Các dự án đầu tư ra nước ngoài được ưu tiên hỗ trợ thuộc lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp. Đồng thời, các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng thuộc đối tượng khuyến khích và hỗ trợ.
Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài, một trong những giải pháp được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là cải tiến thủ tục hành chính, mở rộng diện dự án đăng ký, giảm sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Ngoài các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga, doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư sang những địa điểm mới như Mỹ Latinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế trong nước.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các địa bàn trọng điểm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài cùng chính sách ưu đãi và chế độ hỗ trợ đi kèm. Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, đưa nội dung xúc tiến đầu tư ra nước ngoài thành một nội dung của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi hỗ trợ về tài chính, tín dụng đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các dự án đầu tư vào một số địa bàn trọng điểm, trình Thủ tướng trong năm nay.
Cũng theo Đề án này, hàng năm sẽ tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư Việt Nam tại nước sở tại, đồng thời hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát triển đầu tư của doanh nhân người Việt Nam ở nước sở tại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra ngoài nước đạt hiệu quả và an toàn, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, kể từ khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tính đến tháng 12/2008, qua gần 20 năm thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có 368 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,39 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đăng ký.