩu hàng may mặc, điện tử, giày dép, đồ chơi và thực phẩm - năm chủng loại hàng hóa mà các nhà sản xuất Indonesia phải chật vật cạnh tranh với Trung Quốc ngay trên sân nhà. Bắt đầu từ ngày 1/1/2009, các công ty nhập khẩu các mặt hàng này phải đăng ký với chính phủ, chỉ được đưa hàng vào 5 hải cảng đã được chỉ định, phải thu xếp kiểm tra chi tiết hàng hóa trước khi hàng được bốc lên tàu hoặc máy bay chở tới Indonesia và rồi khi đến cảng, mỗi container đều phải trải qua sự kiểm tra chặt chẽ của hải quan Indonesia.



Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường